Trong mùa Vu lan Báo hiếu, đạo Phật xiển dương tinh thần tri ân, báo ân - cốt lõi đạo đức để làm người - phù hợp với đạo lý dân tộc là "uống nước nhớ nguồn". Thêm vào đó, đạo Phật cũng biểu dương hạnh Hiếu - là hạnh Phật, tâm Hiếu - là tâm Phật.
Hẳn vì sự tương thích của đạo với tinh thần dân tộc như vậy cho nên ngay từ khi du nhập vào đất Việt cách đây 2.000 năm, Phật giáo nhanh chóng được tiếp thu, có nhiều thời kỳ trở thành nếp sống của toàn dân, đạo Phật là quốc giáo như triều đại Lý-Trần.
Cũng vì hiếu hạnh là hạnh Phật nên dân gian mới nói "thờ cha kính mẹ chính là chân tu". Thiền sư Thanh Từ trên báo Giác Ngộ số 1010 nhân mùa Vu lan năm nay, Phật lịch 2563 có bài "Vu lan - mùa Báo hiếu". Trong đó ngài khẳng định: "Đạo Phật lấy đạo đức làm trọng, đức lấy lòng hiếu thảo làm gốc. Mùa Báo hiếu gợi lại trong tâm tư mỗi người con Phật công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ".
Và Thiền sư dạy: "Đạo đức phát nguồn từ lòng hiếu thảo, người không hiếu thảo khó có đạo đức". Lời của chơn nhân chắc chắn không thể sai và hẳn ai cũng thấu tận nguồn cơn của điều đó. Do vậy, tháng Bảy giống như những ngày tháng ôn nhắc mỗi người kỹ hơn về đạo hiếu chứ thực ra ngày tháng nào không phải là tháng ngày để tri và báo ân, nhất là ân cha mẹ?
Nếu nghĩ rằng tháng Bảy là tháng-cô-hồn, là tháng xui rủi thì ta đã quên mất định luật Nhân-quả. Nếu nghĩ về tháng Bảy là mùa hiếu thì càng cần tu tập để củng cố niềm tin nhân quả, chánh tín trong đời sống hằng ngày, nỗ lực làm thiện sự, báo đáp các ân trọng mà mình đã thọ.
Vì vậy, đừng quên mất ý nghĩa đẹp-nhân văn và thâm sâu của tháng Bảy Vu lan, cứ lẩn quẩn trong chuyện tháng cô hồn rồi lo lắng, sợ hãi, để lòng lăn tăn mỏi mệt thì thật uổng phí, thật phụ ơn Tam bảo quá luôn...