Chúng ta có mặt trên cuộc đời này là do nghiệp, Vấn đề của phàm phu chúng ta là ở chỗ này, bậc Bồ tát tình thương trải khắp muôn loài chúng sanh nên không bị dính mắc; còn chúng ta do nghiệp nên có vơi có đầy, có tính toán thiệt hơn, có hỷ nộ ái ố, có đầy những nỗi lo sợ thầm kín, chúng thọc sâu vào thượng tầng và những nơi ẩn náu tối tăm của cá nhân. Sự sợ hãi có mặt ở khắp nơi: sợ thiếu thốn, sợ đói khát, sợ điều chúng ta có hôm nay có thể mất ở ngày mai; sợ ốm đau, già nua và chết chóc; và đôi lúc niềm lo sợ mơ hồ lấp đầy cuộc sống chúng ta với những âu lo. Nỗi lo âu sợ hãi ấy làm khổ sở vô số con người.
Sự lo sợ gây nên tan nát cuộc đời, làm vẫn đục tâm hồn; đó là ý tưởng bi quan, và sợ hãi làm mờ tối cả tương lai. Nếu con người nuôi dưỡng bất cứ mối lo sợ nào, nó xâm nhập vào tư tưởng, tàn phá người đó, khiến y thành chủ nhân của ma quỷ. Ảnh hưởng của sự sợ hãi gây ra cho chúng ta lớn lao đến nỗi nó được diễn tả như là con quỷ Xa tăng (arch-enemy) đối với mọi người. Sợ hãi tạo nên hàng triệu thói quen cố hữu. Tư tưởng sợ hãi có mặt khắp nơi. Tư tưởng ấy đến với chúng ta từ mọi hướng; sống trong âu lo, kinh hoàng thường trực, liên tục sợ những loài ma quỷ và thần linh.
“Sự lo sợ nghèo khổ chắc hẳn là mối lo âu tai hại nhất trong sáu điều sợ hãi căn bản – (Nghèo đói, sự chỉ trích, ốm đau, mất người mình yêu thương, tuổi già và chết chóc). Nó được sắp hàng đầu trong danh biểu, vì đó là điều khó chế phục nhất. Cần có can đảm để giải thích sự thật về nguồn gốc của mối lo sợ nghèo khổ này; và còn phải dũng khí hơn nữa mới chấp nhận được chân lý sau khi nó được tỏ bày”. (Napoleon Hill)
Nỗi lo sợ đã theo gót chân nhân loại trải qua nhiều thế kỷ; Khi xưa con người thờ đủ thứ vì sự sợ hãi của con người trước thiên nhiên như thiên tai bão tố, lũ lụt ngập tràn, sấm chớp chát chúa kinh hoàng, lốc xoáy tàn phá cuốn lôi, đêm tối mịt mù, sợ thú dữ, núi rừng hoang vu; sợ các vị thần sấm sét không thể giải thích được; sợ kẻ láng giềng và kể cả con người. Tất cả đã làm cho con người chết chóc, tai ương, nhà tan cửa nát v.v…, thành ra sợ hãi. Con người đã nghĩ ra có thần nọ, quỷ kia tức giận gây nên sự tệ hại ấy, và họ phải thờ phượng cúng vái để xin được yên ổn.
Có người làm việc nguy hiểm, lo sợ không biết sẽ ra sao, nên đến chùa miếu xin xăm xin quẻ, nếu được tốt mới làm, nếu gặp quẻ xấu thì thôi; hoặc có người coi bói coi tướng, thầy nói vận hạn xấu phải cúng sao giải hạn, đi lễ chỗ này chỗ nọ; hoặc có gia đình bị chết hai ba người liên tiếp thì hoảng hốt đi đón thầy bùa thầy ngải về ếm. Lại có người thương cha thương mẹ chết khổ, coi bói toán, hỏi đồng cốt chỉ cho nơi âm ti cha mẹ thiếu thốn khổ cực nên phải đốt nhà lầu, xe cộ, quần áo, tiền bạc giấy để cha mẹ nơi cõi âm ti được hưởng, không còn nghèo thiếu nữa. v.v… Tất cả những trường hợp trên đây đều do sự lo sợ mà sinh ra
Con người tự mình tìm ra trước tiên điều này, rồi tới điều khác; chậm rãi, qua hàng thế kỷ và đã chiến đấu với bao sợ hãi. Do đó các bậc Thầy và những vị Đại trí đã xuất hiện để chỉ “phương thuốc” giúp đỡ con người chiến đấu những sợ hãi, lo âu.
