Trong học đường ngày nay ở VN, “ chứng minh” là một thao tác trong bài làm nghị luận: dùng dẫn chứng, cứ liệu, lý lẽ để chứng minh một vấn đề, một lập luận rằng hay dở, đúng sai... Bên cạnh các thao tác giải thích, bình luận, chứng minh là một căn bản trong kỹ năng làm văn nghị luận.
Từ “ chứng minh” xuất hiện trong luật, hoạt động tư pháp, trong tố tụng- xét xử- điều tra... Ví dụ, luật: trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Tức thông qua chứng cứ, xét hỏi, giám định...cơ quan điều tra chứng minh một nghi can có tội hay không, tình tiết thế nào, bị chế tài ra sao theo luật. Hay không đủ yếu tố cấu thành tội, hay vô tội, oan. Hết thảy đều phải được chứng minh hợp pháp, đúng luật về phương pháp, trình tự, thủ tục và thể hiện tại hồ sơ với trang dòng cụ thể.
Từ “ chứng minh” trong Phật giáo khác về nghĩa dù cùng vỏ ngôn ngữ. Các phật sự, sự kiện trong hoạt đồng phật giáo từ cấp độ nhà chùa đến các cấp Giáo hội đều cần có bậc xuất gia đủ tư cách chứng minh. Vậy “ chứng minh” ở đây có thể hiểu là bề trên, bậc tu sĩ có uy tín, chức phận, giáo phẩm, địa vị trong giáo hội có mặt, hoan hỷ tham dự, chuẩn thuận, xác nhận phật sự, sự kiện tâm linh đúng chính pháp, có giá trị.
Thông thường có cụm từ cung nghinh được người dẫn chương trình xướng lên đầu sự kiện:“ chúng con đê đầu cung thỉnh....quang lâm chứng minh” trong nền nhạc lễ và tăng ni nghiêm cẩn trang nghiêm chào đón bậc tôn túc, giáo phẩm đến tham dự.
Bên cạnh các ban trị sự Phật giáo địa phương luôn có chư tôn thiền đức chứng minh hỗ trợ bằng uy tín, đạo hạnh, hiểu biết để phật giáo sở tại hoạt động có hiệu quả. Ở TW có Hội đồng chứng minh như biểu tượng tối cao của Phật giáo VN, bên trên Hội đồng trị sự. Đứng đầu Hội đồng chứng minh là Pháp Chủ. Việc tấn phong hàng giáo phẩm cho tăng ni cả nước bằng giáo chỉ của Pháp Chủ, đứng đầu Hội đồng chứng minh.
Như đã viết, hàm nghĩa từ chứng minh bên đạo bên đời khác biệt.
Về lý như thế, thực tế trong hoạt động phật giáo ở VN ngày nay, cấu trúc tổ chức Giáo hội không hoạt động như thiết kế công khai, sự song trùng chi phối của hệ thống chính trị cầm quyền rất nặng nề, Đảng nắm và quyết định hầu như toàn bộ hoạt động phật giáo thông qua bộ máy an ninh, nội vụ, tôn giáo, mặt trận. Bộ máy ấy giữ vai trò quyết định từ nhân sự, đào tạo, bổ nhiệm, tấn phong, trùng tu xây dựng, tổ chức phật sự...bằng việc cho hay không cho phép, cho phép như thế nào. Đương nhiên, ở mọi quốc gia, nhà nước đều điều hành và tôn giáo không ở bên ngoài luật pháp, nhưng ở VN sự chi phối ngầm của Đảng là quá lớn, đến mức biến Giáo hội thành một hình thức.
Ngay sau đại hội Phật giáo cấp huyện thị xã thành phố thuộc tỉnh vừa qua, tác giả bài viết có trao đổi với một vị thượng tọa Trưởng ban trị sự Phật giáo cấp huyện vừa tái đắc cử nhiệm kỳ mới và nội dung trao đổi khá ngậm ngùi. Vị thượng toạ khả kính phiền não kể: tôi dự kiến nhân sự ban trị sự hơn 30 vị, “ họ” gạch mười mấy người. “ Họ” tức bên tôn giáo. Thầy nói tiếp: nhiều vị trí tăng ni bị loại, nhưng cư sĩ lại được “ họ” đưa vào. Thượng toạ chua chát: chuyện nhà chùa nhất thiết phải có Đảng & nhà nước chứng minh.
Đấy là một câu chốt nặng ký và từ chứng minh được vị Trưởng ban dùng để nói tế nhị về chuyện chính quyền lũng đoạn thao túng thái quá hoạt động phật giáo một cách âm thầm không thể hiện ở luật lệ nào. Tình hình từ tâm tư vị thượng toạ trưởng ban cũng là bối cảnh chung cả nước theo phương châm thành khẩu hiệu chữ lớn ở các sự kiện phật giáo “ đạo pháp- dân tộc- CNXH”.
Hàm nghĩa dụng từ chứng minh của thượng toạ X lại khác nguyên nghĩa từ này: Đảng thay vai trò chứng minh của chư tôn thiền đức, bậc tôn túc, giáo phẩm và Hội đồng chứng minh, sự thay thế ngấm ngầm bên trong khiến cơ chế chứng minh của giáo hội chỉ còn mang tính hình thức. Bằng cách dụng từ chứng minh để chỉ vấn đề, vị Trưởng ban nói rất rõ thực trạng sinh hoạt phật giáo ở xứ mình, ngày nay với tư cách người tting cuộc mấy nhiệm kỳ làm trưởng ban trị sự phật giáo địa phương.
Ngữ nghĩa chỉ một từ chứng minh cũng đủ đường...
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về HÀM NGHĨA TỪ “CHỨNG MINH”.