MỤC 1: THẾ NÀO LÀ NGƯỜI CON HIẾU THẢO?
Đức Phật nói với bốn chúng, gồm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cư Sĩ Nam, Cư Sĩ Nữ rằng:
“Khi cha mẹ sinh con thì người mẹ mang thai gần mười tháng, mang nặng, thân mệt mỏi bệnh hoạn, ăn ngủ không yên.
Đến ngày sinh, thì người mẹ đẻ đau, gặp nguy cấp, người cha sợ hãi, tình cảnh ấy thật khó nói hết được.
Sau khi sinh xong, thì mẹ nằm chỗ ẩm ướt lạnh lẽo, nhường lại chỗ khô ráo ấm áp cho con, cho đến máu huyết hoá thành sữa để con bú. Ngày đêm nâng niu, lau xoa, tắm gội, ăn uống, chuẩn bị đầy đủ các loại quần áo, dạy bảo mọi điều. Mong con thành người tốt, nên tặng lễ vật cho thầy dạy và bậc trưởng thượng v.v… Nếu con vui thích, thì cha mẹ cũng mừng vui; nếu con lo lắng buồn rầu, thì lòng của cha mẹ khô héo”.
Đức Phật nói tiếp:
“Mỗi khi con ra khỏi cửa thì nhớ, về nhà liền hỏi han, lòng cha mẹ luôn luôn lo lắng sợ con gặp việc chẳng lành v .v… Ân của cha mẹ như thế thì làm sao để báo đáp?”
Các vị đệ tử đáp rằng:
“Chỉ cần hết lòng, dùng Tâm kính lễ cúng dường để báo đáp ân của cha mẹ”.
Đức Thế Tôn lại nói:
“Con nuôi cha mẹ, đem trăm vị ngon thơm ngọt bổ như Cam Lộ (Amṛta) dâng lên cha mẹ thưởng thức. Nói những lời làm vui tai cha mẹ, biếu cha mẹ quần áo trang phục tốt đẹp, lại đưa cha mẹ đi khắp các nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Cuối cùng người con dùng sinh mạng suốt đời của mình để nuôi dưỡng báo đáp ân cha mẹ, thì có thể nói là Hiếu chăng?”
Các vị đệ tử nói:
“Đó thật là Hiếu to lớn, không còn thêm điều gì nữa”
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Chưa phải là Hiếu vậy. Nếu cha mẹ tối tăm: chẳng biết Tam Bảo, dữ tợn, tai ngược, tàn ác, ngang ngạnh, tham lam trộm cắp chiếm đoạt, làm điều ngược với luân thường, dâm dục đam mê bóng sắc bên ngoài, nói năng dối trá trái với Đạo Lý, đam mê trái ngược với điều chân chính v.v…
Mầm mống hung dữ như thế thì người con nên hết lòng can ngăn, trình bày cho cha mẹ hiểu biết. Nếu do mê mờ chưa tỉnh ngộ, thì làm việc nghĩa để cảm hoá, dùng thí dụ để dẫn dắt, trình bày các hình phạt bị bắt giữ tù đày khổ sở trăm bề v.v…”
Nói rằng: “Những điều ấy là trái phép tắc, đều là chất độc, tự chiêu lấy tai hoạ mà phải tù đày, khổ sở, mất mạng.
Khi mạng đã hết thì Thần Thức bị cột trói vì đã làm những viêc trái đạo lý, nói những lời dối độc, nghĩ những điều tà kiến điên đảo. Riêng mình bị trăm điều thống khổ, như vào nước sôi, bị lửa thiêu đốt, v.v… không có ai cứu giúp được. Do các hành vi ác ấy cho nên gặp phải tai ương như vậy”
“Giả sử cha mẹ chưa thay đổi, thì người con than thở, khóc lóc, bứt tóc, đấm ngực, nhịn ăn v, v… Cha mẹ tuy chẳng biết rõ, nhưng thấy sự đau khổ của con, sợ con bị bệnh, chết, cho nên gượng chịu nghe theo”.
Đức Phật dạy:
“Nếu cha mẹ dốc lòng tôn trọng thực hành năm Giới, có lòng Nhân thương xót chẳng giết hại, trong sạch chẳng trộm cắp, thanh khiết chẳng tà dâm, giữ chữ tín chẳng dối lừa, giữ gìn thân tâm chẳng say sưa. Nếu cha mẹ hiền hòa, con cái hiếu thuận, chồng chân chính, vợ thuỷ chung, anh em bà con họ hàng hoà thuận, gia nhân vui vẻ, thấm nhuần lợi ích. Mọi người thấy thế đều yêu mến khen ngợi, Trời Thần ngầm giúp cho an ổn”.
“Như thế, đối với cha mẹ, ở đời thường yên ổn, khi qua đời hương linh được sinh lên cõi Trời, sống sung sướng, được nghe Giáo pháp của Phật, được cách biệt khổ của nhân gian lâu dài”
Đức Phật bảo bốn chúng:
“Nhìn đời, không có gì là Hiếu. Chỉ có những điều ấy là Hiếu. Hãy khiến cho cha mẹ bỏ ác làm thiện, Quy Y Tam Bảo, thọ trì Năm Giới, giữ gìn cho đến hết đời. Ân nặng nơi cha mẹ, bú mớm, nuôi dưỡng, lo lắng, dạy bảo v.v…
Vô lượng ân huệ ấy, nếu chẳng dùng Phật pháp cảm hóa cha mẹ đi theo đường chân chính, thì tuy làm Hiếu Dưỡng cũng giống như là Bất Hiếu”.
