Hiện thực không như sách vở, không trừu tượng, rất chi cụ thể, chi li trong đời sống hàng ngày.
Đạo đức là một phạm trù lớn về lý thuyết, khác biệt qua lăng kính dân tộc, văn hoá, chính trị, tôn giáo, và cả tính lịch sử từng thời đoạn, nên ngay ở cùng khu vực địa lý, một quốc gia dân tộc cụ thể có khi quan niệm đạo đức cũng không như nhất.
Tôn giáo này xem thọ dưỡng, ăn thịt động vật là đáng sợ, có tội. Nhưng trong cùng làng, người có niềm tin tôn giáo khác xem chuyện ấy, ăn thịt động vật, đơn giản chỉ là “ vật dưỡng nhơn” chẳng có chi đáng băn khoăn hay làm to chuyện rằng phạm vào qui tắc đạo đức nào đó. Mâu thuẫn? Trước nhất, đấy là một khác biệt về quan niệm trong kiến tạo hai tôn giáo khác nhau.
Ở chế độ chính trị này nhân vật A được tôn vinh ca ngợi lấy làm gương sáng giáo dục người trẻ, sân khấu chính trị hạ màn diễn cảnh mới, nhân vật kia trở thành tội đồ! Ông, bà ấy nên xem rằng tốt hay xấu?
Phụ nữ ở xã hội này ăn vận, khiêu vũ, đi đứng giao tiếp thoải mái, ở xã hội khác cũng các hành vi ấy bị lên án, phạm đạo đức.
Quan niệm và thực tế đời sống đạo đức không thuần nhất, phức tạp. Bạn sống theo chuẩn mực đạo đức nào đó và tin rằng mình tốt đẹp, nhưng những góc nhìn đạo đức khác chưa chắc đã tán đồng.
Cho đến một ngày đẹp trời nhờ một bậc cao niên từng trãi chuyện đời, tôi ngộ ra: đạo đức cũng giản dị thôi.
Bậc lão niên chia sẻ: cậu ạ, đi ngoài đường thấy mảnh miểng chai, đi huốt rồi vẫn quay lại lượm bỏ vào sọt rác vì sợ người ta đạp, đấy là đạo đức.
Ông kể: hồi chừng tuổi cậu, tôi đi lính xa nhà, lĩnh lương ra đi tàu đò đi chợ hớt tóc. Đến chợ thấy hai trẻ quê đem cá kiếm được ra bán, lại bị người ta lấy hế cá mà không trả tiền, khóc thấy tội lắm. Không có nhiều tiền, nghĩ tới nghĩ lui hoài, mới móc cho hai đứa nhỏ chút bạc....
Ông lại kể: có lần, khi đã là sĩ quan, chỉ huy đoàn xe lĩnh quân trang, đường về dừng nghỉ giữa bốn bề đồng quê, cánh trẻ chăn trâu chăn vịt xúm lại cạnh mấy chiếc xe dòm, đứa nào đứa nấy quần áo tơi tả không lành. Cũng đắn đo lâu, rồi quyết định kêu lính rút mấy xấp quân phục lấy mấy chiếc quần cho tụi nhỏ về sữa lại mặc. Đắn đo vì chuyện ấy liều, vỡ lỡ sẽ bị kỷ luật.
Đấy là những việc đạo đức, cụ thể, nghe kể biết thiệt, tin.
Khi bạn đọc báo hay nghe TV, dễ choáng chuyện từ thiện của các tỷ phú, đại gia, nhân vật VIP: họ chi hàng triệu đô la để làm từ thiện. Chuyện ấy có thực, không bịa, nhưng trên đời này số tỷ phú rất ít, người có khả năng làm chuyện đạo đức như thế có thể đếm được. Nếu mơ và chờ trở thành tỷ phú để làm đạo đức như những vị ấy thiệt xa xôi cho dù giấc mơ ấy đẹp.
Vừa đọc một chuyện hay chia sẻ trên facebook ngay trong dịch, ở Sài Gòn: chú xe ôm tận tình hướng dẫn cho cậu sinh viên đón đúng tuyến xe buýt. Cậu ấy hỏi: chú chỉ cho con không sợ mất khách đi xe ôm sao? Người đàn ông đen đủi nắng gió cần lao đáp: tao thương mấy đưa chịu ăn học, giúp. Đơn giản, nghe lại xúc động.
Xã hội mênh mông, hàng ngày người với người chia sẻ cuộc sống, bao nhiêu chuyện có thể giúp nhau, có khi nho nhỏ mà thôi, như chú xe ôm nọ. Nhất là khi đời sống rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh như bây giờ.
.... “Đi ngoài đường thấy mảnh miễng chai, đi huốt rồi vẫn quay lại bỏ vào sọt rác, đấy là đạo đức”. Tôi nhớ hoài lời của bậc lão niên từng trãi, và những chuyện đạo đức của ông đã làm, sinh động hơn bao nhiêu giáo điều đạo đức đã từng đọc.
Hình chụp ông Phan Văn Tư những năm 1950, mang hàm thiếu úy
Vẫn nhớ những năm tháng cuối cùng của cuộc đời thăng trầm đầy biến cố, bao nhiêu vinh quang và thất bại, sung sướng và khổ đau, nhưng chính những việc đạo đức nho nhỏ mà ông đã làm đã đọng lại, lung linh an ủi nhiều, khiến ô ng nhớ, kể lại trong niềm vui rằng mình đã sống không hề vô tâm với cuộc đời, đầy lòng trắc ẩn với tha nhân.
Ông đã không còn, đã đi xa, nhưng những gì ông nói, tôi nhớ mãi...
Ông, lão niên trong bài viết này, cựu thiếu tá Quân lực VNCH Phan Văn Tư, phục vụ có thâm niên ở nhiều vị trí công vụ ở nhiều địa phương, trước khi hưu trí bắt buộc vào thời gian cuối chiến tranh VN, giữ cương vị Chỉ huy trưởng Trung tâm yểm trợ tiếp vận Tiểu khu An Xuyên thuộc vùng 4 chiến thuật (còn gọi “Trại Phạm Ngũ Lão”, ở vị trí ngày nay đã xây dựng Bệnh viện đa khoa TP Cà Mau. Sau cải tạo, ở cùng gia đình tại số 71 Ngô Quyền, phường 9 thành phố Cà Mau. Ông phục vụ trong Quân đội quốc gia VN từ thời gian đầu mới thành lập, trước hiệp định Giơ neo 1954.
Nguyễn Thành Công
Hình của tác giả, thuộc tư liệu cá nhân, gửi đăng cùng bài viết này.
Hình ảnh thêm về MỘT CHUYỆN VỀ ĐẠO ĐỨC....