Trong khi dư luận vẫn chưa thôi tranh cãi về Thích Vĩnh Tín, một nhà sư được tôn kính khác ở Ôn Châu, Chiết Giang cũng bị người yêu cũ của con trai tố cáo là sư giả và có lối sống xa hoa. Tuần báo Nam Phương ở Quảng Đông đã điều tra sâu hơn và cho biết có thể tìm thấy hàng loạt các sư giả trên khắp cả nước, họ đều đang kiếm bội tiền và phá huỷ uy tín của tôn giáo.
Nhà sư giả
Thích Trí Thông, 54 tuổi, trụ trì chùa Long Tuệ, Thương Nam, Chiết Giang, Trung Quốc bị bạn gái cũ của con trai, cô Vương tố cáo trên Weibo vào tháng 6. "Mặc dù ông ta đi tu từ năm 14 tuổi nhưng ông ta vẫn lấy vợ. Ông ta thích ăn thịt bò hơn rau dưa và thích lái những chiếc xe sang trọng như Land Rover và Audi A8. Khi đi du lịch, ông ta ở trong khách sạn 5 sao…", cô Vương viết.
Trao đổi với báo Nam Phương, cô Vương cho biết: "Thích Trí Thông có nhiều nhà và cửa hàng ở Thượng Hải, Hàng Châu và Ôn Châu". Tuy nhiên, phải biết rằng vợ Thích Trí Thông không có việc làm ổn định và con trai ông ta, 31 tuổi, chỉ bắt đầu kinh doanh từ sau khi tốt nghiệp đại học.
Thích Trí Thông có nhiều bạn bè trong giới chính trị, kinh doanh và văn hoá. Ông là Phó chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Thương Nam và là thành viên Phật giáo duy nhất trong Uỷ ban Ôn Châu của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Tuy nhiên, một tuyên bố từ Hiệp hội Phật giáo Ôn Châu gửi đến báo Nam Phương khẳng định ông chỉ là sư giả và chưa bao giờ đăng ký vào hiệp hội. Họ chưa bao giờ bổ nhiệm Thích Trí Thông vào bất kỳ vị trí nào và nhiều lần bác bỏ đề nghị của Hiệp hội Phật giáo quận cho ông ta làm thành viên của CPPCC.
Thích Trí Thông bị tố cáo là sư giả (Ảnh: Global Times)
Còn việc tại sao Thích Trí Thông có thể trở thành thành viên Phật giáo duy nhất của CPPCC, Trần Thế Hồng, Phó giám đốc Cơ quan công tác dân tộc và tôn giáo Thương Nam, từ chối trả lời.
Về phía Thích Trí Thông, ông phủ nhận lời buộc tội này, khẳng định mình không ăn thịt cũng như không hề chuyển tiền của chùa về cho gia đình. "Tôi trở thành nhà sư năm 14 tuổi và kết hôn năm 1984. Sau đó, tôi tu luyện bản thân và ly dị năm 2014", Thích Trí Thông nói.
Kiếm được bội tiền
"Sau khi tôi lật tẩy các Phật tử giả, họ bắt đầu quay sang trả thù tôi", luật sư Tiền Minh (tên giả), người đã tiết lộ những vụ mua bán ngầm của các sư giả tại 1 ngôi chùa ở tỉnh Chiết Giang, cho biết. Tiền Minh nói mỗi năm ngôi chùa có thể kiếm được 3 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 10 tỷ đồng) từ quyên góp của các tín đồ và những nghi lễ Phật giáo. Tiền sẽ đi thẳng vào tài khoản cá nhân của các sư bởi chẳng có ai giám sát tình hình tài chính của chùa.
"Các nhà sư ở tỉnh Hà Nam không hề có giấy chứng nhận tôn giáo cũng như không đăng ký vào các hiệp hội và các cơ quan công tác tôn giáo địa phương", Tiền Minh nói. Anh cho biết thêm những nhà sư này thường có 2 chứng minh thư, chiếc thứ 2 dùng để kết hôn, nuôi con và kinh doanh. "Hầu hết các sư giả ở Ôn Châu đều đến từ Giang Tô, còn những nhà sư ở các thành phố khác như Kim Hoa, Lật Thuỷ thì đến từ Tứ Xuyên", một nhà sư ở Chiết Giang cho biết.