“Người hành động trái ngược với sự Hiếu Thuận, gây phiền não cho cha mẹ, hành hạ cha mẹ, làm cho mọi người xa lánh, gia đình ly tán.
Lại nữa, không dùng người vợ tệ bạc xa lìa Đức Hạnh. Chẳng gần gũi với người nữ ham mê sắc đẹp, có nhiều tình dục không mệt mỏi. Nếu tự mình vấy bẩn với thê thiếp, chí mê mờ, phóng túng đam mê Năm Dục là tham lam tiền của, ham mê sắc dục, tranh giành danh vọng, tham ăn uống, ham ngủ nghỉ”.
“Vạn đầu mối ấy khiến cho Trí tuệ của người chồng bị tiêu mòn, theo sự si mê gây rối loạn tai hại làm khổ cho cha mẹ. Cũng theo sự si mê ấy, buông thả theo bè đảng, ganh ghét, phá hoại gây bất ổn, tán tận lương tâm, hành động như các loài cầm thú có cái nhìn nông cạn, chẳng hiểu biết điều màu nhiệm, dần dần thoái chí, đi đến mất thân mạng”.
“Từ xưa đến nay không có điều gì chẳng do việc đam mê Năm Dục làm khổ người khác, gây biết bao nhiêu tai hại cho cha mẹ. Thế nên bậc tu hành luôn đơn độc chẳng kết đôi, sống biết đủ, lấy thanh khiết làm công việc, phụng trì Giới trong sáng”.
“Căn bản là phải ban bố ân huệ, tự kiểm điểm khuôn phép, ưa chuộng điều Nhân Nghĩa, lòng luôn luôn nung nấu tiến lên điều Đạo Đức, Giữ Tâm Ý chân thật, hòa nhã, sáng suốt như các bậc Hiền Thánh, vang động tới Thiên Thần. Làm vua phải giữ yên bốn biên cương, làm bề tôi phải trung thành, dùng điều Nhân Nghĩa cư xử nuôi dân. Tức cha sáng suốt, con hiếu từ, chồng đáng tin, vợ trung trinh”.
“Cư Sĩ Nam, Cư Sĩ Nữ chấp hành như vậy thì đời đời gặp Phật, thấy Pháp, được Đạo”
Đức Phật nói như vậy, các Đệ Tử đều vui vẻ phụng hành.
MỤC 2: TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ
CỦA BẬC ĐẠI NHÂN LÀ GÌ?
Những ai đã là đệ tử Phật, dốc lòng nghe, tụng đọc, hành trì Tám Điều Giác Ngộ của bậc Đại nhân là:
Điều thứ nhất Giác ngộ rằng:
Thế gian là vô thường, nơi đất nước tạm bợ, Bốn Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa) đều không. Năm Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) không phải ta, sinh-già-bệnh-chết thay đổi, giả dối không có chủ. Tâm là nguồn gốc ác, Thân là rừng tội lỗi. Chuyên cần quán sát như thế, sẽ lià khỏi sinh tử.
Điều thứ hai Giác ngộ rằng:
Tâm không biết chán đủ, cứ mong muốn cầu nhiều, chỉ tăng thêm tội ác. Bồ Tát không như thế, thường nghĩ biết đủ, chịu nghèo giữ tâm sạch, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp tu hành.
Điều thứ ba Giác ngộ rằng:
Ham muốn nhiều khổ nhiều, do lòng ham muốn nên phải luân hồi sinh tử. Nếu ít ưa thích mong cầu, thì thân tâm được an vui tự tại.
Điều thứ tư Giác ngộ rằng:
Lười biếng bị sa đọa, phải chăm chỉ tu hành, mới phá được bốn giặc Ma (là Ma phiền não, Ma quyến rũ dục lạc, Ma chấm dứt mạng sống, và Thiên Ma cản trở người tu). Ra khỏi ngục tù Năm Ấm (là tham, sân, lười biếng, buông lung, nghi ngờ), và thoát khỏi giam hãm bởi Sáu Căn (là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý), dính mắc Sáu Trần (là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp).
Điều thứ năm giác ngộ rằng:
Vì Vô minh gây nghiệp nên phải sinh tử. Bồ Tát học rộng nghe nhiều, tăng thêm Trí Tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa chúng sinh, đều được yên vui mãi mãi.
Điều thứ sáu giác ngộ rằng:
Nghèo khổ nhiều sinh ra oán hận, kết oán duyên ác. Bồ Tát bố thí bình đẳng, không phân biệt kẻ oán người thương, không nghĩ tới thù xưa, chẳng ghét người gian ác.
Điều thứ bảy giác ngộ rằng:
Tham đắm Năm Dục (tiền của, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) là khổ. Ở đời không nhiễm đời, chí nguyện tu hành, giữ giới trong sạch, phạm hạnh khuôn phép cao cả, thương xót muôn loài.
Điều thứ tám giác ngộ rằng:
Sinh tử nhiều kiếp, khổ não vô cùng, nên phát tâm rộng lớn, cứu giúp khắp tất cả. Nguyện thay chúng sinh, chịu vô lượng khổ, khiến cho chúng sinh được vui rốt ráo.
Nếu ai quyết chí, thường nghe hay đọc tụng, tám điều Giác Ngộ của bậc Đại Nhân, cho đến nhập tâm, thực hành không mệt mỏi, thì tội lỗi tiêu mòn, được tâm an lạc, tiến đến chấm dứt sinh già bệnh chết, đạt giải thoát. ,
Toại Khanh