Phật đã dạy, ngay hàng Phật tử cần gần gũi chư tăng ni, bậc thiện tri thức để học hỏi hầu tinh tấn bên cạnh sự chuyên cần trau dồi kinh điển, hành trì lời Phật trong đời sống. Phật tử nương tựa nhau trong đạo tràng, cùng chăm sóc cảnh tự, giữ gìn tam bảo. Mỗi Phật tử như cây trong khu rừng tựa vào nhau vững vàng trong mưa gió.
Tu sĩ Phật giáo càng đòi hỏi cùng kết nối chặt chẽ trong tổ chức Giáo hội, tổ chức của nhà chùa, duy trì đời sống tăng đoàn, cùng chia sẻ lý tưởng tu học, cùng tinh tấn. Một chư tăng chư ni dù tinh tấn đến đâu, nếu rời tổ chức Giáo hội, tách khỏi đời sống tăng đoàn sẽ lung lay trước bộn bề cản lực, trăm khó vạn khó. Tu sĩ kết đoàn trong khu rừng như cá trong nước, tách rừng tách nước cây trơ trọi cá lẻ loi, đời sống không thể không khác đi.
Cho nên, các nguyên tắc tổ chức của Giáo hội có vẻ ràng buộc, nhưng cần thiết cho duy trì đời sống của tăng đoàn, rời bỏ các nguyên tắc ấy sự tu sự học của tăng ni khác đi.
Nhiều sự cố đáng tiếc liên quan màu áo cà sa truy nguyên không ít trường hợp hoặc cá nhân đương sự không đủ tư cách hợp pháp, không thuộc Giáo hội, giả sư- hoặc cho dù đương sự có thân phận tu sĩ Phật giáo nhưng đã rời khỏi đời sống tăng đoàn. Tổ chức Giáo hội có cơ cấu, qui tắc, sức mạnh chứ không phải là tập hợp những ràng buộc vô lý.
Tác giả bài viết từng nghe tâm sự của một tu sĩ từ một trung tâm tu học nổi tiếng nhận trách nhiệm đi xa xây dựng phát triển thiền phái. Vị tu sĩ ấy, Thích đạt ma Khả Kiến- Trú trì Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu, chia sẻ: rời Thiền viện Thường Chiếu về tận Bạc Liêu, khó nhiều vì xa Thầy xa bạn đồng tu, thiếu sự hỗ trợ, phải vượt qua rất nhiều khó khăn.
Mới đây, tác giả bài viết có nghe chia sẻ của một vị tỷ kheo, theo chứng điệp thọ giới đàn Pháp Loa ghi pháp danh Thích Thiện Năng, thế danh Trần Tấn Đời, tu trong một chiếc thuyền bát nhã ngay cạnh đê biển Gành Hào trong khu vực Lăng Ông Nam Hải. Vị tỷ kheo trong áo lam tưới hoa, rồi cùng tác giả vào trong mô hình thuyền nơi được gọi là “ chính điện” có tam bảo, chuông mõ, bàn làm việc và tủ kinh sách. Một mình ở đấy, bên trên thuyền có Thánh tượng Quan Âm, trong thuyền chứa “ chính điện”, vị tỷ kheo đến từ Đồng Nai ví von liên hệ: thời xưa Đức Phật tu như thế nào? Không tiện viết nhiều, song nhìn cơ man sách tử vi, bảng cầu an cầu siêu trong ruột mô hình thuyền kín bưng, cảm nhận sự khác thường. Vị tỷ kheo cho biết tu theo đường lối mật tông, ngày đêm trì chú độ chúng sinh và không sinh hoạt trong Giáo hội. Thời nay, tu như thế rõ ràng khác thường. Thời sự đang dấy động vụ “ Thiền Am bên bờ vũ trụ” ở Long An, cũng về một sự tu khác thường giả dạng tu sĩ Phật giáo, mang tính chất lợi dụng hình thức tu sỹ phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ phật giáo nhằm trục lợi. Rời Gành Hào, lòng băn khoăn mãi về chứng điệp được ép Plactics, chữ in rõ ràng, có dấu đỏ và chữ ký của HT Trưởng ban Tăng sự TW Giáo hội PGVN Thích Thiện Pháp, nhưng ảnh không có dấu dù là dấu đỏ hay dấu nổi. Nghĩ sai mang tội, nhưng một tu sĩ cùng tam bảo ở trong lòng mô hình thuyền ngay đê biển, chuông đồng lác đác mấy tờ tiền, sách số tùm lum, trông vị “ tỷ kheo” giống thầy cúng thầy pháp hơn là bậc xuất gia với đầy đủ oai nghi cần có và một tam bảo trang nghiêm thanh tịnh. Nếu chứng điệp đúng, thân phận tu sĩ Phật giáo của công dân Trần Tấn Đời là chính danh, sự tu học độ chúng ở trên mô hình thuyền cũng xa rời chính pháp, đầy màu sắc mê tín dị đoan, còn nếu chứng điệp là sản phẩm của công nghệ làm giả, chuyện rất khác về pháp luật.
“ Thầy” Thích Thiện Năng nói hoài về lời hứa giúp xây nơi đây- chỗ chiếc thuyền- thành chùa, của Đại đức Trưởng ban Phật giáo huyện Đông Hải - Bạc Liêu Thích Phước Thuận, rồi chỉ chiếc đồng hồ do Đại đức Phó ban Thích Thiện Chí tặng, cả tấm lịch có dấu tên “ trung tá ...”, tự tin về “ ngôi chùa” của mình.
Tu học Phật không phải chuyện đùa, khó lắm.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về Giả danh tu sĩ Phật giáo