ĐÔI LỜI PHI LỘ |
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ðại sư Ấn Quang có dạy: “Dược vô quý tiện, dũ bệnh giả lương. Pháp vô ưu liệt, khế cơ tắc diệu” (Thuốc không quý, hèn, thuốc nào trị được bịnh là thuốc hay. Pháp không ưu, liệt, pháp nào phù hợp căn cơ là diệu pháp). Tám vạn bốn ngàn pháp môn của đấng Thích Tôn cũng chỉ là đối bệnh cấp thuốc, tùy theo căn cơ của mỗi hành nhân thích hợp với pháp môn nào thì sẽ tu tập theo pháp môn đó. Trong các pháp môn thường được tu tập trong hiện tại, pháp môn Tịnh Ðộ phổ biến nhất nhưng cũng là pháp môn thường xuyên bị gièm báng nhiều nhất. Tiếc thay, những người gièm báng hung hăng nhất, chỉ chăm chăm lo đề xướng pháp môn mình tu là tối diệu, độc tôn lại chẳng bao giờ thực sự tìm hiểu giáo nghĩa của Tịnh Ðộ, thậm chí chẳng bao giờ thèm đọc đến các bộ kinh luận của Tịnh Tông. Chấp vào một vài câu cơ phong, chuyển ngữ, họ ra sức bài báng pháp môn Tịnh Ðộ mà chẳng hề biết mình đã phỉ báng giáo pháp thay vì hộ pháp, hoằng pháp; chẳng hề nhận thấy mình rơi vào vòng thiên chấp nặng nề! Ngay trong hàng ngũ Tăng Già cũng không ít vị ngộ nhận pháp môn Tịnh Ðộ là một pháp môn tiêu cực, mang nặng tính thần quyền, không phù hợp với xã hội hiện đại. Có vị còn đi xa hơn, cho rằng cõi Cực Lạc chỉ là một thứ hóa thành đức Phật dùng để dẫn dụ hàng ngu phu, ngu phụ, độn căn, hạ liệt cải ác tùng thiện. Thậm chí có vị còn vận dụng những lý giải mang nặng tính chủ quan, thiên chấp để lý luận rằng Tịnh Ðộ chỉ là những ước vọng hướng đến một xã hội hoàn mỹ, một cảnh giới tốt đẹp của người Ấn Ðộ thời cổ khi được nghe nói về những nền văn minh cao hơn như nền văn minh Hy La! Ðứng trước những luận giải mang đầy tính “khoa học” ấy, những hành nhân sơ cơ như chúng tôi không khỏi hoang mang, tự ti mặc cảm. May mắn thay, chúng tôi đã có duyên lành đọc được những tác phẩm hoằng dương Tịnh Ðộ một cách viên thông vô ngại của chư tổ Trung Hoa như Trí Giả, Thiện Ðạo, Vĩnh Minh, Liên Trì, Trí Húc, Triệt Ngộ, Ấn Quang… và cùng những vị cao tăng hữu đức hiện đại như Ấn Thuận, Diễn Bồi, Ðế Nhàn, Tuyên Hóa, Hoằng Nhất, Tinh Vân, Tịnh Không, Diệu Liên… để rồi có thể hiểu và tin một cách chắc thật rằng: Tịnh Ðộ thật sự là một giáo pháp cực vi diệu, cực viên đốn. Về phía Việt Nam thì các vị như Hòa Thượng Thiện Hoa, Thiện Siêu, Trí Thủ, Ðỗng Minh, Trí Tịnh, Thiền Tâm, Ðức Niệm… ngoài việc giảng dạy, xiển dương tông môn của mình đều ra sức giáo hóa đệ tử quy hướng Tịnh Ðộ. Hơn nữa, chính những dịch phẩm và tác phẩm của Hòa Thượng Thiền Tâm, Trí Tịnh cùng những vị cao tăng hữu đức khác đã giúp chúng tôi có được những hiểu biết đúng đắn về Tịnh Ðộ, càng vững tin hơn vào từ bi nguyện hải của đấng Từ Phụ A Di Ðà. Thành lập trang nhà Tịnh Ðộ này, ban biên tập không hề có ý định độc xướng Tịnh Ðộ hay chỉ trích, gièm báng, hạ thấp các tông môn khác. Có rất nhiều cửa để vào đại thành Chánh Giác, nhưng đối với chúng tôi, cửa Tịnh Ðộ rất thuận tiện, rất khế cơ; pháp môn Trì Danh đem lại cho chúng tôi những an lạc thực sự và hạnh phúc trên con đường tiến đến giải thoát. Vì vậy, qua trang nhà này, chúng tôi chỉ có một