Truyền thống Nho giáo tôn sư trọng đạo có câu “ bán tự vi sư, nhất tự vi sư” cùng tôn ti “ Quân, sư, phụ” đề cao nghề giáo, vị thế cao quý của người Thầy và điều đó tồn tại thực hợp lẽ. Mỗi nghề ở các lĩnh vực đều có ngày của mình, một thiêng liêng phải gìn giữ: nghề mộc, ca hát, kim hoàn, võ thuật.... Thái độ trân quý giỗ nghề của giới cải lương Nam Bộ thực đáng suy ngẫm.
Đạo Phật có truyền thống kính vọng ân sư thầy tổ khai sáng và cho dù không xem tu sĩ phật giáo là nghề phàm tình song sự trân quý ân sư thầy tổ xứng đáng học tập để xiển dương đạo đức xã hội.
Không cứ ở VN hay Phương Đông mới trân quý bậc khai sáng truyền nghề, đấy là đạo đức – văn hoá có tính phổ quát của nhân loại.
Giáo hội Phật giáo VN có hệ thống Học viện, nhà trường đến tận tỉnh thành. Ở cấp TW, các Viện nghiên cứu, Học viện Phật học đào tạo sâu, phục vụ nghiên cứu khoa học. Ở địa phương, các trường Trung cấp Phật học học căn bản. Khối kiến thức có cả Phật học & thế học dù ở Học viện hay trường trung cấp. Ngoài ra, các tập huấn lâm thời của ngành thuộc TW Giáo hội luôn mời giảng viên truyền đạt kiến thức chuyên môn thuộc về thế học như truyền thông chẳng hạn.
Tác giả bài viết bồi hồi nhớ nhiều kỷ niệm học dưới mái chùa trong Nam ngoài Bắc, được nghe thuyết pháp lẫn khoa học. Và khi cận kề ngày 20/11 lại hồi tưởng chuyện phấn viết ở Chùa.
...
Hội thảo hoằng pháp toàn quốc do Ban trị sự Phật giáo Bà Rịa – Vũng Tàu đăng cai, năm 2015. Sự kiện trãi ra ở Vũng Tàu lẫn Đại Tòng Lâm tự thuộc huyện Tân Thành. Khuôn khổ chương trình tập huấn hoằng pháp viên diễn ra ở Trường Trung cấp Phật học trong khuôn viên Đại Tòng Lâm rợp bồ câu bên trên và chi chít lối sỏi dưới những tàng cây. Ký túc xá, giảng đường, khu hiệu bộ đúng mực một nhà trường cổ điển.
Học ít, nhưng trong môi trường như thế kỷ niệm nhiều. Đêm ở tầng 2 ký túc xá, hàng trăm nghìn chim câu nhộn nhạo, sáng ra, bình minh: tháp cao của đạm Phú Mỹ một bên, mờ mờ núi Thị Vải một bên, và lại bồ câu chấp chới khắp nơi, hình ảnh chư tăng ni lao tác....
Chúng tôi được nghe giảng từ các giảng sư nổi tiếng của Giáo hội, vinh dự nghe pháp từ Trưởng lão Hoà thượng Thích Trí Quảng ở hội trường lớn. Ở giảng đường, nghe TS. Thích Nhật Từ thuyết về môi trường, Đại đức Thích Chiếu Tuệ giảng về hoằng pháp....
Một buổi sáng, ngày 7/ 12/2015, ở giảng đường, đang xem lịch giảng và chú ý tên giảng viên được mời: Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Vượng, đề tài về thực phẩm. Đúng lúc đó tôi được một cô nhân viên Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm nhờ cùng hai anh học viên khác sang thỉnh giảng viên từ Văn phòng sang giảng đường.
Tiến sĩ Ngô Đức Vượng dáng người thấp, ánh mắt tinh anh dù đã có tuổi. Ở văn phòng, bên tách trà, tiến sĩ cho biết Ông bảo vệ luận án về sinh học ở Đông Âu. Chúng tôi trang trọng châmh bước mời giảng viên sang giảng đường.
Mấy năm rồi, vẫn nhớ kỹ nội dung bài giảng của Tiến sĩ Ngô Đức Vượng dù không ghi chép.
Tiến sĩ Vượng khai thác quanh luận điểm “ ăn thịt có hại cho sức khoẻ và đạo đức, xấu cho môi trường”. Ông dẫn các số liệu, phân tích cho thấy ngành công nghiệp chăn nuôi giết mổ chế biến động vật đã phát triển như thế nào trên thế giới, ông nói về sự đa dạng sản phẩm thịt động vật trên thị trường.
