Bài Đức Phật nhập Niết Bàn có 4 mục:
MỤC 1: ĐỨC PHẬT TỚI LÃNH
THỔ, MÀ NHIỀU ĐỜI NGÀI ĐÃ
TỪNG LÀ ĐẠI VƯƠNG:
Đi trong 3 tháng, Đức Phật tới nơi rừng Ta La thuộc thành Câu Thi, chỗ sinh quán đời xa xưa tiền kiếp của Ngài, thuộc Bộ tộc Mạt La, lúc ấy Ngài bảo Tôn giả A nan Đà:
- Thầy hãy sửa soạn chỗ cho Ta nằm giữa hai cây Long Thọ, đầu quay về hướng Bắc, mặt quay về hướng Tây.
Tôn-giả A nan Đà y theo lời Phật dạy, sửa soạn xong, Đức Phật nằm xuống nghỉ. Ngài nằm nghiêng về phiá bên tay phải, hai chân xếp chồng lên nhau.
Lúc ấy giữa đám rừng cây Long Thọ, có các Quỷ Thần hết lòng cung kính tin Phật, lấy các thứ hoa trái mùa rải khắp mặt đất. Thấy thế, Đức Phật bảo Tôn giả A nan Đà:
- Các Thần Long Thọ này dùng hoa trái mùa dâng cúng cho Ta như thế, chẳng phải là cúng dàng Như Lai.
Tôn-giả A nan Đà thưa
- Thế nào mới gọi là cúng dàng Như Lai?
Đức Phật bảo:
- Người nào biết lĩnh thọ, và thực hành chính Pháp mới gọi là cúng dàng Như Lai.
Khi ấy Tỳ kheo Phạm ma Na đang cầm quạt đứng hầu, Đức Phật bảo:
- Này Phạm ma Na, thầy chớ đứng gần Ta, hãy đi chỗ khác.
Nghe Đức Phật nói, Tôn giả A nan thưa:
- Thầy Phạm ma Na thường hầu hạ bên cạnh Đức Thế Tôn, cung cấp những điều cần thiết cho Đức Thế Tôn, cung kính Ngài không bao giờ biết mỏi mệt, hôm nay là ngày cuối cùng, sao Đức Thế Tôn lại đuổi đi, con không hiểu?
Đức Phật bảo:
- Này A Nan, chung quanh thành Câu Thi này, cách xa mười hai do tuần (12 x 15 =180 kilomet = 120 miles) đều có các vị Thiên Thần chật ních cả. Các vị đại Thiên Thần đều trách Tỳ kheo Phạm ma Na rằng: “Sao lại đứng gần Đức Thế Tôn như thế, trong giờ phút Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn? Chúng ta đến muốn chiêm bái một lần cuối, nhưng vị Tỳ kheo này với oai đức lớn lao, ánh sáng chói lòa, khiến chúng ta khó thấy, không đến gần Đức Như Lai được để lễ bái cúng dàng”. Này A Nan, vì thế mà Ta bảo thầy ấy đi chỗ khác.
Bấy giờ Tôn giả A nan vội quỳ chắp tay thưa:
- Xin Đức Thế Tôn không nên diệt độ nơi vùng đất hoang vu này, vì hiện nay có các thành nước lớn như Chiêm Bà, Tỳ xá Ly, thành Vương Xá, nước Bạt Kỳ, nước Xá Vệ, nước Ca duy la Vệ, thành Ba la Nại. Tại những nơi đó dân cư đông đúc, nhiều người ngưỡng mộ Phật Pháp Tỳ kheo. Nếu Đức Thế Tôn nhập diệt ở những nơi ấy chắc chắn nhiều người sẽ đến cung kính cúng dàng Xá lợi Phật.
Đức Phật dạy:
- Thôi, thôi, A Nan chớ nghĩ như thế, Ta đã mất ba tháng để đi tới đây, chớ cho đây là vùng hẻo lánh chật hẹp. Vì từ xa xưa, tại quốc độ này, đã sáu lần làm Chuyển Luân Thánh Vương, và đã có lần Ta bỏ xác tại nơi đây. Nay Ta đã thành Vô Thượng Chính Giác, lại cũng muốn bỏ xác tại đây; từ nay về sau Ta dứt hẳn sinh tử, không còn chỗ nào là chỗ bỏ xác Ta nữa, đây là lần cuối cùng.
Bấy giờ Đức Phật bảo Tôn giả A nan Đà vào thành Câu Thi báo cho dân chúng biết, khi Tôn giả đến nơi gặp một nhóm người đông đảo vì một nhân duyên đang tụ họp, Tôn giả nói:
- Này quý vị, tôi vì lợi ích của quý vị mà đến báo tin là Đức Như Lai định vào lúc nửa đêm hôm nay, Ngài sẽ vào Niết Bàn.
