Xã hội loài người gắn liền với chính trị- một lĩnh vực dù muốn hay không nhân sinh không thể phủ nhận hay thoái thác. Và tôn giáo không được miễn trừ khỏi các xung động chính trị, thậm chí có lúc có nơi tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong các xung động ấy như một lực lượng lớn lao có vai trò quan yếu.
Về vấn đề này, với Phật giáo, có các góc nhìn khác nhau.
Nhiều người cho rằng đã cắt ái ly gia cầu giải thoát không nên lụy chuyện đời, trong đấy có chính trị- một chuyện đau đầu vô vàn phiền não. Xuất gia nên toàn tâm toàn ý tu hành theo lý tưởng đã chọn. Thiên hạ không ít thị phi lên án nhà sư làm chính trị: luận thời thế, bàn chính trị, hậu thuẫn đảng phái, bày tỏ chính kiến, tham chính..là mượn đạo tạo đời.
Thực ra, theo người viết, và như đã viết ở phần đầu: dù muốn dù không sống trong xã hội không thể thoái thác chính trị, tôn giáo không được miễn trừ khỏi các xung động của thời cuộc.
Tu sĩ Phật giáo tiếp cận chính trị theo thân phận tu hành, tư cách công dân có bổn phận & trách nhiệm.
Lịch sử VN và các quốc gia Phật giáo khác đã ghi nhận vai trò nhiều bậc tu hành thông tuệ, can đảm có đóng góp về chính trị dẫn đến tiến bộ xã hội.
Sử Việt lưu truyền những tư liệu bậc nhân tài từ cửa thiền giúp nước, có công trạng lớn lao với xã tắc khi hữu sự, có can qua. Mái chùa, áo cà sa che chở nghĩa quân kháng chiến, cung cấp hậu cần, làm tai mắt cho nỗ lực đánh đuổi quân thù hay dâng kế sách phát triển quốc gia ở thời bình, giúp nền đức trị vững vàng.
Lịch sử gần, buổi loạn ly trong chiến tranh VN, phong trào Phật giáo đòi hoà bình thống nhất đã để lại dấu ấn đậm nét. Nhiều nhà sư, Phật tử đã hy sinh...
Nếu nhìn sự dấn thân của bậc xuất gia can dự vào chính trị, tham chính như cách thực hiện bổn phận công dân, góp sức kiến tạo cảnh giới an lạc chung vì hạnh phúc cho số đông sẽ thấy sự tiếp cận can dự chính trị của chư tăng ni rất bình thường. Vai trò to lớn của Phật giáo khi can dự chính trị một cách hợp lý sẽ tạo nên thay đổi quan trọng với các tiến trình chính trị.
Vì hạnh phúc cho số đông - sự biện minh đấy cao cả cho đóng góp của bậc xuất gia vào chính trị nước nhà, xoá nhoà, vượt lên trên các ác ý thị phi. Một khi sự tiếp cận chính trị của bậc xuất gia không vì tham cầu danh lợi phàm tình, không thực hiện các thủ đoạn chính trị tàn độc, hành động sáng suốt hợp lẽ, sự tiếp cận đấy như sen trong bùn mà hoa thanh khiết trắng trong đẹp đẽ, không trái ý Phật.
Chư tăng ni, với nền tảng đạo đức, sự minh triết, chuộng chính nghĩa phụng sự lẽ phải, không để tà ngụy huyễn hoặc lung lạc, tiếp cận chính trị cách chân chính, đúng đắn, lợi ích cho quần sanh.
Chính trị dù phức tạp nhưng xét kỹ cũng chỉ là một lĩnh vực bình thường của đời sống xã hội, chẳng phải điều gì ghê gớm cấm kỵ như vài ngộ nhận nào đó.
Vụng ngôn.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về VẤN ĐỀ BẬC XUẤT GIA TIẾP CẬN CHÍNH TRỊ- QUA GÓC NHÌN CÁ NHÂN.