ước vọng khiêm tốn là những tác phẩm được đăng tải ở đây sẽ giúp cho những Tịnh nghiệp hành nhân có được cơ hội hiểu kỹ hơn về giáo nghĩa Tịnh Ðộ hòng củng cố niềm tin, ra sức vun bồi tư lương vãng sanh. Bằng việc làm thiển lậu này, chúng tôi mong báo đáp được phần nào từ ân pháp nhũ vô biên của chư Tổ Tịnh Ðộ Tông Trung Hoa, Việt Nam, nhất là các vị cao tăng cận đại đã từ bi giáo hóa khiến cho chúng tôi được thụ hưởng pháp lạc, tinh tấn tu trì như quý Hòa Thượng thượng Thiền hạ Tâm, Hòa Thượng thượng Trí hạ Tịnh, Hòa Thượng thượng Hành hạ Trụ, Hòa Thượng thượng Ðỗng hạ Minh, Hòa Thượng thượng Tịnh hạ Không, Thượng Tọa thượng Thiện hạ Huệ, Thượng Tọa thượng Nhất hạ Chân, Thượng Tọa thượng Phước hạ Nhơn và cùng nhiều vị khác. Ngoài những tác phẩm quý báu về Tịnh Tông sẵn có từ trước đến nay như A Di Ðà Kinh Yếu Giải, A Di Ðà Kinh Sớ Sao, Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ Sao v.v… nhận thấy các trước tác về Tịnh Ðộ của Trung Hoa cận đại cũng rất thiết thực cho việc tu tập, nên chúng tôi đã mạnh dạn chuyển ngữ những tác phẩm này sang Việt ngữ với hy vọng những bậc thức giả quan tâm đến Tịnh Tông sẽ giảo chính, chứng nghĩa và tùy hỷ giúp cho chúng tôi có thêm được những tài liệu quý làm kim chỉ nam trên con đường tu học. Nếu như việc làm này có chút công đức nào thì xin đều hồi hướng về pháp giới chúng sanh, nguyện cho nhất nhất đều được từ quang của đức Từ Phụ A Di Ðà tiếp dẫn về Cực Lạc Quốc Ðộ; lại nguyện cho những người mang nặng chấp trước, hủy báng Tịnh Tông sẽ đoạn trừ kiến chấp, đồng nhập từ bi nguyện hải của Cực Lạc Từ Tôn, chứng ngộ vạn pháp dung thông, cùng hội ngộ trong Liên Trì Hải Hội. Nam mô A Di Ðà Phật tác đại chứng minh. Ban Biên Tập. Liên Lạc & Góp Ý: [email protected] Chú thích: dạ đây là trang web được lập ra bởi các thành viên trong ban phiên dịch của Ngài Như Hòa ạ. |
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
淨土大經解演義
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang
Ghi chú: Do bài giảng quá dài và trong phần đầu, lão pháp sư giảng quá nhiều chỗ trùng lặp, khiến cho người đọc lẫn người chuyển ngữ đều cảm thấy mệt mỏi khi theo dõi, chúng tôi tạm thời ngưng lại không dịch tiếp, mà trực tiếp dịch phần lời giảng chánh kinh, với dự định sau khi đã dịch xong sáu phẩm đầu, sẽ quay lại dịch tiếp những phần đầu của bộ này. Xin lưu ý, đây chỉ là những phần chuyển ngữ sơ khởi, chúng tôi đăng tải trên trang nhà chỉ nhằm mục đích giới thiệu pháp thoại của lão pháp sư. Tuy đã cố gắng hết sức, trong quá trình chuyển dịch, giảo duyệt, chắc chắn vẫn còn những lỗi lầm khó thể tránh khỏi, xin quý vị thức giả từ bi chỉ giáo để chúng tôi tu chỉnh hầu giảm thiểu khuyết điểm, sai sót đến mức thấp nhất. Do tác phẩm này còn đang trong quá trình giảo duyệt và tu chỉnh, xin hãy dùng như một tài liệu tham khảo, đừng ấn hành, phổ biến trước khi toàn bộ tác phẩm đã được hoàn thiện.
Nguồn: https://ph.tinhtong.vn/Home/TinhDoDaiKinhGiaiDienNghia
Nguồn: https://niemphat.net/quanambaodien.html
Nguồn: https://www.niemphat.net/Luan/tinhdodaikinh/tinhdodaikinh.htm
Nguồn: https://niemphat.net/philo.htm