Trong những năm gần đây, giới tín đồ Phật tử hưởng ứng lễ Noel rất nhiều, chẳng những thế mà còn có các Tăng Ni bàng quang với vận mệnh Phật giáo, không những cổ xuý Phật tử ăn mừng lễ Giáng Sinh mà còn nhắn tin chúc mừng nhau rất nhiệt tình, đau hơn là còn tới nhà thờ hát ca ngợi Thiên Chúa hay tổ chức ăn Noel trong nhà chùa để tỏ ra mình vô chấp. Nhưng điều ấy chỉ làm bậc thức giả chê cười vì ngày lễ Phật Đản Sanh, Thành Đạo và Niết Bàn họ chẳng hề xông xáo đến vậy, bởi chỉ luôn mở miệng “Phật tại tâm”. Nhất là trong lễ Noel vừa qua, các trang cá nhân của vài Tăng Ni còn đăng tin chúc mừng, thay đổi ảnh bìa và ảnh đại diện với tiêu đề “ Chúa với Phật là hai anh em”. Tuy nhiên, đó chính là bọn tặc trú trong chốn thiền môn, chỉ nhằm đổi chút hư vinh tán dương của ngoại đạo. Bởi họ hoàn toàn thuyết giảng sai lệch giáo pháp.
Theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa, Phật dạy:” Y pháp bất y nhân”. Căn bản nhất trong giới luật Phật chế là Tam Quy. Muốn giữ được Tam Quy phải gìn Tam Kết. Đó là:” Quy y Phật rồi, không quy y trời, thần, quỷ, vật; Quy y pháp rồi, không quy y ngoại đạo, tà giáo; Quy y Tăng rồi, không quy y nhóm ác, bạn dữ”. Cho nên, không có bất cứ lý do gì để người Phật tử ăn ké lễ Noel, huống chi là những Tăng Ni Phật tử mặc lên người bộ đồ ông già Noel mà không biết hổ thẹn. Bởi chính họ đã gieo hạt giống ngoại đạo.
Sở dĩ ngày nay trong giới trẻ thanh thiếu niên Phật tử phá vỡ Tam Kết đều do y cứ vào lời dạy của các vị danh Tăng trong và ngoài nước mà không hề cân nhắc. Bởi một lời dạy nào đó chỉ đúng trong một bối cảnh, thời điểm và đối tượng nhất định. Lễ Noel là văn hoá của Phương Tây, cho nên chư Tăng Ni Phật Tử ra nước ngoài hành đạo có thể tuỳ duyên uyển chuyển, còn nếu đem ứng dụng vào Việt Nam khác nào nối giáo cho giặc, tự cải đạo tín đồ Phật giáo trong nước, bởi bài học pháp nạn Phật giáo năm 1963 vẫn còn. Và ngoại đạo chưa hề từ bỏ dã tâm đồng hoá và xoá sổ Phật giáo Việt Nam. Những ai kêu gọi hoà hợp tôn giáo đối với tín đồ Phật tử mà bỏ qua lịch sử truyền giáo đẫm máu của Công Giáo La Mã về tội ác Thập Tự Chinh, Bảy Núi Tội Xưng Thú hay đối với Phật giáo và dân Việt Nam trong quá khứ thì đó chính là tội đồ của dân tộc.
Trước khi quý vị trách chư tôn đức Tăng Ni đang ra sức lên tiếng bảo vệ Phật tử khỏi rơi vào tà kiến đồng hoá với ngoại đạo là tu hành mà còn đố kỵ, chấp trước và chia rẽ đoàn kết thì hãy đọc lại lịch sử bi hùng của Phật giáo Việt Nam và dã tâm của ngoại đạo những năm 1963. Tại sao Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu? Đã bao vị Thánh Tử Đạo hy sinh và bao nhiêu xương máu của Tăng Ni Phật Tử đổ xuống để giữ gìn mạng mạch Phật pháp.