Đức Phật dạy: “Phiền não của con phát sinh do chính hành động vô minh của con. Như Lai sẽ dạy cho các con phương pháp giải thoát khỏi phiền não đó. Nhưng chính các con phải tu tập để đạt tới điều ấy”. Cho nên ý lực mạnh mẽ của mỗi người dự phần lớn lao trong việc chế ngự những nỗi buồn lo sợ. Lại nữa, đức Phật dạy: “Do tham đắm sanh sầu khổ, do tham đắm sanh sợ hãi; người nào dứt hết được tham dục sẽ không còn khổ đau và sợ hãi”. Ở đây chúng ta thấy đắm say quá nhiều vào mọi vật tại thế gian này là nguyên nhân chính khác gây nên những phiền muộn và buồn lo. Đức Phật đã khuyên chúng ta: “Chúng ta nên kiểm soát các cửa ngõ của giác quan (căn môn); chúng ta nên hạn chế sự ăn uống, chúng ta hãy phát nguyện luôn tinh tấn và trang bị cho chúng ta một trí tuệ thanh tịnh, không nhiểm ô, để giải thoát mọi khổ đau”.
Điều ấy rõ ràng chứng tỏ là có một pháp môn dành cho chúng ta tu tập để vượt thoát khỏi những nỗi buồn lo, khổ đau và sợ hãi bất hạnh này. Chúng ta không nên trách cứ ai đã gây phiền muộn cho ta; vì nhưng kẻ khác làm sao có thể tạo nên sự phiền não trong lòng mình, nếu chúng ta biết cách điều phục được cái tâm của mình.
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm là chủ tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm niệm bất tịnh
Khổ não liền theo sau
Như xe theo bò vậy (kinh Pháp cú)
Vì sao con người thường có lo âu sợ hãi? Vì người ta còn tham đắm ái dục, ái dục đoạn dứt thì chẳng còn lo âu sợ hãi nữa, trai gái yêu nhau rốt cuộc có ý nghĩa gì? Tướng mạo dù có đẹp bao nhiêu cũng là da bọc đồ thối, chứa toàn phân tiểu, 9 lỗ trong thân thường chảy ra những thứ bất tịnh, vậy thân này có sạch sẽ không? Lòng tham tiền làm người ta điên đảo, lòng háo sắc cũng làm người điên đảo, tham danh cũng làm họ điêu đứng, tham ăn cũng làm người ta đảo điên, mà tham ngủ nghỉ hưởng thụ cũng làm người ta quay cuồng, tiền tài sắc đẹp danh vọng ăn uống ngủ nghỉ hưởng thụ là 5 cái gốc của địa ngục. dó là vì sao thế giới có ngày huỷ diệt? vì người ta có tâm thiện thì ít mà tâm ác thì nhiều, khởi 1 ý niệm tốt thì trời đất sanh thêm chánh khí, khởi 1 niệm ác thì trời đất tăng thêm khí xấu. Nếu chúng ta không có tham, sân, si, không có nhiều nhục dục thì chúng ta đã không có mặt trong cõi Ta bà này, không phải lo sợ bất cứ thứ gì.
Đức Phật dạy rằng: “Bất cứ đâu sự sợ hãi phát sinh, nó chỉ sinh ra nơi người vô minh, chứ không có ở người trí tuệ”. Các mối lo sợ không gì khác hơn là những trạng thái của tâm thức. Trạng thái tâm thức của con người tùy thuộc vào hành động kiểm soát và hướng dẫn của ý tưởng; ý nghĩ tiêu cực (vô minh) sẽ tạo ra mối sợ hãi; ý nghĩ tích cực (trí tuệ) mang lại cho chúng ta hy vọng cùng lý tưởng hạnh phúc; và giữa các trường hợp đó, sự chọn lựa hoàn toàn do nơi chúng ta. Mọi người điều có khả năng kiểm soát trọn vẹn tâm thức của chính mình. Thiên nhiên đã ban cho con người quyền kiểm soát tuyệt đối một điều, đó là tư tưởng. Điều này, kết hợp thêm với sự kiện là mọi vật, mà con người tạo ra đều bắt đầu trong hình thức của tư tưởng, đã hướng dẫn con người đến rất gần nguyên lý tin rằng sự sợ hãi có thể khắc phục được và không có cách nào chắc chắn để ngăn chặn các cuộc tấn công hoảng sợ hoặc rối loạn hoảng sợ.
