Như bất kỳ định chế, tổ chức nào trên đời, tôn giáo, để tồn tại và phát triển, đã hình thành và hoàn thiện dần tổ chức, cơ cấu, qui tắc... Phật giáo không ở ngoài qui luật đấy và ở xã hội hiện đại, cơ cấu- tổ chức- hệ thống qui tắc... ngày càng xây dựng bài bản căn cơ hơn. Ngày nay, ở VN, phật giáo có một hệ thống hành chính từ TW đến tận cơ sở tu học, chùa - gồm các chức danh lãnh đạo, chuyên môn, ban viện nhà trường ở TW, cấp tỉnh, huyện, không khác mấy tổ chức nhà nước.
Qui tắc nhân sự thông qua đào tạo trong và ngoài giáo hội, trong nước và ngoài nước; qui tắc bổ nhiệm, kỷ luật; qui tắc giới đàn.... khiến đời sống tăng đoàn vào nếp như nhà nước.
Các đạo tràng cũng vào nếp; qui tắc quy y, khoá tu... phổ biến ở khắp nơi.
Hết thảy tạo nên bộ mặt, đời sống Đạo Phật - một tôn giáo chính thống ở VN.
Quan niệm về Đạo như thời Đức Phật mô tả ở kinh điển trở nên rất xa xôi ở xã hội hiện đại: tăng đoàn sống ở các cánh rừng, Phật thuyết pháp tùy duyên, chứng ngộ theo duyên, Đạo hoà quyện mộc mạc trong dân gian.
Cho dù về bản chất, giáo lý Phật giáo vẫn như nhất, song phương pháp thuyết pháp, giáo dục đào tạo về giáo lý đã khác thời khởi nguyên nhiều.
Về nguyên tắc, tư cách tu sĩ phật giáo được xác lập qua chứng điệp, các quyết định của Giáo hội, không có chuyện tự tu tự chứng giác ngộ tùy duyên như trong các câu chuyện phật giáo.
Hàng Phật tử phải có phái quy y, dự các khoá tu...
Đạo Phật “ ở” trong đấy, tổ chức, kỷ cương, qui tắc...
Giáo hội phật giáo tổ chức các sự kiện hợp pháp, điều hành phật sự, điều hành hành chính, lèo lái hoạt động hơn một vạn ngôi chùa trên cả nước với số lượng đông đảo tăng ni, phật tử. Giáo hội chủ trương các hoạt động từ thiện, quyên góp...
Nhưng, có một đời sống Phật ở bên ngoài tổ chức, qui tắc đã đề cập, trong quần chúng lương thiện có lòng tin kính
Phật, tâm niệm từng lời Phật dạy hữu duyên biết được, hành trì tự nhiên trong đời sống gia đình, xã hội, làm việc thiện, sống đời đạo đức... Họ, những người con Phật cũng có thể chưa từng đến chùa, chưa từng đảnh lễ chư tăng ni, chưa dự khoá tu nào và cũng không quy y, nhưng trong tâm và đời sống hội các giá trị con nhà Phật. Số lượng quần chúng ấy rất đông đảo hình thành một đời sống đạo đức bên ngoài giáo hội. Và có lẽ hiện tượng ấy tự nhiên, không chỉ có ở VN hay với tôn giáo, sự tồn tại bên trong và bên ngoài chủ thể bất kỳ vốn mang tính tự nhiên, phải vậy.
Những người con Phật ở bên ngoài giáo hội hàng ngày làm từ thiện, ái ngữ, sợ nhân quả, cần cù tạo nghiệp lành... có khi tinh tấn, chuyên cần hơn cả phật tử sinh hoạt ở các đạo tràng nơi chùa chiền thuộc giáo hội.
Thực tế đại dịch, xã hội ngấp nghé khủng hoảng nhân đạo do thất nghiệp, khan hiếm hàng hoá, nguồn lực dự trữ vơi cạn, các bi kịch do virut... Hoạt động chia sẻ của quần chúng bên ngoài giáo hội rất lớn lao, họ hành động tùy nghi ở thôn ấp, tự tâm, không theo kêu gọi nào ngoài kêu gọi của lương tâm. Cả nước, từ Bắc- Trung- Nam, khối lượng gạo, thực phẩm và tiền, thuốc men cứu trợ từ quần chúng là lớn và đương nhiên không có con số nào, hay bản tin, thành tích nào. Cách làm của quần chúng xưa nay vậy, họ hành động từ con tim và đến con tim, không cần khen thưởng nào dù từ đâu. Nếu có người lượng giá rằng cứu trợ nhân đạo trong đại dịch của quần chúng tin Phật pháp nhưng ở ngoài giáo hội lớn hơn nhiều hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo VN, người viết bài này tin rằng lượng giá ấy có căn cứ thực tế.
Chuyện này đáng mừng, dù nhìn từ góc độ nào.
Phật cốt ở tâm, nơi giác và hành trì, giáo hội với tổ chức, qui tắc cũng chỉ là ước lệ mang tính thế gian mà thôi, tính phương tiện. Cứu cánh rốt ráo ở đấy.
Bản thân ngôi chùa cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Ngón tay chỉ mặt trăng đâu phải mặt trăng... Cứu cánh giải thoát, niết bàn đâu ở trong các ước lệ mang tính phương tiện.
Bạn có nghĩ vậy không?
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về PHẬT Ở TRONG và NGOÀI ĐẠO PHẬT.