Vân du làm truyền thông Phật giáo, bên cạnh trãi nghiệm hữu ích cho một Phật tử cũng có không ít chuyện quên không được và tức cười mỗi khi nhớ lại: ví như có lần được “ hướng dẫn” viết sao cho người ta cúng chùa nhiều! Rồi một tỳ kheo ni trú trì hỏi: chú biết làm dân vận khéo không? Một thượng toạ Phó ban thường trực Ban trị sự Phật giáo một tỉnh Miền Tây đặt vấn đề: chỉ cần viết có tên tôi tặng ngay một triệu! Một vị thượng toạ Phó ban khác cũng ở vùng đất phù sa, học tiến sĩ bên TQ, giảng trong khoá học truyền thông Phật giáo: ...viết sao cho nhà chùa có thêm bao xi măng, gạch cát, hổng lẽ người ta quên? Chuyện na ná vậy nhiều, viết không xuể. Trong đấy có chuyện “ độc” về giáo phẩm, chức vụ tu sĩ.
... Một lần đảnh lễ một nhà sư Nam Tông có giáo phẩm thượng toạ, trú trì. Sư mời trà, chuyện có đoạn: thượng toạ ...ngang thượng tướng! Giật mình tưởng nghe nhầm.
Giá trị sự tu học, nhân cách cao quý của tăng ni, danh dự thiêng liêng của giáo phẩm ghi nhận hành trình tâm linh, đóng góp cho tăng đoàn, giáo hội- không có gì để bàn, xưa nay cao quý. Nhưng chuyện danh vị trong Phật giáo, trong đạo, khác xa chuyện công danh chức tước ngoài đời. Người tu rủ bỏ phàm trần, ngày đêm chí thành mong giải thoát, không màng danh lợi, địa vị chức tước chỉ là phù du. Tồn tại trong xã hội, Giáo hội phải có tôn ti kỷ cương tổ chức để điều phối hiệu quả, các chức vụ hay giáo phẩm phản ánh sự tu học và năng lực của tăng ni, sự phân công công việc, không bao hàm các đặc điểm về chức tước như của nhà nước.
Tuy nhiên, đây đó ngay cửa thiền, sự ngộ nhận về DANH, sự dính mắc, lạm dụng chức vụ ở quý tăng ni hơi bị nhiều, chuyện cho rằng thượng toạ ngang...thượng tướng là ví dụ có thực.
Mới đây, cũng bên bàn trà Văn phòng trị sự Phật giáo thị xã ( cũng ở Miền Tây!), lại một vị thượng tọa tấn phong chưa lâu vừa tái nhiệm trưởng ban trị sự, làm hết hồn người viết khi lặp lại: thượng toạ ngang thượng tướng, đại đức ngang cấp úy. Cố nín cười, trong lòng nghĩ: vậy Hoà thượng ngang đại tướng còn sa di ngang..hạ sỹ quan!
Càng nghĩ càng buồn, tu rồi “ ngang” như vậy sao giải thoát?
Cho là có danh, nước chừng 400 đơn vị hành chính huyện quận thị xã thuộc tỉnh, tức có chừng 400 vị trưởng ban trị sự Phật giáo; 63 tỉnh thành phố, có 63 vị trưởng ban cấp tỉnh, rồi Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự, ban viện “TW”; đến hẹn lại lên có bao nhiêu đại đức, thượng toạ, hoà thượng? Không dễ đếm. Vậy, trong giáo hội Phật giáo VN có bao nhiêu thượng tướng trong ngoặc kép? Rồi đại tướng?
Ngoài đời, từ lâu thiên hạ đã chán chê sự lạm phát quân hàm, chức vị bên cạnh lạm phát của tiền tệ. Ngoài Bắc có câu cay “ đầu đường đại tá vá xe, cuối đường thiếu tá bán chè đậu đen”. Hậu chiến, sĩ quan tràn ngập ngoài đường. Ngay tại chức, số sĩ quan ở VN cũng đếm không hết, lềng khênh: đại tá ngồi trưởng công an huyện, thiếu tướng làm tỉnh đội trưởng. Ở VN, số xã huyện mới chia tách hàng ngày, chức mới mọc như nấm sau mưa. Ở TW vụ trưởng vụ phó tràn ngập...
Đấy là chuyện đời, bụi trần ai, Đạo phải khác chứ?
Thượng toạ chẳng liên quan gì đến thượng tướng cả, duy nói như thế đã mắc tội, nhiễm ô cửa thiền.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về THƯỢNG TOẠ KHÔNG LIÊN QUAN...THƯỢNG TƯỚNG.