Theo Phật giáo, sợ hãi là một loại cảm giác không dễ chịu, không làm cho chúng ta hài lòng. Hay nói cách khác, sợ hãi là một dạng của khổ đau. Và nguyên nhân sâu xa của sự sợ hãi là do tâm chấp ngã, do nhận thức sai lầm của con người. Vì chấp ngã, vì nhận thức và tư duy theo đường hướng sai lầm khiến cho lòng vị kỷ, tâm tham luyến, sân hận càng ngày càng lớn mạnh. Đấy là những chất liệu tiềm tàng, là nguyên nhân căn bản gây nên sợ hãi và làm cho lòng sợ hãi càng ngày càng nhiều và càng sâu nặng thêm. Tại sao như vậy? Tại vì cuộc sống là vô thường, tất cả mọi sự vật hiện tượng trong thế giới này đều luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng. Con người không thể nào kiểm soát và làm chủ hết được trong tất cả các tình huống, hoàn cảnh sống. Chính vì không làm chủ được, không kiểm soát được, lại không muốn mất đi những gì người ta quý mến, yêu thích, những gì người ta đang sở hữu, và không muốn cái ngã của mình bị tổn thương cho nên sợ hãi.
Tương tự như trong tâm lý học, ngoài những nguyên nhân căn bản, sâu xa và ẩn tàng trong tâm thức của con người, Phật giáo cũng cho rằng sự sợ hãi được hình thành do các tác nhân trực tiếp gây ra, như là những thông tin, tri thức mà chúng ta thu lượm được qua các kênh thông tin xã hội trong đời sống hàng ngày; do hoàn cảnh, điều kiện sống mà sự sợ hãi dần dần được hình thành; do những tổn thương tinh thần, những sang chấn tâm lý. Và Phật giáo cũng không phủ nhận sự góp phần của các yếu tố sinh học, yếu tố di truyền, quan hệ huyết thống, cũng như các nhân tố văn hóa xã hội trong việc hình thành sự sợ hãi và làm cho chúng càng ngày càng sâu nặng.
Tất cả những gì chúng ta suy nghĩ, những đối tượng, hoàn cảnh chúng ta tiếp xúc hàng ngày, tất cả những tác nhân bên ngoài tác động, ảnh hưởng đến chúng ta đều để lại dấu ấn trong tâm thức của mình. Nói cụ thể hơn là chúng được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Những thứ được lưu giữ trong tàng thức này sẽ tồn tại khá lâu, có thể là vài năm, và chục năm, thậm chí là vài trăm năm, hoặc kéo dài từ đời này sang đời khác, và chúng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chúng ta. Dấu ấn càng sâu đậm thì sự lưu trữ càng lâu dài và càng khó bị phai mờ trong tâm thức của mỗi người. Điều này giúp cho chúng ta hiểu được tại sao những sang chấn tâm lý, những tổn thương tinh thần có thể hình thành nên sự sợ hãi và chúng ám ảnh chúng ta mãi. Tại vì những sang chấn, tổn thương ấy đã tạo ra dấu ấn trong tâm thức của chúng ta, và chúng được lưu trữ trong tàng thức, khi gặp cảnh thì những dữ kiện được lưu trữ ấy sống dậy, toàn bộ những gì đã diễn ra liên quan đến sự sang chấn, tổn thương trước đó được tái hiện lại trong tâm trí con người như là một bộ phim quay chậm lại, và chúng tác động lên tư duy, hành động của chúng ta, khiến chúng ta sợ hãi và tìm cách né tránh.
