An ninh chỉ tình trạng an toàn, mức độ an toàn xã hội hay cá nhân, cộng đồng, quốc gia và thế giới. Từ an ninh có trường nghĩa rộng: an ninh quốc gia, an ninh khu vực, an ninh quốc phòng, an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh mạng, an ninh cá nhân....
Lực lượng thẩm quyền về an ninh của nhà nước bao gồm nhiều cơ quan cho từng lĩnh vực bao gồm cảnh sát, quân đội, tình báo.... Lực lượng đảm bảo an ninh luôn có sức mạnh lớn lao, vai trò quan yếu.
Thời VNCH có các từ về an ninh: an ninh quân đội, an ninh Phủ Tổng Thống... Ngày nay ở VN, từ an ninh dùng nhiều hơn hẳn: an ninh nhân dân, tổng cục an ninh, thế trận an ninh...
Khi người ra nói “ chỗ này mất an ninh” có nghĩa tội phạm nhiều, không an toàn; và ngược lại khi nói “ vùng này có an ninh”. Thời VNCH, khi nói “ vùng mất an ninh” tức khu vực Chính quyền Sài Gòn mất kiểm soát.
Con người sống có nhu cầu, trong đó nhu cầu an ninh quan trọng, thiếu an ninh đời sống bất an cho dù dư thừa vật chất khó hạnh phúc khi mất trộm thường xuyên, bị cướp đe doạ, khủng bố....
Xã hội ngày càng phức tạp, an ninh nổi bật thành nan đề bức bối nhìn từ mọi phương diện: an ninh đời sống, xã hội, đến an ninh quốc gia và toàn cầu. Mở tờ nhâth báo bất kỳ, an ninh luôn là chủ đề chính từ án hình sự gia tăng đến khủng bố, chạy đua vũ trang; từ quấy nhiễu riêng tư đến bắt nạt trên mạng....
Do nhu cầu an ninh ngày càng quan trọng, khi mua bán giao dịch bất động sản luôn xem chỉ số an ninh là điểm cộng có giá trị: nhà đất gần trung tâm đô thị, gần cảnh sát, an toàn luôn được đánh giá cao khi thương thảo giá cả.
Sống có bảo đảm về an ninh sẽ nhẹ nhàng hạnh phúc và ai cũng mong cầu điều đó.
Trong khi đó, cho dù cùng chia sẻ thành tố ngôn ngữ “ an”, song “ an lạc” của nhà Phật lại khác nhiều. An trong an lạc thuộc về tâm, an lạc có nghĩa tâm tịch tịnh hoan hỷ hạnh phúc, niềm hạnh phúc của giải thoát khỏi tục lụy thế gian ô trược, đấy là trạng thái hạnh phúc của tu sĩ Phật giáo do công hạnh tu hành mà đạt được ngay ở kiếp sống hiện tại ở cõi vô thường đầy hỉ nộ ái ố tham sân si.
Cửa thiền thường nghe lời chúc an lạc, đấy là ngôn từ hợp cảnh tu hành. Ai tu cũng mong an lạc và tu học miên mật tinh tấn để có an lạc.
An lạc của chư tăng ni phật tử đạt ngay cõi sống vô thường do công phu tu học mà có: buông bỏ, tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả, thấu triệt giáo lý, nhận chân lẽ vô thường sinh hoại dị diệt, nhận ra các quy luật tất yếu của đời sống và thân tâm, nắm vững ý Phật, giác....
An ninh thế gian cần hội các điều kiện như sức mạnh nhà nước kiểm soát trị an, tội phạm ít, đời sống an toàn. An lạc của tu sĩ Phật giáo khác: ngay trong môi trường bất an, tâm tu sĩ đạt ngộ vẫn vững vàng tìm thấy an lạc trong sáng suốt và thiền định. Tu sĩ biết lẽ sinh diệt còn mất là sự thường, hỉ nộ ái ố cũng thế, tâm viên ý mã cũng vậy, tâm không dính mắc vào nhiễu đông trần thế, an lạc ngay trong bất an của thế gian, an ở tâm, lạc ở tâm. Người tu không vô tri vô giác, song hành giả đối cảnh vô tâm không tác ý thành ra có an lạc.
Không kể quấy nhiễu, tội phạm, ngay trong ngọn lửa đỏ lịch sử, bậc chân tu Thích Quảng Đức vẫn toạ thiền an lạc...
Như thế không có nghĩa nhà Phật không coi trọng an ninh, không mong cầu bình an, cửa thiền luôn nguyện chúng sinh thế gian được an, chuyển hoá mâu thuẫn để có hoà bình, an ninh. Ý tứ muốn nói khác biệt đời đạo trong khái niệm an ninh và an lạc, một đằng cần điều kiện bên ngoài để an, một đằng dựa vào tâm để an.
Nhưng xét cạn lẽ, nếu ai cũng tu cũng giác, an lạc từ tâm sẽ gắn bó với an ninh bên ngoài, cảnh giới đạt ngộ của hành giả và thế gian gắn kết hoà quyện, hạnh phúc.
Âu đấy chính mong ước của muôn loài.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về AN NINH và...AN LẠC.