Tản mạn chút về từ PHONG ĐỘ và OAI NGHI ở mặt nội dung diễn đạt.
Còn về vỏ ngôn ngữ, hai từ ấy có gốc Hán- Việt, định hình lâu đời, ngữ nghĩa sử dụng ổn định từ lâu trong giao tiếp, sinh hoạt, cũng như qui định về nội dung.
PHONG ĐỘ, từ chỉ sắc thái bên ngoài của con người, chỉ tướng: toát lên oai phong, tự tin, đường bệ, có sức tác động đến người nhìn... Người có phong độ, đạt được phong độ khiến kẻ giao tiếp vì nể, kính trọng. Phong độ ở tướng cách, bước đi, ánh nhìn, giọng nói, trang phục, cử chỉ... Hết thảy hình tướng nhân vật có phong độ biểu hiện uy vũ, sức mạnh. Thường thường từ PHONG ĐỘ chỉ kẻ có địa vị chức phận, quan quyền tiền hô hậu ủng, kẻ hầu người hạ, Vua biết mặt, Chúa biết tên, thiên hạ trông cậy... Tâm sinh tướng, phong độ là biểu hiện ra bên ngoài quyền lực, tầm ảnh hưởng sinh sát, một lời một chữ “ có gang có thép”. Nhiều bậc đức cao vọng trọng dù không vận quan phục và xa lạ, qua tướng cách thiên hạ vẫn nhận ra: đây là người có chức phận. Đương nhiên, nội hàm từ PHONG ĐỘ không chỉ có thế...
Không chỉ quan quyền, PHONG ĐỘ còn có ở những người thành đạt ở các lĩnh vực xã hội: thương nhân, nhà khoa học, người có uy tín lớn.... Khi ăn nên làm ra, thủ đắc gia sản lớn, có vị thế trên thương trường, tướng thay đổi từ bước đi đến giọng nói, có thần có lực hơn thưở hàn vi áo vải.
.. Thực ra cũng không cần tiền muôn bạc vạn, quan phủ quan huyện hay đại thần, tiến sĩ hay giáo sư, một anh giáo làng giỏi nghề, dạy giỏi có tiếng, học trò kính, dân chúng nể vì, đồng nghiệp yêu thương, dù lương ba cọc ba đồng nhà tranh vách đất, vẫn có phong độ, anh giáo tự tin không rụt rè, ngôn phong dứt khoát, dáng cách thanh thoát...
Nội hàm từ PHONG ĐỘ rộng, sâu sắc.
Trong chính trị, thương trường, khi giao tế, người ta nhìn phong độ đối tác để lượng giá ban đầu cho dù không chỉ dựa vào đấy, phong độ tạo ấn tượng buổi đầu quan trọng cho quá trình hợp tác.
Phong độ thực sự toát từ giá trị bên trong khác hẳn giả tượng, cố ý tạo phong độ để đánh lừa người khác, mang tính kịch. Nghệ thuật sân khấu là đỉnh cao tạo phong độ ảo: các nghệ sỹ nhập vai vua chúa, quyền thần đầy dũng khí, uy vũ trên nền phụ hoạ âm thanh ánh sáng, son phấn áo mũ công phu, như thực nhưng sân khấu hạ màn, ở hậu trường nghệ sỹ tẩy trang, thoát khỏi vai diễn sì sụp ăn mì gói, phong độ không còn.
Tội phạm cũng lợi dụng nghệ thuật hoá trang nhập vai đánh lừa, tạo phong độ quan chức, đại gia, và chuyện này xem nghe hàng ngày.
OAI NGHI, về ngữ nghĩa, cũng có nét giao cắt với nội hàm từ PHONG ĐỘ nhưng chỉ giao cắt, gần, không trùng lắp.
Oai nghi dụng ở bậc tu sĩ Phật giáo, một căn bản của tăng ni phải giữ phải có. Người tu cắt ái ly gia dấn thân hành trì mong cầu đạt đạo giải thoát, ngoài áo nâu sồng cùng túi vải, đạm bạc rau dưa, sống đời khổ hạnh không tiền của, gia sản, không danh lợi, vậy oai nghi bậc xuất gia đến từ đâu, dựa vào đâu?
Những ai có duyên đảnh lễ bậc xuất gia có thực tu, có công phu, phạm hạnh, sẽ cảm nhận oai nghi bất khả tư nghị từ tâm của người con phật qua bước thiền hành, giọng nói, thủ bút, tác phong, tu phục... Hiền từ khẽ khàng, sức mạnh nội tâm vẫn phát lộ khiến đại chúng kính trọng, cung kính, oai nghi ấy đến từ đâu?
Oai nghi ấy đến từ niềm tự hào về lý tưởng bậc xuất gia tin theo, về đời sống giới luật nghiêm mật, ánh sáng phật pháp trau dồi ngày đêm, về công phu thiền đình, về xả thân độ chúng...
Tâm tu toả sáng tạo nên oai nghi người tu khiến dù khác tôn giáo, dù là tội phạm cũng vì nể. Oai nghi bậc tu hành khiến ma quỷ kinh sợ, là vậy.
Trường hợp tăng ni phạm giới, tùy công hạnh tích lũy, oai nghi bị suy giảm hay mất đi, dù vận cà sa như cũ, thần thái vơi đi- đây là bất hạnh lớn của đời tu.
Oai nghi không phải thuần túy hình thức, là một thực chất có giá trị của bậc xuất gia không tiền, không quyền lực, không có gì hết ngoài lý tưởng giác ngộ.
Oai nghi, do vậy, ngoài giao cắt, còn có mặt đối lập với phong độ của thế gian. Một đằng đạt phong độ, uy vũ khi thâu tóm sở đắt, một đằng đạt oai nghi, thần thái qua hành trình từ bỏ.
Ngôn ngữ kỳ thú vậy...
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về PHONG ĐỘ và OAI NGHI