Tôi đam mê học sử, nên cho dù lớp lang ít ỏi song nhờ tự tìm hiểu kiên trì nên cũng coi như thoát dốt sử học.
Làm truyền thông phật giáo, lĩnh vực có nhiều điều cần khám phá ngoài trau dồi giác ngộ tâm linh: như kiến trúc, địa lý, văn hoá và đương nhiên luôn va đụng đến lịch sử. Một ngôi chùa cụ thể không bao giờ giản đơn vì chốn tu hành ngự trên vùng đất cụ thể, không có chuyện thoát ly môi trường xã hội dù tu học theo truyền thống nào, thuộc pháp môn nào, hệ phái nào... Cõi tu ngay trên đời sống hiện thực, trãi trên chiều kích không gian- thời gian thực tế, cùng lịch sử vùng miền, đất nước, thế giới.
Ngoạ Vân Am đâu có lớn lao chi, ngày xưa vốn chỉ là thảo am trên núi trong vùng núi trùng điệp mạn Đông Bắc đất nước. Bậc Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông theo gương Đức Phật rời Vương Triều xa giá biệt Thăng Long tìm đến chốn này tu hành. Đường đến Ngoạ Vân uốn lượn quanh co giữa non xanh nước biếc đúng câu “ ..như tranh hoạ đồ”. Men theo suối leo dốc hãy còn vết sử ngày xưa qua cái tên như Dốc Độ Kiều - chỗ dừng kiệu ngơi nghỉ. Có thảm rừng trúc dày bên lối mòn, nguồn suối trên đỉnh cao đổ xuống róc rách, sương mù phủ cả vùng rừng núi và có mõm đá nghe nói có thể nhìn về Hà Nội. Thánh địa của một trường phái thiền Việt Nam ở đây mang tên Trúc Lâm. Phật Hoàng tu học, thiền định chứng đắc quả vị giải thoát, và nhập niết bàn tại đây. Dấu vết cũ không nhiều: một cổ tháp, am thất, những viên gạch cũ.... Nhưng trầm tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc, đặc điểm địa lý, giá trị nghiên cứu Phật học và các giá trị tâm linh thiêng liêng không thể nói là ít ỏi, đấy là một địa chỉ quan trọng của phật giáo VN, của lịch sử nhà nước...
Chùa ở trong Nam, vùng đất có nhiều khác biệt với Miền Bắc, nơi xác lập chủ quyền muộn, có những nét khác chùa ở phía Bắc. Chùa Hổ Phù ở làng Phong Thạnh cũ ( theo phân giới hành chính thời thuộc địa), kiến trúc mới tinh và về kiến trúc không có chi đặc biệt, đơn giản một ngôi chùa nhỏ giữa vuông láng nuôi tôm cách thị tứ Hộ Phòng mấy cây số. Ngôi chùa nhỏ chỉ có một quý ni trông coi, tu học gây chú ý bởi cái tên Hổ Phù- đấy là phiên hiệu đơn vị cảnh vệ hộ giá Vua Gia Long, vị Vua đặt ra quốc hiệu Việt Nam cho đất nước này. Trên đường bị nhà Tây Sơn truy đuổi ráo riết xuống tận cực Nam, rồi ra ngoài Vịnh Thái Lan, sứ mệnh đơn vị cảnh vệ rất nặng nề, họ hy sinh nhiều, bệnh tật, gian khổ, nguy hiểm... Hành trình nhà Vua cắt ngang vùng đất nước mặn này, một nơi hẻo lánh đầy muỗi mòng, rừng rậm... Chốn này, theo các tư liệu dân gian, ban đầu được lập để thờ các tử sĩ của đơn vị cảnh vệ Hổ Phù bỏ mình bảo vệ nhà Vua. Vua Gia Long chiến thắng Tây Sơn, lên ngôi năm 1802, vậy địa điểm này có trước đó. Có giao tranh nào của quân nhà Nguyễn với Tây Sơn ở khu vực này và tài liệu nào xác nhận? Tín ngưỡng trong vùng ra sao và bắt đầu thờ Phật từ lúc nào? Những câu hỏi hoàn toàn nghiêm túc.