Quý vị nên đến nơi hai cây đại Long Thọ thuộc rừng Ta La là chỗ Như Lai đang ngự để kịp thời hỏi những điều hoài nghi, và trực tiếp nghe Ngài chỉ dậy, để sau khỏi hối tiếc.
Khi nghe những lời ấy, họ đều kinh ngạc, kêu than, rồi họ bảo nhau về nhà đem quyến thuộc cùng đi đến rừng Ta La chỗ có các cây Long Thọ. Số người này đến trước Đức Phật đảnh lễ và thăm hỏi xong, Đức Phật vì họ mà dạy về lý vô thường, và chỉ dẫn những điều lợi ích vui mừng. Khi nghe Pháp xong, các người Mạt Na đem năm trăm thước vải trắng dâng lên cúng dàng Đức Phật, và đảnh lễ lui về.
MỤC 2: ĐỆ TỬ LỚN TUỔI NHẤT
VÀ CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT:
Lúc đó trong thành Câu Thi có một Phạm chí tu theo ngoại đạo, tên là Tu Bạt, đã một trăm hai mươi tuổi, nhưng còn khoẻ mạnh, là bậc kỳ cựu, trí thức. Nhân nghe Sa môn Cù Đàm đêm nay sẽ diệt độ vào lúc nửa đêm, ông tự nghĩ: “Ta đối với giáo pháp còn có điều nghi ngờ, chỉ có Đức Cù Đàm Như Lai mới hiểu ý ta, ta nên đến để kịp hỏi Ngài”. Rồi ông đi đến rừng Ta La chỗ các cây Long Thọ, khi tới nơi, ông gặp Tôn giả A nan Đà và xin được bái yết Đức Như Lai, vì có điều còn nghi ngờ muốn hỏi. Tôn giả từ chối vì cho rằng Đức Thế Tôn mệt nhọc, ông Tu Bạt cố nài xin đến ba lần, nhưng vẫn bị Tôn giả A nan Đà từ chối, khi đó Đức Phật nghe được và Ngài bảo Tôn giả:
- Này A Nan, thầy không nên ngăn cản, hãy để cho ông ấy đến gặp Ta, vì ông ấy muốn giải quyết điều nghi ngờ, không có gì phiền phức cả; vả lại ông ấy nghe pháp Ta chắc chắn sẽ được giải thoát.
Vâng lời Đức Phật, Tôn giả A nan Đà để cho ông Tu Bạt đến chào hỏi Đức Phật xong ông thưa:
- Tôi có điều nghi về giáo pháp, Ngài có khoẻ để giải quyết cho chăng?
Đức Phật đáp:
- Ông cứ tuỳ ý hỏi.
Ông Tu Bạt liền nói:
- Tại sao có những người tự xưng là bậc thầy như các ông Phật lan Ca na Diếp, ông Mạt già Lê Kiều Xa Lê, ông Ba phù ca Chiên v.v. những người này đều có giáo pháp riêng, Đức Sa môn Cù Đàm có biết hết hay không?
Đức Phật nói:
- Thôi, thôi, khỏi nói nữa, những giáo lý của các ông ấy Ta đã biết tất cả; nay Ta vì ông mà nói đến giáo pháp thâm diệu, ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ về giáo pháp này.
- Vâng.
- Nếu trong giáo pháp nào không có Tám Thánh đạo, nghĩa là không có “Chính Kiến, Chính Tư duy, Chính Ngữ, Chính Mệnh, Chính Nghiệp, Chính Tinh tấn, Chính Niệm, và Chính Định”, thì trong giáo pháp đó không có bốn quả Sa môn thứ nhất Tu Đà Hoàn, qủa thứ nhì Tư Đà Hàm, qủa thứ ba A Na Hàm, và qủa thứ tư A La Hán. Này ông Tu Bạt, trong giáo pháp của Ta có Tám Thánh đạo, nên có bốn qủa Sa môn; trái lại trong giáo pháp ngoại đạo không có Bát Thánh đạo, nên không có bốn qủa vị Sa môn. Nếu các Tỳ kheo kìm hãm tâm lại để tu hành thì thế gian này sẽ không bao giờ mất qủa vị A la Hán.
Ông Tu Bạt thưa:
- Tôi nay có được ở trong giáo pháp của Ngài mà xuất gia, thọ Cụ Túc Giới luật của người xuất gia không?
- Này ông Tu Bạt, nếu có người Phạm chí tu theo pháp khác, nay muốn dự vào pháp của Ta để tu hành phải trải qua bốn tháng thử thách, hầu xem xét hành vi họ, chí nguyện họ, tính nết họ. Nếu thấy đầy đủ tư cách, không gì thiếu sót mới cho họ ở trong giáo pháp của Ta thọ Cụ Túc Giới; nhưng ông nên biết, tuy vậy còn tuỳ theo hành vi của mỗi người mà xét.
