Cách đặt vấn đề này theo lối tư duy Mác xít: mọi sự vật hiện tượng, hết thảy tồn tại khách quan phải có cơ sở vật chất của nó nếu không sẽ rơi vào duy tâm, siêu hình. Vật chất quyết định ý thức, vật chất có trước ý thức có sau. Mọi đảng viên phải thuộc nằm lòng nhận thức triết học duy vật này từ khi nhập môn làm cộng sản.
Vẫn theo lối nghĩ này: nói đến chủ thể A, nhất thiết chủ thể phải nhìn thấy, tồn tại, cân đo đong đếm được cụ thể, nhận thức phản ánh được bằng các giác quan dù A đấy là một người, một quyển sách, chiếc ô tô hay một quốc gia, trường phái, một đối tượng khoa học hay một tư tưởng...
Một người chết: ngừng thở, các dấu hiệu sinh tồn không còn qua kết luận của bác sĩ, sự sống kết thúc, hết. Còn chăng là sự phân hủy của xác người, một quá trình sinh - hoá thuần túy. Mọi mô tả, quan niệm, niềm tin về linh hồn, các cõi sau sau khi có giấy chứng tử đều không có cơ sở khoa học, hay nói khác, không có cơ sở vật chất. Mà thiếu cơ sở vật chất trong một thế giới vật chất có nghĩa rằng không tồn tại, không có. Từ nhận thức này sản sinh một câu trứ danh của chủ nghĩa Mác: tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng.
Đạo Công giáo tin vào Thiên Chúa và Thánh Thần, sự sống đời đời, vào sự cứu rỗi .... Đạo Phật nhìn thế giới, các thế giới gồm các cõi tồn tại do nghiệp lực, phước báo của nhân sinh, sự sống trường diễn trong vòng luân hồi, sự tu hành thoát luân hồi nhập niết bàn, hết sinh diệt, đạt đến cảnh giới tuyệt đối như Phật. Tuy khác biệt căn bản, song hai tôn giáo và mọi tôn giáo đều gặp nhau ở chỗ nhìn nhận chắc chắn rằng chết chỉ là kết thúc một đời sống, đồng thời mở ra đời sống khác, một đời sống không hội các “ tiêu chí” của sự tồn tại như có viết ở phần trên. Đời sống đấy với Mác, Ăng ghen, Lê Nin, Mao, HCM, Pon-pot...không hề có, thuần túy ảo ảnh ảo giác, nhiễu loạn nhận thức của con người tạo ra, tức chỉ “ có” trong đầu óc ai đấy tin theo cách chủ quan. Các khái niệm Thánh Thần, địa ngục, thiên đàng, siêu thoát... với những người cộng sản chỉ là các khái niệm rỗng “ thiếu cơ sở”, đấy là khi họ cố nói lịch sự về tôn giáo.
Cho nên, về nguyên tắc, ở các xã hội cộng sản tôn giáo không được nhìn nhận, sự tồn tại của tôn giáo dưới mắt Đảng điển hình cho sự lạc hậu, mù quáng, mê muội, không ..tiến bộ cần được kiên trì tuyên truyền giải thích vận động chuyển hoá sao cho tôn giáo giác ngộ Chủ nghĩa Mác, yêu CNXH thay vì niết bàn hay cõi cực lạc hoang đường nào đó. Đảng có tôn giáo vận từ thời khởi nguyên lịch sử tổ chức.
Trên lập trường triết học ấy, sự hoà hoãn vuốt ve muốn cho thấy dường như có đổi mới tư duy coi trọng, nhìn nhận tôn giáo diễn ra ở VN sau khi LX và Đông Âu sụp đổ chỉ thuần túy biện pháp chính trị do thời thế, Đảng mất quá nhiều hậu thuẫn chính trị- kinh tế, buộc phải tìm ở tôn giáo sự hoà hoãn ngơi đấu tranh nhằm tranh thủ lợi dụng như một lực lượng chính trị, thực chất chẳng phải đổi mới chi, thủ đoạn. Về bản chất, luận điểm đồng nhất tôn giáo và ma túy không hề suy suyển. Cũng như họ từng bức hại đẩy hàng vạn đồng bào ra biển tìm đường sống, rồi khi nhận ra Việt Kiều ở hải ngoại đồng nghĩa khối tài nguyên mầu mỡ ngoại tệ, Đảng không ngại tung chiêu lấp lấy mấy chữ “ Việt Kiều yêu nước” thay cho từ chết chóc đã dùng khi đẩy họ đi rồi truy bức trên biển: vượt biên, phản quốc.
Với Mác và đồ đệ, tôn giáo hoặc công khai, hoặc ẩn tàng một lực lượng phản động chống Đảng, trước nhất về tư tưởng. Tôn giáo có khoảng cách xa xôi với cộng sản nếu không nói vô cùng đối lập. Tôn giáo, qua góc nhìn Mác xít không hề tồn tại, các Cha và thầy chùa dùng ảo tưởng lừa mị giáo dân, phật tử. Bây giờ, ở VN, họ không công khai nói như vậy, nhưng vẫn nghĩ vậy và luôn nghĩ vậy, tin vậy.
