Là phật tử viết từ cái nhìn cạn cợt vào lịch sử nước nhà theo ý tứ phật giáo từ vốn học vấn thấp, hy vọng được rộng lượng miễn chấp.
Từ thuở học trò đã đam mê sử Việt bởi sức mạnh nhân văn, nguồn sử liệu dồi dào, chất anh hùng của tiền nhân cùng tính bi tính kịch mãnh liệt của dòng chảy lịch sử đất nước mình tự cổ chí kim.
Sử Việt chứa bao điển tích sinh động, có giá trị giáo dục sâu sắc lại giản dị dễ nhớ, đi vào lòng mỗi khi được đọc hay nghe giảng.
Thầy giáo sử của chúng tôi tóc hoa râm, đã kinh qua chiến tranh, dạy học với nhiệt huyết, biết bao câu chuyện hay đã được kể và nhớ hoài...
Lê Lai cứu Chúa, hội nghị Diên Hồng Trần Quốc Toản tuổi nhỏ chí cao, bóp nát trái cam; Trần Bình Trọng với câu nói anh hùng “Ta thà làm quỷ nước Nam ....”, bình Ngô đại cáo, hịch tướng sĩ văn hào hùng.
Đức Thánh Trần là nhà quân sự lỗi lạc của Đại Việt, một trong những danh tướng trở thành biểu tượng cao quý của Việt Nam. Có một câu chuyện dùng dị về ông được nghe giảng, xúc động và nghịch sâu xa về một nhân cách, tầm nhìn...
Trước nguy cơ cận kề giặc Nguyên Mông, nhà Trần khẩn trương chuẩn bị ứng phó. Giặc mạnh, thiện chiến, vó ngựa chinh phạt Á Âu, nước nhà có sức không mạnh, tương quan vô cùng bất lợi. Thêm nữa, nội bộ triều chính không đoàn kết, chia rẽ phân hoá. Quần hệ giữa hai trụ cột quân đội nhà Trần là Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải bất hoà dẫn đến vây cánh, giảm sức mạnh quốc gia trong khi thử thách đến gần.
Hưng Đạo Đại Vương đã thể hiện tấm lòng, bản lĩnh, đạo đức, đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Ngài đã đích thân xuống thăm Trần Quang Khải ở thuyền riêng ở bến Bình Thản, rồi vui vẻ hoàn hỷ thân ái tự tay tắm cho Trần Quang Khải. Xử thế của Hưng Đạo Đại Vương đã hoá giải hiềm khích, tạo hoà ái ở hàng đại thần cấp cao, tạo hiệu ứng đoàn kết chung lòng chung sức trong tướng sỹ Đại Việt.
Một câu chuyện nhỏ nói lên rất nhiều về một danh nhân, sâu sắc lại giản dị, xứng đáng giáo huấn hậu thế về đoàn kết, lấy đại nghĩa đại cục làm trọng.
Thời Trần, phật giáo xứ mình hưng thịnh rực rỡ cả về nghiên cứu lý luận hoằng pháp đến tôn tạo xây cất chùa chiền, lòng mộ đạo của dân chúng và nhà nước. Tác giả đó học cạn, không có duyên tham cứu tài liệu cụ thể nào nói đến thái độ tôn giáo của Hưng Đạo Đại Vương, cũng không được biết Ngài có đọc Phật hay không, nhưng câu chuyện về hành xử tuyệt vời của Ngài dẹp được hiềm khích với tướng Trần Quang Khải hoàn toàn cho thấy Ngài thể hiện được tứ vô lượng tâm theo lời Phật: từ, bi, hỷ, xả. Ngài đã bước qua cản ngại phàm tình, hoà giải với trọng thần cùng họ Trần, góp phần đem đến thắng lợi vẻ vang sâu đấy trước giặc Nguyên Mông. Trong bối cảnh cụ thể, chuyện Ngài làm không hề dễ, vượt qua chấp ngã, cái tôi...
Lấp lánh Sử Việt, có thể nhận ra tính Phật dùng chứa bên trong một cách tự nhiên như thế...
Nguyễn Thành Công