Ông Tu Bạt thưa:
- Như thế thì hàng ngoại đạo học theo giáo pháp khác phải tập sự thử thách, trải qua bốn tháng để xem xét hành động họ thế nào, nếu thấy đầy đủ tư cách, không thiếu oai nghi, mới được thọ Cụ Túc Giới. Nay tôi xin ở trong chính pháp của Ngài, phục dịch bốn năm, một khi không còn sơ suất, mới xin được thọ Cụ Túc Giới.
Ngay trong đêm ấy, ông Tu Bạt xuất gia thụ giới, tu hạnh thanh tịnh, tinh tấn hành trì theo lời Phật giảng dạy, và tự mình chứng ngộ ngay trong hiện tại. Khi gần nửa đêm, ông chứng qủa A la Hán, và ông xin được diệt độ trước Đức Phật. Ông là đệ tử cuối cùng, lúc ấy ông 120 tuổi và là đệ tử nhiều tuổi nhất của Đức Phật.
MỤC 3: NHỮNG LỜI DẶN BẢO
CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT:
Bấy giờ, Tôn giả A nan Đà không ngăn nổi cơn bi lụy, ngậm ngùi than khóc vì Đức Phật sắp nhập diệt trong khi Tôn giả chỉ mới lên được bực có học (hữu học) mà đạo qủa chưa thành. Đức Phật biết thế, nên Ngài nói với Tôn giả:
- Này A Nan, chớ có khóc than, từ trước tới giờ, thầy hầu hạ Ta với cử chỉ hiền hòa khiêm tốn, lời nói lễ độ đúng pháp, ấy là thầy đã cúng dường Ta, công đức rất lớn. Nếu có sự cúng dàng nào từ Trời, Ma, Sa môn, Bà la Môn, cũng không sao sánh được, thầy hãy cố gắng lên, ngày thành đạo không còn bao lâu nữa.
Rồi Đức Phật khen ngợi nhiều công đức khác của Tôn giả A nan Đà, Tôn giả cảm thấy phấn khởi khi được Đức Phật ngợi khen, nên nguôi đi sự bi lụy, Tôn giả vội qùy gối trước Đức Phật mà nói:
- Thưa Đức Thế Tôn, sau khi Ngài diệt độ, các hàng đệ tử làm thế nào để tưởng nhớ Ngài?
Đức Phật bảo:
- Này A Nan, chớ lo, các hàng đệ tử sẽ có bốn chỗ để tưởng nhớ Phật là:
1- Thứ nhất là chỗ Phật Giáng sinh có những công đức như thế.
2- Thứ hai là nơi Phật Thành đạo có những thần lực như thế.
3- Thứ ba là nơi Phật chuyển Pháp luân lần đầu có những sự hóa độ như thế.
4- Thứ tư là chỗ Phật vào Niết Bàn có những lời di chúc như thế.
Các hàng đệ tử có bốn chỗ ấy để tưởng nhớ, vui mừng muốn thấy, ghi nhớ không quên, và sinh lòng luyến mộ. Rồi mỗi người nên đi đến bốn nơi đó, sau khi kính lễ, xây Chùa dựng Tháp, thì sau khi qua đời đều được sinh lên cõi Trời.
Tôn giả A nan Đà hỏi tiếp:
- Thưa Đức Thế Tôn, sau khi Phật nhập diệt, có những đệ tử ngỗ nghịch, tự chuyên ương ngạnh, không tuân theo giáo luật của Phật, phải đối xử với người này như thế nào?
- Này A Nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có những người như thế, các thầy hãy đem họ mà xử trị theo pháp Phạm đàn là thông báo cho các đệ tử khác, không ai được nói chuyện với họ, hoặc tiếp xúc, tới lui, dạy dỗ, cộng tác với họ.
- Này A Nan, thầy cho rằng các Tỳ kheo không có nơi nương tựa, không có ai che chở sau khi Ta nhập diệt ư? Đừng nghĩ như vậy, những Kinh, Luật mà Ta đã giảng dạy từ khi thành Phật đến nay là chỗ nương tựa che chở cho các thầy đó, từ nay trở đi, Ta cho phép các thầy được tùy nghi bỏ bớt các giới nhỏ nhặt. Các thầy hãy lễ độ, trên dưới hòa thuận với nhau, đó là pháp kính thuận của người xuất gia mà các thầy cần để ý.
- Này các Tỳ kheo, các thầy đối với Phật, Pháp, chúng Tăng và Chính Đạo còn có điều gì nghi ngờ không? Ai nghi ngờ, không hiểu bất cứ điều gì, thì hỏi ngay đi cho kịp thời, để sau này khỏi hối tiếc, vì giờ này Ta vẫn còn đây và giải quyết cho.
