Chữ duyên thuộc về khái niệm phật học căn bản, lại ứng dụng phổ biến trong ngôn ngữ từ hàn lâm bác học đến dân gian ở Việt Nam. Chữ duyên đã góp phần đưa phật pháp đến gần đời sống bao gồm đời sống tư tưởng, văn chương, đạo đức, tâm linh... Chữ duyên khiến phật giáo gần gũi với nhân quần, đại chúng hoá Đạo Phật.
Nội hàm của chữ duyên vô cùng sâu sắc, tinh tế, lấp lánh giá trị phật pháp.
Ở đây lạm ngôn tản mạn một chút qua góc nhìn sơ cơ, về chữ duyên.
Về ngữ nghĩa, có một tập hợp trường nghĩa của chữ duyên trong vốn từ Việt ngữ: duyên sinh, duyên khởi, duyên hợp, duyên tan; hữu duyên, vô duyên, tùy duyên...
Chữ duyên phật học được giới học thuật Việt Nam ngày nay xem là một biệt ngữ tôn giáo. Trong kinh điển phật giáo, chữ duyên chỉ một nội dung mang tính triết học nhìn nhận sự tồn tại, vận động, hình thành và tan rã của các chủ thể từ vật chất hữu hình đến tư tưởng vô hình, sự nhìn nhận lý giải theo cách riêng của Đạo Phật, một trong những giá trị mà Đức Phật giác ngộ được, sở đắc và truyền trao cho tăng đoàn. Nội hàm của chữ duyên phật giáo là một trong những quan niệm về con người, xã hội, thế giới, tư tưởng... khác biệt quan niệm tương đương của tôn giáo khác hay các trường phái triết học, có triết học duy vật.
Chữ duyên phật học chỉ ra rằng mọi sự vật và hiện tượng trong quá trình hình thành, tồn tại, tan rã đều tuân theo quy luật thoả mãn điều kiện cần và đủ, không thể sớm hay muộn hơn, ít hay nhiều hơn; bởi vì sớm hay muộn hơn, ít hay nhiều hơn dù một đơn vị nhỏ nhất cũng không hình thành, tồn tại hay tan rã một chủ thể cụ thể bất kỳ trong thế giới vật chất hay tinh thần. Nội dung này, duyên, mang tính biện chứng khoa học, khái quát và thuyết phục vì thực tế không thể khác.
Xét chữ duyên trong hiện thực đời sống rất phổ quát.
... Đơn giản như chuyện thưởng lãm một vở kịch ở nhà hát, bạn thử phân tích theo chữ duyên, thực sự không hề đơn giản: phải biết thông tin buổi diễn, sắp xếp được thời gian, sức khoẻ không có vấn đề bất thường, tổ chức buổi diễn thuận lợi, thời tiết.... Không phải bất kỳ dự định xem kịch nào cũng thực hiện được do vô số lý do, và hết thảy không ngoài chữ duyên.
Ngay với một sự vật hiện tượng đơn giản nhất cũng phải đủ duyên mới hình thành, tồn tại hay tan rã. Thuận duyên thì hình thành, nghịch duyên thì hoại diệt.
Một cây lúa hình thành từ hạt lúa, ươm mạ, nẩy mầm, gieo, thời tiết phân bón... đủ tháng ngày mới ra bông, kết hạt, thu hoạch phơi phóng xây xát thành gạo, thành cơm. Trên đồng ruộng mênh mông có bao nhiêu hạt lúa giống đi hết hành trình, tạo ra lúa ra cơm? Có bao nhiêu hạt giống gặp nghịch duyên kết thúc sớm đời sống trên đồng?
Để có mặt ở một ngôi chùa, thắp nén hương, nghe thời pháp, cũng phải hội đủ nhân duyên sâu xa. Tại sao bạn đến ngôi chùa này mà không phải ngôi chùa khác, nghe pháp thoại đề tài X chứ không phải Y? Đấy là duyên.
Có đủ nhân duyên mới có tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, đồng đạo... Tại sao bạn học trường này mà không phải trường khác, ngành này mà không phải ngành kia, tốt nghiệp không phục vụ ở A mà ở B? Vẫn không ngoài chữ duyên.
Dân gian lưu truyền thú vị biết bao ca dao tục ngữ về duyên, và đấy là thấm sâu phật pháp vào quần chúng, ví như: còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình – nói về tình cảm của người phụ nữ, duyên ở đây là nhân sắc, trị âm tương hợp, và rộng hơn có thể nói đến cả hoàn cảnh nữa?
Đoạn trường tân thanh, tức Truyện Kiều, không vận dụng ý tứ chữ duyên một hay hai lần, thì hào Nguyễn Du thấm nhuần chữ duyên trong thể hiện bi kịch Thúy Kiều, diễn trình nút thắt mở của truyện:
... Người ơi gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Quan hệ tình cảm Thúy Kiều- Kim Trọng không ngoài chữ duyên, duyên phận.
Người tu nhìn nhận quán chiếu dựa vào ánh sáng phật pháp biết được duyên khởi, hợp, tan, vô thường, biết tùy duyên không cố chấp, minh triết, chính tín. Vô minh sẽ loạn động không tường tính chất nhân duyên, thái quá trong tiếp nhận sự vật hiện tượng từ đời sống khách quan hay với chính mình.
Hết thảy do duyên, đời sống thiện lương tích cực tích lũy mầm thiện tạo duyên lành, tu học hành thiện chính là con đường ấy. Duyên lành, nghiệp lành. Nhà Phật, đến chùa lạy một lạy trước tâm bảo đã là duyên lành, đảnh lễ chư tăng, ni, nghe pháp, vẫn là duyên. Đức Phật tìm và ngộ Đạo là đại nhân duyên vô số kiếp kết tụ, không phải chỉ ở hiện tiền. Trong dân gian, theo quan niệm duy tâm, từ xưa đã thường đề cập đến duyên tiền kiếp, hay duyên tiền định, nhìn nhận sự vậ hiện tượng trong chiều kích thời gian – không gian vượt xa kiếp sống hiện tiền....
Trong đời sống cõi phàm, ý thức sâu sắc chữ duyên ta càng trân trọng những gì có được trong hạnh phúc tương đối: nhân duyên hội tụ nên tình bạn, khoảnh khắc tri âm, một món đồ vật dù nhỏ do cần lao lương thiện mà có, đủ nhân duyên chiêm ngắm bình minh rạng rỡ hay nghe, hiểu, giác từ một thời pháp hay...
Chỉ một chút xíu kinh điển Phật pháp bàn sơ luận vụng, đã mênh mông vậy.
Phật pháp quả thực nhiệm mầu, bất khả tư nghị- không thể nghĩ bàn theo lẽ phàm tình thô vụng.
Chia sẻ trên đường học Phật chút thu hoạch, nếu sơ suất lạm ngôn mong rộng lượng miễn chấp.
Nguyễn Thành Công.