Nguồn gốc tư hữu:
Khởi nguyên loài người ở trình độ nguyên thủy sống bầy đàn gắn chặt với tự nhiên, dựa vào tự nhiên để sinh tồn bằng săn bắt hái lượm, tư hữu vật chất chưa xuất hiện. Sống ngày nào hay ngày nấy, con người chưa có của để dành và đời sống xã hội cũng chưa hình thành.
Từng bước, lao động được tổ chức tốt hơn, công cụ và kỹ năng lao động cùng tư duy phát triển hơn, vật phẩm thu được ngày càng nhiều, của để dành xuất hiện, vấn đề phân chia cũng xuất hiện. Tổ chức bộ tộc bộ lạc manh nha rồi hoàn bị dần theo thời gian. Từ chỗ ăn chung ở chung làm chung của cải chung, từng bước cái riêng xuất hiện bao gồm của cải riêng: đấy chính buổi đầu của tư hữu vật chất.
Xã hội càng phát triển, tư hữu càng cao: từ những người có chút của cải đến tiểu chủ, nhà giàu. Từ sở hữu ít ruộng đất gia súc đến chủ công xưởng hay tập đoàn công nghiệp đa quốc gia mà tổng tài sản có khi gấp nhiều lần tài sản của quốc gia nghèo kém phát triển. Có thể nói, thế giới phát triển từ sự mở rộng tư hữu của các cá nhân. Làm giàu, mở rộng tư hữu là động lực chính của hoạt động sản xuất kinh doanh. Quyền tư hữu, sở hữu tài sản là quyền sinh tử của công dân.
Những va đụng đến tư hữu:
Những biến động chính trị, bao gồm chiến tranh, đều tác động mạnh mẽ đến tư hữu. Nhiều nhà nước tiến hành công hữu hoá tài sản cá nhân, tư nhân dẫn đến xung động, khủng hoảng sâu sắc, thậm chí chiến tranh. Ở TQ, Mao đã xoá sổ tư hữu bằng quốc hữu hoá, hợp tác hoá, đánh sập giai cấp giàu có, thu tóm tài sản vào tay Đảng. Ở VN, cải cách ruộng đất, đánh tư sản...chỉ là cách gọi khác của việc đã diễn ra ở TQ. Ở Trung Mỹ, Châu Mỹ la tinh, Châu Phi cũng có những tấn công từ nhà nước vào quyền tư hữu nhân danh lợi ích chung, như quốc hữu hoá các kênh đào chẳng hạn. Nhưng quyết liệt nhất trong sự tấn công vào tư hữu chính ở các quốc gia cộng sản. Bị tước của cải, mất động lực, nhiều người vốn thuộc giai tầng giàu có bỏ nước ra đi: đấy là sự ra đi vì quyền tư hữu bị xâm hại bởi nhà nước.
Tôn giáo & tư hữu:
Các tôn giáo, về học thuyết kiến tạo, cũng như các trào lưu chính trị hay đạo đức, đều nhân danh vì lẽ phải công bằng, chân lý. Tôn giáo không bao giờ chủ trương nhắm vào vật chất, tu sĩ không hướng đến sự giàu có, chiếm hữu và kêu gọi tín đồ mưu cầu lợi ích một cách công bằng, nhân văn, chia sẻ lợi ích cho tha nhân kém may mắn, những người nghèo. Hoạt động tôn giáo không hướng đến lợi ích vật chất.
Nhưng tôn giáo chân chính tôn trọng quyền tư hữu, chống lại sự xâm hại tư hữu, coi sự tôn trọng quyền tư hữu là đạo đức rất căn bản. Đấy là điểm chung của các tôn giáo chân chính, dung hoà với quan điểm luật pháp của các nền pháp trị và thuận tự nhiên.
Luật pháp bảo hộ quyền tư hưu:
Về lý thuyết con chữ, luật pháp nào cũng bảo vệ tư hữu hợp pháp như quyền cơ bản nhất của công dân, luật các nước cộng sản cũng thế. Ruộng đất, nhà cửa, tiền tệ, cổ phiếu...của công dân chiếm hữu hợp pháp được nhà nước bảo hộ bằng luật pháp.
Phật giáo & tư hữu:
Đạo Phật chủ trương sống khổ hạnh, không thiên về hưởng thụ vật chất, tối giản nhu cầu vật chất, tu là buông bỏ không tham cầu. Bậc chân tu thoát phàm không dính mắc vật chất và tu sĩ phật giáo không có tư hữu: ngoài y bát, cà sa, chuông mõ tăng ni không có gì khác, chùa cùng tài sản thuộc nhà chùa do Giáo hội quản lý. Trong xã hội hiện đại chạy theo nhu cầu vật chất và chiếm hữu vật chất, tăng ni - về lý- không có tư hữu.
Nhưng Phật giáo, như đã viết chung về tôn giáo ở bên trên, tôn trọng tư hữu của chúng sinh. Giáo lý nhà Phật răn dạy triệt để về lương thiện, ngay ngũ giới: không trộm cắp, cướp của người.
Tăng ni không có động cơ chiếm hữu vật chất, động cơ bậc xuất gia cầu giải thoát tâm linh- khác biệt phàm thánh rất lớn lao.
Thực tế, trong đời sống hàng vạn tăng ni, hơn một vạn ngôi chùa ở VN ngày nay, nguyên tắc đầu trần chân đất không tư hữu vật chất không phải ở đâu lúc nào cũng như ý Phật, không ít bậc tu hành có trong tay tài sản đáng kể nhưng về pháp ký đứng tên người khác như thân nhân chẳng hạn: xe máy, ô tô, đất đai.... Hiện thực này phức tạp, đau đầu.
Nhưng nhất quán, về lý, Phật giáo cầu thoát ly sinh tử, không màng vật chất danh lợi, không tư hữu- điều đó rõ ràng không có gì để bàn.
Tu là vậy, thoát phàm. Mượn đạo tạo đời không phải thực tu.
Vụng bàn...
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về TÔN GIÁO & TƯ HỮU