Người viết không học chữ Hán, sinh ra ở thời Nho học từ lâu đã mất vai trò dưới mái trường ở cả TQ và VN, chỉ còn dư vị, vang bóng một thời, nhường chỗ cho Tây học. Thực ra, vai trò Nho học suy yếu ngay sau khi người Pháp nổ súng ở Đà Nẵng, năm 1858. Đến khi xuất hiện những câu thơ trong thi phẩm Ông Đồ của Vũ Đình Liên, mọi sự đã an bài, Nho học kết thúc vai trò chủ đạo trong học thuật ở xứ mình, và “ ..Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ”
Song, có những giá trị của Nho học vẫn tồn tại mãnh liệt đến ngày nay ở cả TQ và VN, đấy là các hằng giá trị mang tính nhân loại phổ biến, trong đấy có câu kinh điển đang hot tính thời sự “ nhờ” đề xuất kinh dị của GS Trần Ngọc Thêm, “ tiên học lễ, hậu học văn”.
Nguyên ngữ giáo điều Nho học này đương nhiên là chữ Hán. Người viết thuộc số đông người Việt cùng thế hệ biết đến câu trên qua chữ quốc ngữ viết trên tường các ngôi trường ở mọi nơi.
Nội dung câu ấy không hề khó hiểu: trước học Lễ, sau mới học Văn, trong đấy Lễ được nhấn mạnh.
Chữ Lễ có nội hàm rộng, thuộc về căn bản Nho học. Ở câu đang luận đến, Lễ bao hàm đạo đức, lễ giáo, kỷ cương phép tắc, nhân cách.... Văn theo thời phong kiến là Nho học, thi phú, kế sách.... Văn theo cách hiểu mở rộng tự nhiên ở ngày nay bao gồm hết thảy tri thức, văn hoá, học vấn. Đương nhiên, ngày nay cũng không thể khư khư hiểu khô cứng chữ Lễ theo cách ngày xưa của giáo điều trong bối cảnh xã hội cũ, chữ Lễ ngày nay có thể hiểu gồm các giá trị nhân văn, đạo đức cần có đi cùng tri thức khoa học? Cách mở rộng nội dung ấy phù hợp, không khiên cưỡng máy móc? Nếu vậy, giáo điều Nho học kia đâu có lỗi thời? Chẳng phải mọi nền giáo dục cổ kim đông tây luôn đề cao vai trò giáo dục đạo đức đấy sao?
Không phải duy sự học ở học đường, vai trò cân bằng hài hoà tri thức kỹ năng và giáo dục đạo đức, lễ nghĩa luôn luôn được coi trọng ở mọi sự học, từ xưa, ví như võ học cân bằng và tiên quyết có đạo trước mới truyền võ công, Đạo ở đây cũng có nội hàm rộng về đạo đức, nhân cách và gần với chữ lễ ở học đường chữ nghĩa thi phú.
Chữ Lễ ngày nay hoàn toàn có thể hiểu về đòi hỏi người học có nhân cách, trọng luật pháp, nhân đạo, xử thế văn minh. Trong khi đấy, vế thứ hai, như đã nói, chỉ mọi tri thức học đường, từ văn chương đến toán học, kỹ nghệ.... Thành ra câu giáo điều kia vẫn cô đọng sâu sát ở thời nay và mãi mãi.
Không có Lễ mà tinh thông Văn sẽ nguy hiểm như vô Đạo mà sở đắc công phu võ học, đạo lý này sao có thể bài bác phủ định được?
Nho học không chỉ để lại một câu kinh điển ấy cho hậu sinh, các câu sau đây cũng ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ và thuộc về hằng giá trị: nhân chi sơ tính bổn thiện, nhân bất học bất tri lý, nhàn cư vi bất thiện, phú quý đa nhân hội bần cùng thân thích ly...
Nhiều giáo điều Nho học lỗi thời cản trở văn minh đã bị đào thải, song không phải là tất cả, có những giá trị được nâng niu, góp vào căn bản của sự minh triết.
Nguyễn Thành Công