Chất giọng sang sảng, tiến sĩ Vượng đi vào phân tích khoa học tác động của thịt với cơ thể, não bộ, đến hành vi, đạo đức. Vấn đề này ở góc nhìn tâm linh, thiền sư Thích Nhất Hạnh từng giảng thành công, đại ý: tâm sân hận tham cầu mãnh liệt khi săn đuổi, chế biến, giết động vật hầu thoả mãn các giác quan đã khiến miếng ăn thành sự tạo nghiệp tạo tội, trái lời Phật dạy và nhìn xa rộng ra, tâm ấy là nguyên cớ sâu xa của bạo lực, muốn hiểu vì sao có chiến tranh, hãy nhìn nghe tiếng gào thét của con vật bị giết để làm miếng ăn cho con người- quan điểm của thiền sư Thích Nhất Hạnh như vậy và đấy chính quan điểm phật giáo. Nhà Phật dạy, từng sát na, nhất cử nhất động không khởi tạo niệm ác, tâm sạch khi thọ dụng thực dưỡng. Ăn chay, trường chay với tâm từ bi thương muôn loài, thọ chay trong chánh niệm, không sát sanh hại vật, ăn rau dưa mà nguyện cho hết thảy các cõi, cảm niệm ân nông trồng lúa, rau cho mình có bữa chay.... Sự ăn với nhà Phật có cả một triết lý sâu sắc, nhân văn.
Quay lại giảng đường đã có phần rêu cũ ở Đại Tòng Lâm, Tiến sĩ Vượng triển khai các ý và đi vào phân tích. Ông nói về ngành chăn nuôi gia súc tầm công nghiệp vì lợi nhuận tối đa, về công nghệ giết mổ rất dã man. Ông dẫn dụ thí nghiệm khoa học về tác động của phương pháp, môi trường chăn nuôi đến chất lượng thịt cũng như sự hấp thụ của cơ thể người dùng: một con bò bị đánh đập, nuôi thúc ép cho nhanh tăng cân, đập chết thê thảm như hành hình thời cổ, miếng thịt bò chất chứa ẩn ức oan khiên, có những tố chất xấu thấm nhập vào cơ thể người dùng, tích tụ lâu dài. Ý này, như đã dẫn, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói sâu: miếng ăn như thế không phải tịnh vật và người ăn thụ dưỡng như thế nuôi thân, không có chính mạng, tạo nghiệp.
Tiến sĩ Vượng lẩy vấn đề lên cho phù hợp một chương trình ở Trường phật học: ăn chay tốt cho sức khoẻ, môi trường và..hoà bình thế giới, hợp đạo đức & văn hoá.
Tiến sĩ phân tích giá trị dinh dưỡng thực phẩm chay, khả năng cung cấp dinh dưỡng phong phú từ rau củ, ông nói về các loại đậu. Các bữa chay tốt cho sức khoẻ, tỉ lệ ăn chay cao đồng nghĩa thu hẹp qui mô giết mổ động vật. Phóng to hay thu nhỏ, đây là đề tài giàu tính khoa học và nhân văn, nghiêm túc. Có những tràng vỗ tay từ hàng trăm học viên ở bên dưới giảng đường.
Bài giảng của Tiến sĩ Vượng đi sâu vào bữa chay nhà Phật, từ những phân tích thuyết phục tác hại của thói quen ăn thịt động vật.
Khó quên giọng vị tiến sĩ già sang sảng mô tả sự giết mổ bò nuôi công nghiệp, mọi thứ theo dây chuyền. Những miếng thịt bò chứa tiếng kêu thét bên trong, oán hận, oan khuất và tiếng kêu thét ấy phân rã trong dạ dày thực khách ở các nhà hàng, trong tiếng cười thoả mãn khoái trá, tiếng cụng ly.
Theo ông Vượng, dù không đứng trên lập trường Phật giáo, việc ăn thịt có hại cho sức khoẻ, môi trường, đạo đức.
Thịt bò thực sự không tốt cho sức khoẻ người già. Vị giảng viên cho biết bản thân ông không dùng thịt, ăn chay, xa lạ với những bữa tiệc dao nĩa cắt xén mảnh thịt bò tươi màu máu ở nhà hàng với hoá đơn cao ngất dãy số.
Nhớ hoài lời tiến sĩ: thịt bò không tốt cho sức khoẻ...
Một kỷ niệm.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về KỶ NIỆM VỀ BÀI GIẢNG SINH HỌC Ở TRƯỜNG PHẬT HỌC.