Vậy tôn giáo có tồn tại không? Cơ sở vật chất của tồn tại ấy là gì?
Giới khoa học từ lâu đã dày công nghiên cứu về linh hồn, các hiện tượng tâm linh. Tác giả bài viết này từng đọc tài liệu chuyển ngữ công trình nghiên cứu linh hồn ở Âu Châu trong một ấn bản thời VNCH- một chế độ có niềm tin tôn giáo. Thời cộng hoà, ở Miền Nam, phim ảnh, sách báo, nghệ thuật về tâm linh, ma quỷ xuất bản, biểu diễn công khai. Fiml kinh dị tiền phong ở VN “ Lệ đá” là một ví dụ. Điều này cũng bình thường ở mọi xã hội dân chủ, văn minh, thừa nhận tôn giáo, những xã hội không Mác – bên cạnh sinh hoạt tôn giáo tự do như một nét đẹp thánh thiện trong xã hội. Sau 1954 ở Miền Bắc, sau 30/4/1975 ở Miền Nam, mọi đề cập như vậy bị coi là duy tâm, mê tín dị đoan, phạm pháp. Nhà sư, linh mục bị coi không phải lao động trực tiếp như dân cày, thợ rèn..nên đương nhiên không cao quý bằng trong thứ hạng tôn ti trật tự XHCN. Ở CPC thời Khmer đỏ, Pon- pol đã áp dụng “ chuẩn” đánh giá này trong xã hội do ông ta lãnh đạo. VN, TQ, Liên Xô, Triều Tiên, Cu Ba, Anbani, Rumani, Tiệp, Đông Đức, Ba Lan... cũng vậy, nhưng ở các mức độ khác nhau tùy hoàn cảnh, do ý thức hệ bị chi phối coi cây búa và chiếc liềm là số một, thánh giá chuông mõ không có giá trị gì ngoài tác hại lớn lao, nguy hiểm về chính trị.
Từng bước, chủ nghĩa Mác lung lay ngay trong đầu óc đảng viên trước hiện thực rộng lớn của đời sống. Người ta chú ý sự ầm ĩ của hiện tượng các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ, sự nổi tiếng của cô Bích Hằng một thời ở Miền Bắc. Xuất hiện cụm từ “ cận tâm lý” để “ ngâm cứu” trước các hiện tượng bị cho là kỳ lạ như gọi hồn, hầu đồng...nhằm xoay xở tìm cách kiến giải theo lối của Đảng luôn tự xưng đỉnh cao trí tuệ, minh tường mọi thứ. Nghĩ kỹ, chuyện này tức cười. Các trí thức XHCN, do qui định của ý thức hệ vô thần duy vật thô thiển, càng rõ ở đảng viên thiếu căn bản trình độ văn hoá, họ vô cùng khó tiếp cận nhận thức tôn giáo – chưa nói đến niềm tin- những hiểu biết của Phật giáo về thần thông, hiệu dụng của trì trú, chiêu cảm, vong...hoàn toàn xa lạ với nhận thức Mác xít, không có cơ sở khoa học. Ngày nay, trước “ tình hình mới” Đảng cố mò mẫn muốn giống thiên hạ trước những gì vốn có và gọi đấy là nghiên cứu, cùng lúc Đảng chăn bồi đào tạo hàng loạt đảng viên có trình độ tiến sĩ về tôn giáo để quản lý các cha các hoà thượng cùng tín đồ trong các cơ cấu như dân vận, an ninh, nội vụ, mặt trận.
Khác biệt quá lớn khó thể dùng chiếc cân của Mác- vốn sắt đá không thừa nhận tôn giáo- để cân đo tôn giáo, chỉ ra “ cơ sở vật chất của tôn giáo”. Khi nói cơ sở vật chất của một đơn vị quân đội gồm doanh trại, khí tài, đất đai, binh sĩ.... Thử dùng lối ấy: cơ sở vật chất của tôn giáo là hàng vạn nhà thờ nhà chùa, hàng vạn tu sĩ, trường học, hàng triệu tín đồ khắp năn châu, lịch sử nghìn năm...
Đấy chỉ là một cách nói, thực ra có nhiều giá trị bạn chỉ có thể cảm thấy chứ không mô tả được nói chi cân đo đong đếm, như tình yêu, nỗi nhớ, nghệ thuật. Tâm linh cao siêu, một thăng hoa của nhân loại càng không thể mô tả lượng giá cách phàm phu. Nhiều người biết câu kinh điển trong cổ học của Lão Tử: Đạo mà mô tả được thì không còn là đạo.
Các đồng chí bần cố nông nhất thiết chỉ tin vào mọi sự tồn tại nếu chứng minh cơ sở vật chất của nó khi đề cập tôn giáo, kiểu như phải nói cho được cõi niết bàn ở số mấy, đường gì, xã phường nào, quả thực..bó tay, vì tâm linh không phải vậy.
Về chuyện này, tôn giáo, Mác vụng về....
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA ĐẠO PHẬT.