Dịch bệnh đang có xu hướng gia giảm, biện pháp giãn cách được cơi nới để tạo điều kiện phục hồi kinh tế- xã hội theo cụm từ của chính phủ “ bình thường mới”: mở lại một số tuyến hàng không nội địa, khai thác du lịch, khôi phục hoạt động kinh tế- dịch vụ.... Cho dù vẫn tồn tại nhiều nghẽn tắt do khác biệt mức độ dịch của từng địa phương, do sự điều hành của các tỉnh thành, giao thông vận tải chưa thực sự thông suốt nhưng phố xá đã có người, hàng quán chợ búa đã nhộn nhịp từng bước...
Sau những tháng ngày giãn cách sâu rộng, hệ thống cơ sở phật giáo cửa đóng then cài, hoạt động của giáo hội lắng xuống, nhu cầu lễ Phật, nghe pháp, sinh hoạt đạo tràng ở trong đồng bào Phật tử rất bức thiết.
Hiện nay, ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành sinh hoạt tôn giáo, có phật giáo, đã được kích hoạt trở lại một cách có điều kiện theo qui định của nhà nước, nhiều nơi đã tổ chức đại hội phật giáo cấp huyện. Nói ngắn gọn: bà con phật tử đã có thể hành hương, lễ chùa trong các điều kiện an toàn, như tuân thủ 5K.
Vậy, hiện nay, ở Miền Tây, bà con phật tử có thể thực hiện những chuyến hành hương xa nào được coi là khả thi về điều kiện pháp luật, giao thông?
• Hành hương thiền viện Thường Chiếu: Đây là một trung tâm thiền học lớn ở vùng Đông Nam Bộ, cả một khu vực bao gồm thiền viện Thường Chiếu và hàng loạt cơ sở tu học xung quanh đã hình thành một vùng đất Phật lớn có tiếng trong cả nước.
Thiền viện Thường Chiếu toạ lạc ở Ấp Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai, vốn được Hòa thượng Thích Thanh Từ tổ chức khai phá, xây dựng, phát triển tu học theo thiền phái Trúc Lâm. Ngày nay, thiền viện do Hoà thượng Thích Nhật Quang lãnh đạo, có số lượng chư tăng đông đảo cùng hệ thống công trình phật giáo trãi trên không gian rộng bạt ngàn cây sao do sự lao tác cần cù của chư tăng phật tử tạo nên, không khác rừng. Hành hương Thường Chiếu phật tử và những ai có thiện cảm với Đạo Phật sẽ có trãi nghiệm một chốn tu hành đặc thù, độc đáo, ở dòng thiền mang phong cách Việt. Cảnh trí lại thanh tịnh, môi trường tốt, kiến trúc phật giáo tuy còn mới song đặc sắc, các công trình được nối kết bởi lối sỏi tạo nên cảm giác nhẹ nhõm. Thiền viện mới thành lập trường phật học của thiền của thiền phái, một nơi ai có quan tâm xứng đáng đến thăm.
• Đại Tòng Lâm tự: Chùa ở Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu, cạnh thị trấn Phú Mỹ và từ đây nhìn rõ núi Thị Vải. Cách không xa Thiền viện Thường Chiếu dù thuộc hai tỉnh khác nhau, Đại Tòng Lâm tự có lối xây dựng riêng, môi trường không có bạt ngàn sao như Thường Chiếu, các công trình cao, có lầu, tháp vút lên. Nơi đây cũng bố trí nhiều lối sỏi, và thay vào chỗ trống cây trồng là nhiều kiểng trong chậu, bồ câu đếm không xuể... Như Thường Chiếu, diện tích Đại Tòng Lâm rất rộng.
Đại Tòng Lâm tự hiện do Hoà thượng Thích Quảng Hiển trú trì.
• Chùa Phước Hậu: Đây là nơi ghi dấu buổi đầu của nhiều bậc tu hành đắc đạo, nổi tiếng ở Miền Nam. Chùa ở Trà Ôn, Vĩnh Long. Hành hương đến đây, bạn có thể viếng các chốn thiêng trong vùng, quê hương bản quán của Hoà thượng Thích Thanh Từ. Cũng dễ tham quan thắng cảnh trong lưu vực sông Hậu hay qua cù lao Tân Qui chuyên canh cây ăn trái, còn giữ nét quê mộc mạc, hoặc viếng mộ Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn. Một chuyến hành hương tâm linh kết hợp vãn cảnh, du lịch vườn khá thú vị.
Vị trí các điểm đến đều thuận lợi về giao thông, đều nổi tiếng. Bà con phật tử Miền Tây hành hương các nơi đây coi như dịch chuyển trong vùng, không vướng nhiều qui định phòng dịch. Từ Sài Gòn đi Đồng Nai hay Bà Rịa- Vũng Tàu đều tiện, từ Cà Mau- Bạc Liêu hay Cần Thơ đi Vĩnh Long cũng thế, dịch chuyển cây nhà lá vườn hợp túi tiền, điều kiện thời hậu giãn cách.
Sau tháng ngày mệt mỏi, căng thẳng do phong toả, đi xa vãn chùa lễ Phật ngắm thiên nhiên sẽ đem lại sức sống mới, giúp vững vàng niềm tin bước tiếp chặng đường phía trước còn nhiều chông gai.
Lên đường, bạn nhé!
Nguyễn Thành Công