Dân gian thường có câu: "Cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng".
Rằm tháng Giêng còn được xem là Tết muộn, bởi dư âm của những ngày Tết Nguyên đán, và còn gọi là Tết Nguyên tiêu. Trong tiếng Hán, nguyên là thứ nhất, tiêu là đêm. Nguyên tiêu dùng để chỉ đêm Rằm đầu tiên của năm mới Âm lịch. Cũng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Và vào ngày này, tuỳ theo từng vùng, từng điều kiện gia đình mà có cách chuẩn bị mâm cỗ khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm của gia chủ gửi tới trời đất tổ tiên, ông bà, và lên chùa, đi lễ để cầu bình an trong cuộc sống, mong một năm mới sum vầy, hạnh phúc.
Cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu được lưu truyền trong dân gian với nhiều giai thoại khác nhau. Tết Nguyên Tiêu, cũng như nhiều ngày Tết khác của người Việt, đều có sự ảnh hưởng từ các tích truyện của Trung Quốc. Thượng nguyên, Nguyên dạ … đó là do bắt nguồn từ sự giao lưu, tiếp nhận từ nền văn hóa Trung Hoa cùng sự kết hợp hài hòa với văn hóa bản địa.
Với người Trung Quốc, rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên Tiêu với lễ hội cúng Hoa Đăng, làm bánh trôi. Theo lịch sử, bắt nguồn từ năm 180 trước Công nguyên, vua Hán Văn – nhà vua đời Tây Hán của Trung Quốc được lên ngôi đúng vào ngày rằng tháng Giêng.
Để chúc mừng và kỷ niệm ngày này, nhà vua Hán Văn quyết định lấy ngày rằm tháng Giêng là ngày hội Hoa Đăng. Hàng năm vào tối ngày rằm, nhà vua đều ra khỏi cung để đi dạo cùng chung vui với người dân. Vì thế, vào ngày này, nhà nào nhà nấy và trên khắp các ngả đường, thôn xóm đều treo đủ các loại đèn với muôn hình muôn vẻ để mọi người thưởng thức. Khi về đến Việt Nam, qua sự tiếp biến văn hóa, các phong tục, ngày lễ này đều có sự thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, nước ta đồng thời có sự du nhập của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhiều phương diện truyền thống, trong đó có ngày Tết Nguyên Tiêu.
Rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt
"Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn.
Vào ngày này, đức Phật giáng lâm nên chư tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Do đó, người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật, đồng thời đi chùa cầu an, mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn Dược Sư tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc".
Chúng tôi tóm lược nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết Nguyên tiêu. Mong rằng những thông tin này không chỉ giúp quý Phật tử và mọi người dân chúng hiểu rõ hơn về lễ hội Rằm tháng Giêng, mà còn chuẩn bị mâm cúng chỉn chu gồm xôi, chè, trái cây đang mùa trái nào thì cúng trái đó, và mâm cơm chay để tỏ lòng thành kính trời đất, Phật tổ với ông bà, cầu một năm mới tốt lành.