Trong nhiều nỗi sợ hãi thì theo đạo Phật, sợ chết là một sự sợ hãi lớn mà hầu như ai cũng có, và những liệu pháp tâm lý bình thường không thể nào giúp cho người ta hết sợ chết được. Chết là một sự thật mà không ai có thể trốn chạy được. Mọi sự vật hiện tượng trong cõi đời này đều tuân theo quy luật vô thường, hễ có sinh ra thì ắt phải có sự hoại diệt. Sở dĩ con người sợ chết là vì người ta còn có chấp thủ, còn luyến ái, không muốn nếm mùi khổ đau do sự quằn quại thân xác trong giờ phút lâm chung, không muốn mất đi những gì đem đến niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời họ, không muốn mất đi những thứ mà họ đã khổ công gầy dựng, đeo đuổi. Có nhiều người bị cái chết ám ảnh đến độ hễ nghe đến từ chết là nổi da gà, hồn xiêu phách lạc.
Giáo lý đạo Phật được gọi là khế cơ và khế lý, cho nên khi vận dụng vào việc hóa giải sự sợ hãi cũng tùy theo đối tượng, tùy theo chứng bệnh mà áp dụng những phương pháp tương ứng. Nhận chân được căn nguyên của sự sợ hãi mà con người thường mắc phải, cho nên đức Phật đã dạy nhiều phương pháp rất hữu hiệu cho việc hóa giải các chứng sợ hãi.
Nhìn chung, có ba phương pháp hóa giải cơ bản:
Trước hết là phương pháp thay đổi nhận thức và cách tư duy.
Thứ hai là phương pháp tiếp cận dần dần với đối tượng gây sợ hãi
Và phương pháp thứ ba là hành thiền hoặc niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ tát hay trì chú, cầu nguyện.
Ngoài ra chúng ta đừng tham lam ôm đồm mọi thứ quá mức. Nên tập xả ly cả về tình cảm và tâm thần. Cố gắng nhìn cuộc đời mình và mọi người với một ít xả ly và một ít hệ lụy. Xả ly không phải là dững dưng, thiếu quan tâm và lạnh nhạt mà nó là một khả năng để tư duy và phán xét một cách công bằng và lô-gíc. Đừng nên lo lắng nếu bạn thất bại và tiếp tục thất bại trong việc thể hiện sự xả ly. Cứ cố gắng thực tập nó.
– Hãy để cho quá khứ đi qua. Hãy quên đi quá khứ và tập trung vào giây phút hiện tại. Không cần phải gợi lên những ký ức không vui và chôn vùi chính mình trong đó.
– Thực tập một vài cách để tập trung. Điều này sẽ giúp chúng ra tống khứ những ý nghĩ không vui và những lo lắng. Những thứ này đã cướp đi sự thanh thản trong tâm hồn.
– Học cách để thiền tập. Thậm chí vài phút trong một ngày cũng có thể thay đổi cuộc đời chúng ta.
Là con người, không ai không có sợ hãi, không ai không có mong cầu không sợ hãi, nhưng càng sợ hãi, mong cầu nhiều chừng nào thì càng dễ rơi vào sợ hãi lo lắng nhiều chừng ấy. Mọi sự trên đời không phải ngẫu nhiên mà có mà phát sinh sự sỡ hãi, không phải do một thần linh nào ban phát hay thưởng phạt mà do “Nhân” chúng ta đã tạo ra từ trước; khi nhân duyên đầy đủ quả thành hình, không phải cầu xin lạy van mà có quả tốt đến, không phải xua đuổi nài xin mà quả xấu chạy đi. Vì bản thể của mọi vật: đều không có tự thể của nó, nên nó là không, thân tâm không phải là ta, mọi vật mọi người không phải là của ta, là vô ngã, tất cả không thật, hư dối, nên không cần mong cầu, không lo sợ.
Tự bản thân mình nên học Phật để nhận thấy được bản chất của cuộc đời, bằng cách tạo ra sự an bình trong thế giới nội tâm, sự an bình trong nội tâm sẽ đưa đến sự an bình của thế giới bên ngoài.
Học Phật hiểu rõ được chơn lý sẽ giúp mình thanh thản tránh những lo âu sợ hãi từ bên trong thân tâm và bên ngoài tác động. Nhìn thấy nguyên nhân cái sợ rồi tìm cách hóa giải nó thì lo âu sợ hãi không còn.
Tháng 4.2015