Khi ấy các thầy Tỳ kheo đều yên lặng không người nào có thắc mắc, Đức Phật hỏi như thế lần thứ hai, rồi lần thứ ba, các thầy Tỳ kheo cũng vẫn im lặng, Đức Phật lại nói:
- Nếu các thầy e ngại không dám hỏi thì nhờ người khác hỏi giùm, để sau này khỏi hối tiếc.
Lúc ấy vẫn không có Tỳ kheo nào nêu thắc mắc, Tôn giả A nan Đà quỳ gối, chắp tay nói:
- Thưa Đức Thế Tôn, con tin trong đại chúng này, ai nấy đều có lòng tin thanh tịnh, không còn hoài nghi về Phật, Pháp, Tỳ kheo nữa.
Đức Phật dạy:
- Này A Nan, Ta biết trong đại chúng này, dù một Tỳ kheo nhỏ nhất cũng thấy được dấu đạo, không còn đọa vào đường ác, chỉ còn bẩy lần sinh lại cõi dục này là diệt hết khổ.
Bấy giờ Đức Phật thọ ký cho một nghìn hai trăm năm mươi Tỳ kheo đệ tử chứng được đạo qủa, xong Ngài để lộ cánh tay sắc vàng và bảo các đệ tử:
- Các thầy nên nhớ rằng Như Lai xuất hiện ở đời cũng như hoa Ưu đàm Bát-la xuất hiện vậy, và Ngài diễn tả lại bằng bốn câu Kệ:
Cánh tay phải sắc vàng,
Phật hiện như linh thụy,
Đến đi đều vô thường,
Hiện diệt không buông lung.
Các thầy không nên buông lung lười biếng trong việc tu hành, Ta nhờ không buông lung mà thành Chính Giác, và vô lượng điều lành đều nhờ không buông lung mà có được.
Ngừng lại một vài giây, Đức Phậ nói tiếp:
- Các thầy nên biết: “Tất cả vạn vật đều vô thường, vì không có cái gì bền vững mãi mãi, đó là lời dạy cuối cùng của Như Lai mà các Thầy phải ghi nhớ”
MỤC 4: ĐỨC PHẬT
NHẬP NIẾT BÀN:
Dạy các đệ tử xong, Đức Phật để tay trái xuôi trên hông bên trái, chân trái vẫn chồng trên chân phải, từ từ khép hai mắt lại.
Khởi đầu, Ngài vào định Sơ thiền, rồi từ định Sơ thiền ra để vào định Nhị thiền; từ định Nhị thiền ra để vào định Tam thiền; từ định Tam thiền ra để vào định Tứ thiền; từ định Tứ thiền ra để vào định Không xứ (Không Vô Biên Xứ); từ định Không xứ ra để vào định Thức xứ (Thức Vô biên xứ); từ định Thức Xứ ra để vào định Vô sở Hữu xứ; từ định Vô sở Hữu xứ ra để vào định Hữu tưởng; từ định Hữu tưởng ra để vào định Vô tưởng; từ định Vô tưởng ra để vào định Diệt tưởng (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng).
Lúc đó Tôn giả A nan Đà hỏi Tôn giả Trưởng lão A na Luật:
- Thưa Trưởng lão, Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn rồi sao?
- Chưa, Đức Thế Tôn hiện đang ở trong định Diệt tưởng, tôi lúc trước ở gần Đức Thế Tôn được nghe rằng khi từ định Tứ thiền ra lần thứ hai, thì Đức Thế Tôn mới nhập Niết Bàn.
Khi ấy Đức Phật từ định Diệt tưởng ra để vào định Vô tưởng (là bắt đầu ngược lại), rồi từ định Vô tưởng ra để vào định Hữu tưởng, định Vô sở Hữu xứ, định Thức xứ, định Không xứ, định Tứ thiền, định Tam thiền, định Nhị thiền, định Sơ thiền.
Rồi Ngài lại từ định Sơ thiền ra để vào định Nhị thiền, từ định Nhị thiền ra để vào định Tam thiền, từ định Tam thiền ra để vào đinh Tứ thiền, từ định Tứ thiền ra, Đức Phật nhập Niết Bàn.
Ngay lúc ấy, mặt đất rung động mạnh, Trời, Người, muôn vật đều khủng khiếp kinh hoàng; những chúng sinh ở những chỗ tối tăm, nơi kín đáo, hang hốc, không có mặt Trời hay mặt Trăng chiếu đến đều được soi sáng. Trên không trung, Chư vị Trời Đao Lợi rải hoa như tuyết rơi, nhạc trời vang lừng, để cúng dàng Đức Như Lai nhập diệt vào Niết Bàn. , .