Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096), là Thiền sư Việt Nam thuộc đời thứ 8 của dòng thiền Vô Ngôn Thông. Ông tên thật là Nguyễn Trường, có cha làm quan lớn trong triều. Từ nhỏ, ông hay được vào triều do Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu hai bên.
Ông từng làm quan, am hiểu Nho học, nhưng cũng tìm hiểu kỹ về Đạo Phật. Vì vậy mà sau ông dâng biểu xuất gia. Ông được vua mời làm trụ trì chùa Giáo Nguyên. Ông cũng được vua gọi là Hoài Tín.
Năm 44 tuổi, lúc sắp mất, ông gọi các chúng đến, và đọc bài kệ Cáo tật thị chúng:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.
Bài kệ được coi là một trong những bài nổi tiếng nhất trong các bài kệ của các Thiền sư. Cáo tật thị chúng được nhiều người thuộc vì hình ảnh gần gũi, cũng như được nhiều người bình luận, nhiều góc nhìn.
Trước tiên, theo lẽ thường trong Phật giáo, các nhà sư trước khi mất, hay gọi chúng đệ đến để nói gì đó. Có người di ngôn rất ngắn nhưng ý tứ sâu xa. Thiền sư Mãn Giác, một người từng làm quan, trải qua hết những hỉ nộ ái ố, đã để lại cho đời một bài kệ sâu sắc về Đạo Phật, về kiếp nhân sinh. Trước tiên, ta thấy Thiền sư không dùng nhiều từ cầu kỳ, học thuật. Ông chỉ dùng xuân, hoa, tuổi già, đêm, cành mai.
Chỉ từng ấy hình ảnh cũng đã tạo tác nên một bài kệ kinh điển trong Phật giáo Việt Nam. Ông diễn tả rất đơn giản. Xuân đến, xuân đi, một vòng luẩn quẩn, tuần hoàn. Rồi trước mắt, mọi việc cứ tiếp diễn mãi, không dừng lại, trên đầu, già đến rồi, có lẽ là nói về cái sự bạc tóc của người đời, về tuổi tác ngày một nhiều lên.
Thiền sư Mãn Giác. Ảnh internet
Trước tiên, bằng những câu ngắn, Thiền sư đã cho chúng ta hiểu quy trình, quy luật của vũ trụ. Sự đến, sự đi, cái non trẻ xuất hiện, sinh nở, thì cái già, cái chết sẽ đến. Đặc biệt nhất là hai câu cuối: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua – sân trước – một cành mai”. Ta thấy ông sử dụng từ “chớ bảo”, như là một lời khuyên con người đừng quá cứng nhắc, bám chắc vào cái gì cả.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, có thể hiểu theo hai nghĩa sau: Thứ nhất về nghĩa đen, mùa xuân là nói về thời gian, trong mùa này, đủ các loại hoa, và mỗi thứ hoa thì nở không phải cùng lúc, nên khi xuân tàn thì chưa chắc đồng loạt hoa đã tàn. Mà có hoa vẫn còn nở tươi đó thôi.
Thứ hai, có thể hiểu theo nghĩa rộng, là không phải lời nói, triết lý nào cũng đúng cho nhiều việc, nó chỉ là phiến diện, không thể bao quát được hết cuộc đời đa màu sắc. Có thể nó đúng hôm nay, nhưng ngày mai chưa chắc đã đúng. Và câu kết trong bài: “Đêm qua – sân trước – một cành mai”, như là một sự lý giải toàn bộ không thời gian, về Đạo Phật, về kiếp người. Xuân tàn, nhưng vẫn còn một cành mai đỏ thắm đó thôi. Và cứ như vậy, vòng đời lặp lại luẩn quẩn, mà Đạo Phật gọi là luân hồi.
Về bài kệ này, tác giả Thiên Hạnh nhận định: “Một trong những tiêu chí của Thiền học là thâm nhập được vào thế giới vô thời trong thời gian và vô không trong không gian. Có thể hiểu nôm na là tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian, hai tiêu chuẩn để xác định sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng.
Sự an nhiên tự tại trước cái chết (thị tịch) của Thiền Sư biểu hiện cao độ , thay vì Ngài là nhân tố đáng thương hại, lại chính là nhân tố chủ động trấn an những đệ tử, những người vẫn đang khỏe mạnh trẻ trung. Đối diện sự ra đi, Ngài vẫn dõng dạc trong những Pháp kệ được Đường thi hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật văn học, lại hàm dung triết lý sâu xa. Cả một đời phụng sự Đạo Pháp, trải bao bài thuyết pháp độ sinh, nay, ngay cả trong giờ khắc còn lại ít ỏi trên cõi đời và đang đối diện cái mà con người kinh khiếp nhất (cai chết ), Thiền Sư vẫn tự tại biến đó thành bài Pháp cuối cùng của đời mình và đã trở thành bài thơ bất hủ trên thi đàn dân tộc xưa và nay”.
Với bài Cáo tật thị chúng, Thiền sư Mãn Giác đã khiến người đời phải nhớ đến mình, được nhiều người coi là một nhà thơ đại biểu của dòng văn thơ Lý – Trần.