Hoà thượng đệ nhất Phó Pháp Chủ Thích Trí Quảng đã có bài nói chuyện với tăng ni sau khi Đệ tam Pháp Chủ viên tịch, được đăng tải trên Giác Ngộ TV với tiêu đề “ Di huấn của Chư Hoà thượng Pháp Chủ về hậu sự”. Bài nói chuyện hữu ích cho bước đường tu học như nhắn nhủ dặn dò ân cần cho hàng xuất gia ngày 27/11/2021, chỉ ít ngày trước khi Hoà thượng Đệ nhất Phó Pháp Chủ được Hội đồng chứng minh TW Giáo hội cử làm Quyền Pháp chủ trong phiên họp đặc biệt mới đây tại Chùa Vĩnh Nghiêm.
Hoà thượng chia sẻ kinh nghiệm tu học, kỷ niệm với Hoà thượng Pháp Chủ... Bài nói chuyện thẳng thắn, có đề cập đến thùng phước sương ở chùa. “ HT Pháp Chủ vào chùa từ 5 tuổi, mất năm 105 tuổi, tu 100 năm và chuyên tu. Chùa Viên Minh tìm khắp chỗ không có thùng phước sương. Pháp Chủ đã nói: ở đây không có tiền, chỗ an lành”. Tiếp tục hoài niệm: Pháp Chủ không có xe, dự giỗ tổ ở Nam Định về Chùa phải nhờ xe, xuống lại đi bộ mười mấy cây số đường khó khăn mới tới Chùa Viên Minh trên đê sông Hồng, Hà Nội. Giáo hội dành phòng riêng cho Pháp Chủ ở Chùa Quán Sứ nhưng Ngài không dùng vì sợ tổn phước”. Bài nói chuyện tập trung nói về phước, tích phước, tiết kiệm phước. Đệ nhất Phó Pháp Chủ phê phán: “ Nhiều chùa tu hành không biết được bao nhiêu mà la liệt thùng phước sương, phước thiện, thùng công đức... Có chùa chỗ nào cũng để thùng gây khó xử cho thiện tính hành hương khiến nhiều người phải đổi tiền lẻ bỏ mọi nơi cho đồng”.
Đấy là thực tế nhức nhối ở mọi nơi, không thể lẩn tránh. Nhiều chùa thùng tiền ở chính điện, mọi chỗ có lư hương, ra ngoài đến thánh tượng Quan Âm. Chưa hết, dịp lễ tết lại bày bàn ghi chép cúng dường ngay trước cửa, bảng kêu gọi đóng góp xây dựng chữ lớn kèm các tài khoản nhận tiền... Thành ra đi chùa không khác đi chợ. Nào đã hết, phòng phát hành kinh sách, bán vật phẩm phật giáo cũng là một nguồn thu. Câu “ tu không biết bao nhiêu mà bày thùng la liệt” của HT Phó Pháp Chủ ( Nay là Quyền Pháp Chủ) thiệt chí lý. Không phải là không có, nhưng số chùa không có thùng phước sương như Chùa Viên Minh chắc không nhiều.
Nhà chùa bố trí thùng phước sương cho bá tánh cúng dường xưa nay là sự thường để phật tử tùy hỷ thể hiện tấm lòng. Nhà chùa không phải ở đâu lúc nào cũng có điều kiện lao tác tự túc như thời xưa. Thùng phước sương hỗ trợ tăng ni trong đời sống, làm từ thiện, chi tiêu trăm thứ ở thời buổi thị trường hoá. Nhưng lạm dụng bày bố la liệt thùng tiền khắp nơi ở thiền môn là phản cảm và ảnh hưởng sự tu học của tăng ni, đạo tràng.
