Lửa Từ Bi
Tập san tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức
Nhiều Tác Giả
Hòa thượng Thích Quảng Đức | Hòa thượng Thích Trí Quang | Hòa thượng Thích Đức Nhuận | Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ | Hòa thượng Thích Phước An | Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát | Giáo sư Cao Huy Thuần | Cựu Trung tướng Tôn Thất Đính | Giáo sư Nguyễn Văn Sâm | Lương Hữu Định | Bùi Kha | Giáo sư Nguyễn Tri Ân | Nhà báo Vũ Ánh | Huynh trưởng GĐPT Tâm Duy Phan Duy Chiêm | Tâm Huy Huỳnh Kim Quang | Tâm Quang Vĩnh Hảo | Tâm Thường Định | By James M. Lindsay | Southwest Minnesota State University | Rollie Hicks | Buddhist Information | Mark Oliver | John Kuroski | Edward Tick | Nucleus AI | Patrick Anders | Amod Lele | Xia, Ming – Hồ Như Ý dịch
Kết Tập:
Nguyên Không | Tâm Thường Định | Nhuận Pháp
Tâm Định | Quảng Pháp
Tranh bìa:
Hoa nở trong lửa
của Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, sơn dầu trên bố, 30” x 24”, 1994
Lotus Media xuất bản tại Hoa Kỳ, 2023
“… Với Phật trên đỉnh đầu, ta hãy dành một phút cho lòng tin vào thiêng liêng, nhất là trong đêm tưởng niệm này. Đối với Phật tử, không có cái chết nào là chết hẳn, cái chết nào cũng được tiếp nối bằng sự sống, nhất là những cái chết linh thiêng. Cái mà người khác gọi là may mắn, gọi là tình cờ, ta gọi là phù hộ. Cái mà người khác gọi là chết, ta gọi là sống. Sự sống đó đi theo hành động của ta. Sự sống đó cho ta niềm tin. Sự sống đó phù hộ cho ta. Chính sự sống linh thiêng đó đã đem bác sĩ Wulff đến với chúng ta. Các em bé chết, nhưng các Thánh tử đạo sống. Sống để đặt đức Phật lên đỉnh đầu của bác sĩ Wulff, đưa ông đến với Sự Thật, dẫn ông vượt qua mọi nguy hiểm. Đêm nay, chúng ta hãy chiêm nghiệm sự sống linh thiêng đó để tiếp tục dõng mãnh bước đi trên đường của chúng ta. Chúng ta càng dõng mãnh khi lòng tin đó càng vững chắc. Phải tin rằng mỗi bước đi của ta đều có sự phù hộ. Tin như vậy thì không có gì phải sợ. Suốt mùa tranh đấu, lòng tin ấy dẫn đầu. Suốt mùa tranh đấu, Phật giáo chỉ đọc và chỉ áp dụng một câu kinh: “Vì tâm không vướng ngại nên không hề khiếp sợ, vượt hết thảy khổ ách”. Ông Wulff chưa bao giờ là Phật tử, nhưng với chúng ta, ông đã là Phật tử vì trên đỉnh đầu của ông có câu kinh ấy.
Lịch sử Phật giáo 1963 để lại cho cả thế giới thêm một bài học nữa về lòng tin đó. Đừng sợ! Vì ta có lòng tin, vì ta có phù hộ. Nhưng vô úy của Phật giáo cũng bắt nguồn từ chữ “tâm” nói trên. Tâm không vướng ngại, vì đây là tâm của từ bi. Hãy ghét cái ác mà tranh đấu, đừng ghét con người, vì trong mỗi người đều có Phật. Chính vì thấy Phật cả trong đối thủ của mình nên mình mới có được cả cái tâm vô úy. Ấy là lý thuyết suông chăng? Không, phải có một Phật Đản 63 để thế giới thấy rằng ngọn lửa Quảng Đức là thể hiện của lý thuyết ấy. Không có biểu tượng nào oai hùng hơn về sự kết hợp của hai đức tính biểu trưng của Phật giáo: vô úy và từ bi. Cái này có thì cái kia có; cái này là động lực của cái kia. Sau thánh Gandhi, thế giới hiểu thêm thế nào là tranh đấu bất bạo động ở Việt Nam. Gandhi đã lấy tuyệt thực và tính mạng để thức tỉnh cái ác của đế quốc, để động viên dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã lấy cái chết, lấy ngọn lửa để thức tỉnh cái ác của độc tôn tôn giáo, để bảo vệ chính nghĩa. Cả hai đều không có khí giới nào ngoài hơi thở của chính mình và một lòng tin không gì lay chuyển. Đêm nay, chúng ta hãy chiêm nghiệm thêm sự lạ này, sự lạ tột cùng của mọi sự lạ trong lịch sử: cái gì đã làm cho trái tim bồ tát không cháy? Để lại một trái tim cho thế giới đầy hận thù này, đố ai tìm được một biểu tượng có ý nghĩa hơn về đức từ bi…”
Lửa Từ Bi – Tập san tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức
Trích GS CAO HUY THUẦN,
Pháp Nạn 1963, Tưởng Niệm,
Bản Chất Văn Hóa, Tinh Thần Bất Bạo Động