Chùa Giác Hoa ở Cả Dày, Bạc Liêu cũng mới có từ đầu thế kỷ XX, thủ tục xin và cho phép của nhà cầm quyền vào năm 1919, văn bản hãy còn lưu trữ. Hoàn toàn đấy không hội đủ điều kiện thời gian để gọi là cổ tự, nhưng so với nhiều ngôi chùa của cả vùng bán đảo Cà Mau hay Nam Bộ, lại là ngôi chùa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, điểm chú ý ở chỗ khác: lối kiến trúc thời thuộc địa khiến toàn khối già lam như một công thự pha trộn Á – Âu, Đông- Tây khá độc đáo nếu xét kiến trúc phổ quát của chùa chiền Việt. Vị trí xây chùa lại thêm một điểm cộng về môi trường kiến trúc.
Chùa Tháp, còn gọi chùa Phước Bửu ở Bạc Liêu gánh một chiều kích lịch sử vĩ đại với tuổi ngôi tháp hơn 1.000 năm. Mới đến lần đầu, ngắm ngẩn ngơ ngôi tháp cổ tuyệt mỹ về hình học, không hề cao, nhưng rất hài hoà, đẹp lắm. Một khu vực đã khai quật khảo cổ nhiều lần và thu nhiều cổ vật có giá trị, nơi gắn với nền văn minh Chân Lạp, có vai trò quan trọng bảo tàng văn hoá kịch sử bản địa. Đứng bên này tháp nhìn sang bên kia cận kề có một ngôi chùa nhỏ, đấy chính Phước Bửu tự. Đối tượng nghiên cứu khoa học, phật học quan trọng. Nơi đây từng tồn tại trung tâm phật giáo của nền văn minh Chân Lạp cổ đại...
Tịnh xá Bửu Linh ở Hoà Bình, Bạc Liêu của hệ phái khất sỹ VN giữ được lối kiến trúc riêng với chính điện bát giác, vẫn còn cốc nơi tịnh của nhà sư trú trì buổi đầu, và am nhỏ nhìn ấm áp. Am ấy chính khởi đầu của nơi thờ tự tín ngưỡng trước khi có một ngôi tịnh xá, dân làng gọi thành quen: Am Cả Hốt- tên ông Cả lập am thờ Phật, bốc thuốc cứu người, cách gọi này còn hoài ngay khi đã xây tịnh xá lớn, thành chùa. Vậy mà hành hương mãi, do không phải dân địa phương, không biết đến tên giản dị kia cho đến một ngày đẹp trời đủ duyên có vị trong ban hộ tự dẫn vào am lấy sau bức hình thờ một chân dung: Ông Cả. Vậy đấy, đâu cần nghìn vạn năm mới phải kỳ công tìm tòi, lịch sử một ngôi chùa chưa đầy trăm năm đã mờ tỏ không dễ tường nếu hàm hồ và thiếu may mắn.
Chùa Cô Tám cách nhà 4 cây số, đạp xe mòn đường, viết bài làm tin chụp ảnh. Chú hộ tự đưa tài liệu lịch sử ngôi chùa mấy trang A 4 kín chữ... Vậy mà hôm nay, lễ Phật, ngoài trời mưa rào, vào gian nhà cũ thắp hương Sư Bà Diệu Pháp, chợt thấy một khuôn nhỏ treo ẩn góc khuất của tường: ban hộ tự các thời kỳ, từ 1912. Bao nhiêu phỏng vấn nhà sư trú trì, ban hộ tự, đọc nát tài liệu của chùa không có tư liệu này dù một chút! Thế mới biết mọi chuyện đâu có giản đơn...
Mở máy chụp ảnh tấm bảng nhỏ, về nhà đọc lại, ngẫm nghĩ trên đường hành hương qua ngày tháng, viết ra vụng về.
Vậy là có thể đoan chắc về lịch sử một ngôi chùa ngay quê nhà qua bao tháng ngày “ ngâm cứu” do không đủ tư liệu xác tín, sáng tỏ hơn nhưng lòng không tránh khỏi bâng khuyân những câu hỏi “ vì sao” tư liệu gốc kia lại ẩn kín nơi góc khuất bao nhiêu năm tháng.
Lẽ ra tấm bảng cũ phải ở nơi trang trọng trong chùa.
Vài dòng chia sẻ....
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về ĐI TÌM LỊCH SỬ MỘT NGÔI CHÙA.