Nhiều chùa rơi vào đời sống tiện nghi đòi hỏi chi tiêu nhiều: máy điều hoà, tủ lạnh, ti vi, máy tính, ô tô, xe máy.... Chùa quê heo hút mà hoá đơn tiền điện tháng mấy triệu nghe hãi nhưng có thật. Ô tô, nhà xe, văn phòng không khác cơ quan nhà nước. Trang bị camera không phải một chỗ. Chùa Phật Quang ở Rạch Giá cứ như cảnh trong fiml điệp viên 007: nhiều tầng chồng chất như mê cung, phòng ốc như tổ ong, camera khép kín cùng hệ thống đèn và cả phòng kỹ thuật vận hành. Có sự kiện, chư tăng kè kè máy bộ đàm rải khắp nơi như...FBI nhìn rất hãi. Thượng toạ Minh Nhẫn trú trì tự hào tuyên bố: tôi ở bên Mỹ vẫn như đang ở chùa- tức điều hành quan sát từ xa. Làm sao một thùng phước sương có thể đủ nhu cầu chi tiêu như thế? Cả một tổ hợp như mê cung. Điều này không khó kiểm chứng nếu đến một địa chỉ ở phường Quang Trung TP Rạch Giá, Kiên Giang hỏi Chùa Phật Quang. Trong ấy còn có cả phòng thu hình cùng ê kíp làm truyền thông mà theo một tiết lộ ngốn chừng 400 triệu VNĐ/ tháng. Chùa có nhiều ô tô, dàn xe truyền thông xếp dài....
Nếu nhà bếp cho tăng ni phật tử ở Chùa Liên Hoa ở An Trạch, Đông Hải, Bạc Liêu hẩm hiu bao nhiêu thì cách đấy một chút, phòng khách VIP dành cho khách Giáo hội hay cán bộ lãnh đạo không thua khách sạn có sao, mát lạnh, sang trọng. Mỗi tháng riêng nhà khách này cần chi bao nhiêu tiền?
Chùa Phước Điền ở Núi Sam không phải chỉ có một phòng kinh sách vật phẩm phật giáo kinh doanh ra kinh doanh. Chùa bé chỉ có tủ kính nho nhỏ như ở Chợ Đêm. Chùa Vĩnh Nghiêm có cả Nhà hàng chay phía trước với giá đỉnh cho bữa chay.
Quan Âm Phật Đài ở Bạc Liêu là một quần thể kinh doanh chuyên nghiệp với các gian hàng san sát như hội chợ ở bên ngoài và la liệt thùng tiền bên trong. Khi gặp Hoà thượng Huệ Trí Trưởng ban trị sự phật giáo Bạc Liêu ở Văn phòng dãy Đông lang Thiền viện Quảng Đức Saigon, ngài mở laptop: mọi hình ảnh khu vực, gồm các nơi phật tử cúng dường từ biển Nhà Mát Bạc Liêu hiện lên rõ mồn một, hiện đại tân kỳ không thua cách quản lý của thượng toạ Minh Nhẫn ở Chùa Phật Quang tỉnh bạn.
Nhiều chùa tổ chức khai thác du lịch tâm linh đưa phật tử đi xa, như Miền Tây đi Miền Trung, Miền Bắc. Ngoài Bắc có chùa khai thác tua đi Ấn Độ và các nước khác. Nhiều thùng phước sương cũng không thấm vào đâu bởi nhu cầu tài chính của nhà chùa. Mùa dịch, nhiều chùa linh hoạt tổ chức viếng chùa trực tuyến và cúng dường online. Riết dù mộ Đạo, nhiều bà con ngại đi chùa, dị ứng khi chùa không khác chợ.
Ngày nay ở VN, xứ sở đang phát triển, nghèo, chuyện nhà sư đi bộ hay xe đạp hiếm, chùa nào cũng bê tông hoá điện khí hoá cơ giới hoá, khát tiền là tất yếu.
Cho nên bài nói chuyện còn mới tinh của HT Thích Trí Quảng nghe đi nghe lại thấm thía, càng tiếc nhớ Cố Pháp Chủ: chùa không xe, không thùng phước sương, không tiền, an lành.
Một trăm lẻ năm tuổi, một trăm năm tu hành và chỉ có tu mà thôi.
Nam mô a di Đà Phật.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về CUỐI MÙA ĐÔNG NGẪM VỀ THÙNG PHƯỚC SƯƠNG Ở CHÙA.