Đừng y cứ vào lời dạy của HT. Nhất Hạnh kiểu:” Chúa với Phật là hai anh em” ở trời Tây hay HT. Tịnh Không nói Chúa Giê Su là hoá thân của Phật Thích Ca ở Ấn Độ và Bồ Tát Quán Thế Âm, còn Đức Phật là hiện thân của chúa Giê Su, hoặc ngài Ajahn Chah nói:” Lễ giáng sinh là ngày Thiên Chúa Phật Pháp." Ai thực hành đúng thì họ đã thực hành "Phật Đà Thiên Chúa Giáo". Cũng có người y cứ vào lời dạy kêu gọi từ bi của Đức Đạt Lai Lạt Ma để có cớ ăn ké lễ Noel. Than ôi! Từ Phật giáo Nguyên Thủy, Đại Thừa, cho đến Kim Cang Thừa, những vị có tầm ảnh hưởng đều nói vậy thì bảo sao Phật giáo đồ không lung lạc. Họ ăn mừng Noel đến vô liêm sĩ, bởi ngày lễ Phật đản có quý tu sĩ hay tín đồ ngoại đạo nào chúc tụng họ không? Rồi nhà thờ hay giáo dân có đem tượng Phật đản sanh vào chỗ họ không? Mà Phật tử là trang hoàng cây thông Noel hơn cả Tết cổ truyền. Nghĩa là họ chỉ biết “y nhân chứ không hề y pháp”.
Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: “ Thị Pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”. Nghĩa là các pháp tự đứng yên nơi bản vị của nó, bản chất thế gian đều trống rỗng. Cho nên những ai chủ trương “ Chúa” với “ Phật” là một, có thể sánh ngang hàng nhau, giác ngộ như nhau, là hoá thân của nhau đều là tà kiến. Vì đứng trên mặt sự đã sai lầm. Vì Phật là đấng giác ngộ vô thượng, còn Thiên Chúa chỉ là chúng sanh trong cõi trời Dục Giới ( trời Phạm Thiên) không thể đồng đẳng với Đức Phật, dù Phật tánh bình đẳng.
Quan niệm “ Thánh Linh” của Thần học Ki Tô Giáo là tư duy hữu ngã bởi họ tin có đấng sáng tạo và cứu rỗi. Còn Phật Tánh là bản chất vô ngã, vô ngã sở, hoàn toàn vắng bặt cả tâm, pháp thì làm sao đồng nhất? Cho nên những ai chủ trương Phật Chúa đồng đẳng chính là tà kiến, hoàn toàn không giác ngộ chi cả. Không những vậy, đó còn là chiêu bài chính trị để lôi kéo tín đồ Phật giáo.
Thiết nghĩ HT. Nhất Hạnh vì truyền bá Phật giáo tại Phương Tây nên tuỳ thuận văn hoá bản địa. Còn chư Tăng Ni làng mai đem điều ấy áp dụng vào Việt Nam, đến nay vẫn còn cổ xuý, chỉ làm rối ren cho đạo pháp, bất lợi cho Phật giáo và dân tộc. Khác nào “ Cha làm thầy, con đốt sách”. Đó là cái nhìn thiển cận “ rước voi về giày mã tổ”.
Đối với Chư Tăng Phật tử Phật giáo Nguyên Thuỷ, tại sao ra sức phản bác Phật giáo Đại Thừa, xem chư Phật Bồ Tát đại thừa là Bà La Môn ngoại đạo, nhưng lại đi rước ông già Noel vào chùa, chẳng quên chúc mừng “Merry Christmas", khác nào “ khôn nhà dại chợ”. Chỉ biết chạy theo ngoại đạo với chiêu bài kêu gọi đoàn kết tôn giáo mà không chịu hoà hợp trong nội bộ Phật giáo. Có phải tự mình mâu thuẫn?
Chiêu bài Phật Thích Ca là hoá thân thứ 9 của thần Vinush của Bà La Môn Giáo đã được sử dụng để đồng hoá Phật giáo tại Ấn Độ, do Hindu chủ trương. Chẳng thể khinh suất!
Dù Ma Vương có hoá thân thành Đức Phật thì vốn dĩ vẫn là ma vương. Chẳng vì vậy mà ma vương sánh ngang hàng với Phật và đệ tử Phật phải thờ lạy ma vương.
Nên việc HT. Tịnh Không chủ trương thế giới đại đồng bằng cách Phật Chúa lẫn lộn là điều không thể chấp nhận. Nếu HT. Tịnh Không làm gương cho tín đồ tịnh độ tông ăn mừng Noel khác nào xui họ gieo nhân ngoại đạo, tương lai ắt sẽ tái sanh vào xứ của ngoại đạo, chứ làm sao vãng sanh cực lạc? Càng bậy hơn khi cho rằng Niệm Chúa vẫn sanh về cực lạc vì Chúa Giê Su đã thành Phật ở cõi Tây phương. Đó là tà thuyết phi kinh điển! Ôi, buôn ba năm lỗ một giờ!
