Núi Sam thuộc phường cùng tên của thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang, một chốn thiêng liêng với đồng bào Miền Tây. Thế núi vững vàng trấn ải cận biên thùy, như khiên giáp phòng ngự từ xa cho Châu Đốc. Núi thấp nhưng là hiểm địa, một điểm cao nhìn vượt qua kênh Vĩnh Tế, tận biên giới Tây- Nam.
... Xe từ Cà Mau trực chỉ Núi Sam, đến nơi trong khuya sương lạnh còn dày. Nhưng ở chân núi hàng quán, dịch vụ đã có phần nhộn nhịp phục vụ khách hành hương.
Ở chân núi khói hương nghi ngút Miễu Bà. Đối diện bên kia mờ mờ trong khắc rạng ngày mới là lăng mộ Tướng quân Thoại Ngọc Hầu trên nền cao kiên cố khơi gợi buổi mở cõi đầy máu lửa của tiền nhân ở thời lịch sử chưa xa lắm. Thi lễ trước chi mộ bậc công thần, nhị vị phu nhân, và nhiều quân nhân của Ngài quây quần hàng hàng lớp lớp như quân ngũ ngày cũ. Hình tượng sống động người lính ngày xưa chỉnh tề bên chú ngựa cho cái nhìn về quân đội Việt cùng tướng quân trấn ải nơi đây, đã bỏ mình vẫn quây quần bên dũng tướng. Viếng lăng mộ vị tướng lừng danh, lòng không thể không xao động, bâng khuâng.
... Ba lô bộ hành lên đỉnh cho kịp sáng. Đường bê tông bao quanh từ chân núi cao dần dần nên không khó cho hành trình. Tinh mơ, đến ngõ vào Chùa Hang- Phước Điền tự- những bậc thang đá nâng dần bước chân vào chốn thiêng liêng gắn với cuộc đời bậc ni nổi tiếng Diệu Thiện, nhập định trong hang sâu tu hành đắc đạo, độ bao chúng sinh vào đường giác, công hạnh để lại đời đời. Chùa kiên cố, các hạng mục đều bề thế tựa vào thế núi. Từ ban công chính điện nhìn bình minh về rạng rỡ đồng bằng bên dưới với làng mạc ruộng đồng tuyệt đẹp. Ngắm kênh Vĩnh Tế, nhìn ra biên ải xa xa... Lễ Phật ở chính điện trong tâm linh mầu nhiệm, rồi lần bước vào hang ngày cũ Sư Bà Diệu Thiện ẩn tu, nơi tương truyền có những chú rắn được phật pháp thuần phục giác ngộ. Hang hun hút sâu.... Ngồi bên bàn hầu trà thượng toạ trú trì Thích Thiện Tài, lòng vẫn bồi hồi một cảm giác kỳ lạ ở hang sâu.
Giã từ ngôi chùa Hang hùng tráng, tuyệt đẹp, linh thiêng, theo một lối rẽ được quý Thầy mách nhỏ, từng bước lên đỉnh cao. Đường mòn rêu cũ, cũng những bậc thang cao dần, cây xanh chen trong đá. Lác đác hai bên lối đã mòn, những tịnh thất của quý ni nương vào đại tự tu hành theo gương Sư Bà ngày xưa. Cảnh tu khổ hạnh, đơn sơ lắm, những chiếc bàn may lao động tự túc trong thanh tịnh vì khách hành hương không dễ biết chốn này, đúng chữ ẩn tu: trên đỉnh núi, nép bên đại tự ở lối mòn... Dừng ở một tịnh thất, vị ni cao tuổi mời nước ở bàn mộc đơn sơ đóng theo kiểu lớp học ở nông thôn nghèo. Sư cô già kể về mấy chục năm tu học trong heo hút, ít xuống núi, chợ cũng không tường. Sư cô quê ở Vĩnh Long, giặc giã bỏ quê lên đây, hoà bình vẫn ở đây ....
Nghe sư cô kể, lại nhớ cảnh quây quần nương đại tự tu học của quý ni, như cả một quần thể tịnh thất xung quang thiền viện Thường Chiếu ( Đồng Nai), và nhớ lời Phật dạy bậc ni về sự quý kính tăng, nương chư tăng để tu học.
Núi Sam không chỉ có Chùa Hang, Tây An, hay Lăng mộ Tướng quân Thoại Ngọc Hầu. Chân núi, trên núi tập hợp từ xa xưa cả một vùng tâm linh tôn giáo tín ngưỡng trên nền đá khô không khốc khắc nghiệt với sự sống. Cảnh quan đồng bằng nhìn từ đỉnh núi thực khí quên, nhưng khó quên nhất có lẽ chính đời sống tu hành của quý sư cô già tựa vào đại tự Chùa Hang, ở khuất trên cao, cheo leo khổ hạnh, một lòng tinh tấn hướng Phật và noi gương Sư Bà Diệu Thiện ngày xưa....
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về NHỮNG TỊNH THẤT NHỎ TRÊN NÚI SAM.