Ở VN, do lịch sử, vốn từ Hán Việt từng là ngôn ngữ chính trong sinh hoạt phật giáo, từ hoằng pháp đến giao tế, trong thời gian rất dài. Tình hình đấy trong bối cảnh chung, mọi lĩnh vực học thuật, hàn lâm... đều bị chữ Hán chi phối, bắt đầu từ trường thi, việc quan.
Kinh điển Phật giáo được chuyển ngữ từ nguyên bản chữ Phạn sang chữ Hán.
Trong nỗ lực độc lập, ở lịch sử gần, chữ nôm rồi chữ quốc ngữ xây dựng trên các ký tự la tinh thoát ly dần chữ Hán, song vẫn để lại một kho tàng ngôn ngữ Hán - Việt phong phú trong tiếng nói, chữ viết VN. Cho dù có tính qui luật, vốn từ ngữ Hán Việt theo xu hướng giảm dần, song song sự gia tăng từ ngữ có yếu tố gốc la tinh hay từ thuần Việt, nhưng cho đến nay vốn ấy vẫn rất đáng kể.
Phật giáo chính là khu vực bảo tồn vốn từ Hán Việt lớn nhất, kiên trì nhất từ kinh điển, trước tác, phật sự... Sự bảo tồn ấy cho đến ngày nay những ai thiếu căn bản về vốn từ Hán Việt khó tiếp cận phật giáo dù nghe pháp hay đọc kinh luật luận.
Theo qui luật chung của mọi sự vật hiện tượng luôn vận động, thích nghi, đổi mới, ngôn ngữ cũng vận động- làm mới. Cách dụng từ Hán Việt cũng thế, dù nghiêm cẩn, vẫn dịch chuyển nếu nhìn với nhãn quan nghiên cứu.
Tuy nhiên, ở trường hợp đã đề cập, từ Tân viên tịch, sự dụng từ tùy tiện, tính mới không phù hợp, phá vỡ ngôn ngữ.
Ngữ cảnh dụng từ Tân viên tịch báo tin buồn bậc xuất gia nhập niết bàn, lâu nay vốn chỉ dụng từ VIÊN TỊCH một cách nhất quán và được đại chúng chấp nhận. Về mặt ngôn ngữ, chỉ sự kết thúc sự sống theo ý thiêng liêng của tôn giáo, tương đương bên Công giáo dụng từ “ về với Chúa”, hay ngoài đời: qua đời, từ trần...
Vẫn nói đến ngữ cảnh, khi báo tin buồn, đương nhiên bậc xuất gia vừa ra đi, VIÊN TỊCH là từ Hán Việt hợp lý duy nhất, đã dùng ổn định dài lâu. Tân viên tịch, thêm một thành tố: mới qua đời- nghĩa vậy, không cần thiết, thừa, bản thân thông tin đã đương nhiên được hiểu là MỚI. Thành ra không phải bổ sung, hoàn thiện, sáng tạo, làm giàu ngôn ngữ, mà phá vỡ một ước lệ ngôn ngữ Hán Việt đã định hình, chuẩn mực, tối ưu. “Tân viên tịch” làm nhiễu, pha tạp vốn từ Hán Việt trong phật giáo, lại dùng thường xuyên ở các trang của giáo hội phật giáo về lý là nơi uyên bác, tập hợp bậc tôn túc có học hàm học vị cao, là trái khoáy khó hiểu.
Hãy đưa “tân viên tịch” về “ viên tịch” để ngôn ngữ được yên, đấy là bảo vệ vốn ngôn ngữ chuẩn mực đã có và uy tín học thuật trong giáo hội phật giáo VN.
Ý cạn, lạm bàn...
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về TÂN VIÊN TỊCH” - MỘT SỰ LÀM MỚI NGÔN NGỮ TÙY TIỆN.