Thiết nghĩ, tư tưởng tịnh độ ủy thác hoàn toàn vào Phật A Di Đà không cần nhất tâm do HT. Tịnh Không xiển dương tuy dễ dàng được chấp nhận nhưng nếu đại chúng quay lưng lại với lời dạy:” Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” trong Kinh A Di Đà, hoặc lý “duy tâm tịnh độ” ắt sẽ dễ rơi vào cực đoan, khác nào chủ trương thần ngã của ngoại đạo?
Cho nên Phật Hoàng Trần Nhân Tông dạy:” Ba nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây Phương”. Phật giáo Việt Nam là Thiền Tịnh Mật viên dung, về bản chất viên đốn, về phương tiện lợi sanh chẳng hề chống trái. Nên không thể xem đó là tạp tu, rồi chỉ biết duy nhất Phật A Di Đà hay kinh Vô Lượng Thọ. Khác nào khiến cho Phật giáo nhanh chóng rơi vào mạt pháp?
Riêng Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài luôn kêu gọi thông điệp hoà bình, bất bạo động và chấp nhận đa nguyên trong tinh thần từ bi của đạo Phật. Điều đó không sai với vị trí của ngài vì mặt ngoại giao chính trị vì tương lai Tây Tạng, cũng như phổ cập Phật giáo đến ngoại đạo. Tuy nhiên, những Phật tử bình phàm theo truyền thống Kim Cang Thừa dựa vào đó để ăn mừng Noel khác nào vá họa cho Ngài. Bởi quý vị có đủ đức độ vào nhà thờ làm lễ và trao khăn cát tường cho các tu sĩ ngoại đạo như Ngài?
Ngay cả tại Việt Nam, chư tôn đức GHPGVN chúc mừng lễ Giáng Sinh là vì trách nhiệm xã hội. Những Phật tử nào dựa vào đó ăn mừng Noel là vô lý. Chưa kể vài cá nhân Tăng Ni qua nhà thờ ca hát chẳng màng giới luật, đem hàng tấn cá đến biếu nhà thờ trong đợt dịch hoặc chấp nhận cho các Ma Sơ vào chùa hát thánh ca chúc mừng Noel. Hay chỉ vì những phần quà từ thiện mà đồng ý cho họ tổ chức Noel trong chùa.
Từ sự vô minh y cứ vào những tri kiến sai lầm, cho đến phụ thuộc quyền lực mềm bởi truyền thông hay lợi ích trước mắt vô tình đã biến tín đồ Phật tử thành những đứa con hoang, tự chuyển biến. Đó là nguy cơ cải đạo và thiểu số hoá Phật giáo không chỉ sau việc kích cầu lễ Noel mà họ còn tiến tới hợp thức Tết Dương Lịch.
Nếu không giữ được Tết Nguyên Đán, chẳng chấn hưng Phật giáo kịp thời để giữ gìn văn hoá dân tộc thì nguy cơ pháp nạn Phật giáo sẽ tái diễn là điều sớm muộn. Nhất là khi các Tăng Ni Phật tử coi lịch sử Phật giáo chỉ là những trang giấy chết, không hề liên quan đến hiện tại. Trong khi ngoại đạo luôn bành trướng bằng mọi chiến lược và tấn công truyền thông Phật giáo bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
Noel chỉ là một thú vui tạm bợ. Nếu không từ bỏ được chút niềm vui thế tục đó thì nói gì đến giải thoát hay vãng sanh tịnh độ trong khi Tam Quy chẳng tự giữ. Là Phật Tử chỉ biết đến chùa khi hữu sự còn quay lưng lại với tiền đồ của đạo pháp và dân tộc, tiếp tay cho ngoại đạo đồng hoá Phật giáo thì tương lai dân tộc sẽ đi về đâu? Khác nào kẻ “ vui đâu chầu đó!”.
Bài học lịch sử Tháp Báo Thiên, Chùa Lá Vằng, Quốc Ân Khải Tường vẫn còn giá trị, sao không ôn lại để hậu lai còn có cơ hội phục hồi? Nếu nói đòi lại các cơ sở ấy là chấp ngã vì không rõ lý vô thường thì chẳng lẽ Đức Anagarika Dharmapala đòi Hindu giáo trả lại Tháp Bồ Đề là vô lý?
Xin đừng nhầm lẫn giữa chân đế và tục đế. Đó là tà kiến cần phải loại trừ. Đã không giữ được Tam Quy thì không phải người Phật Tử chân chính.
Hình ảnh thêm về 24.12 VÀ NHỮNG CĂN CỨ SAI LẦM PHÁ VỠ TAM QUY