Có thể tạm hiểu “Niệm Phật Thành Phật 念佛成佛” là hành giả thực hành Pháp môn Niệm Phật gắn liền với giác ngộ - giải thoát. Dưới đây là 2 cách thực hành của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền.
1) Trong Phật giáo Nam truyền, niệm Phật là niệm Ân đức (恩德 → điều tốt lành; P;S: Guṇa; E: Virtue) của Tam Bảo (三寶 → Phật-Pháp-Tăng). Nói cách khác, niệm Phật là niệm Tam Bảo, mà Tam Bảo lại là chân lý Duyên khởi. Cho nên niệm Phật (có nghĩa là niệm để giác ngộ) cụ thể là niệm Duyên khởi vậy.
Do đó, có thể nói rằng Niệm Phật Thành Phật nơi Phật giáo Nam truyền là Tam Bảo niệm Phật 三寶念佛, hàm nghĩa rằng hành giả hằng quán triệt Duyên khởi thì đó là giác ngộ - giải thoát.
Phật giáo Nam truyền còn nói rõ là những ai đã quán triệt Tam Bảo, thì người đó đã bước vào Dự lưu.
2) Trong Phật giáo Bắc truyền, niệm Phật là niệm Thật tướng (實相 → Vô tướng). Thật tướng = Vô tướng hàm nghĩa là Vô ngã tướng và Vô thường tướng, là cách nói khác của Duyên khởi của mọi pháp.
Do đó, có thể nói rằng Niệm Phật Thành Phật nơi Phật giáo Bắc truyền là Thật tướng niệm Phật 實相念佛, hàm nghĩa rằng hành giả hằng quán triệt Duyên khởi thì đó là giác ngộ - giải thoát.
Trên đây là trình bày cách “Niệm Phật tinh yếu” là giá trị thật của “Niệm Phật”.
Ở các chùa Bắc tông, khi đi thiền hành thì niệm Phật bằng danh hiệu “A-ra-han, Phật trọn lành”, không chủ trương niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca và các vị Thánh A-la-hán.
Ở các chùa Bắc tông, đặc biệt là Tịnh Độ tông, khi đi thiền hành thì niệm Phật bằng danh hiệu “A Di Đà Phật” với ý nghĩa A Di Đà như sau:
Theo nguyên bản Sanskrit có hai chữ mô tả A Di Đà, đó là: Amitābha (阿彌多婆 - Vô lượng quang 無量光) và Amitāyus (阿彌多廋 - Vô lượng thọ 無量壽), nên A Di Đà được xem như bao hàm cả hai, là vị Phật “Vô lượng quang - Vô lượng thọ”. Theo đó, biểu tượng triết lý A Di Đà (阿彌陀; S: Amitābha + Amitāyus) được mô tả như sau:
1/. Vô lượng quang (無量光; S: Amitābha ; E: Infinite light): Ánh sáng vô lượng, hàm ý chân lý khách quan chứng ngộ của đức Phật Thích Ca là “Duyên khởi” có chân giá trị vượt mọi không gian.
2/. Vô lượng thọ (無量壽; S: Amitāyus; E: Infinite life): Thọ mệnh vô lượng, hàm ý chân lý khách quan chứng ngộ của đức Phật Thích Ca là “Duyên khởi” có chân giá trị vượt mọi thời gian.
3/. Tự tính Di Đà.
Tự tính Di Đà (自性彌陀; S: Svabhāva-Amitābha; E: Self-nature Amitabha): Là tính chất Vô lượng quang và Vô lượng thọ luôn tự hiện hữu một cách tự nhiên nơi mọi pháp (= vạn sự vạn vật).
Nói rõ hơn, Tự tính Di Đà chính là tính chất Duyên khởi luôn hiện hữu một cách tự nhiên nơi mọi pháp (theo tiếng Hán thì “Di Đà tính = Duyên khởi tính). Do đó, khi trực nhận ra Tự tính Di Đà, hành giả được xem là đã nhận thực ra tâm thanh tịnh để bước vào Tịnh độ của chư Phật vậy, đó là ý nghĩa của “Tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh độ * 自性彌陀, 惟心淨土” hay “Tuỳ kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh * 隨其心淨, 則佛土淨”.
Tương tự:
”Tự tính Di Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chí đáo Tây Phương * 性彌陀無別唸,不勞僤志到西方 * Tự tính Di Đà là chân lý sáng soi, là không còn vọng niệm đối đãi phân biệt, như thế hành giả sẽ không phải vất vả tìm về Tây Phương”
Trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, hội thứ hai, Sơ Tổ Trúc Lâm đã từng dạy: “Tịnh độ là tâm thanh tịnh, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương. Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc”.
Chúng ta cũng biết rằng Thiền là phương pháp luyện Tâm (còn Thể dục Thể thao là phương pháp luyện Thân). Luyện tâm thì có thể thực hành ở mọi lúc mọi nơi nên gọi là Thiền đi (Hành thiền 行禪), Thiền đứng (Lập thiền 立禪, Trạm thiền 站禪), Thiền Nằm (Ngọa thiền 臥禪), Thiền ngồi (Tọa thiền 坐禪).
Minh Tâm - Huy Thái