1. Ba truyền thuyết
1.1 Những cái ‘missionary’ thời Asoka
Chuyện vua Asoka ở đế quốc Maurya (322–185 BCE) bên Ấn Độ thì độc giả ắt đã nghe qua, dù vậy, xin lưu ý rằng những gì ngày nay ta được biết ở vì vua này thì lấy từ hai nguồn:
35/39 ‘edict’ ghi bằng chữ Brahmi, một thứ chữ xưa có lẽ đã dùng từ thế kỷ 6–5 BCE cho tới thời đế quốc Gupta (320–600) thì trở thành những thứ chữ khác ngày nay vẫn dùng ở Ấn và Đông Nam Á.[2] Khi nhà sư Pháp Hiển (337–422) người Tàu qua Ấn học đạo thì dân bổn xứ ắt đã quên chữ Brahmi, chẳng còn ai đọc được ‘edict’ trên cột đá hoặc nhớ rằng những cây cột đó trồng từ thời Asoka, mà họ nói đó là những cây roi chăn bò của Bhima, tên hung ác có sức mạnh bằng 10,000 con voi trong chuyện Mahabharata.[3]
May sao, năm 1837, James Prinsep (1799–1840) đã có thể ‘decipher’ chữ Brahmi để đọc các ‘edict’, và George Turnour (1799–1843) nhận ra ‘vua Piyadasi’ trong các ‘edict’ chính là Asoka trong truyền thuyết Pali.3 Vậy nhờ Prinsep, Turnour, và các vị học giả khác người Anh chẳng nêu tên ở đây, mà vua Asoka mới ‘sống lại’ trong lịch sử Ấn Độ.
Dù sao, giữa ‘edict’ với truyền thuyết cũng có nhiều chỗ khác nhau, thí dụ: khi nào vua Asoka theo đạo Phật? ‘Edict’ ghi rằng sau khi chiếm được xứ Kalinga thì nhà vua ăn năn và theo đạo; ngược lại, truyền thuyết nói nhà vua theo đạo năm thứ 4 sau khi lên ngôi, mà chẳng nhắc chi tới cuộc chiến Kalinga.[4] Ở đây, ta suy luận rằng đánh chiếm Kalinga là nhiệm vụ mà Asoka sớm muộn gì cũng làm, cho nên nói nhà vua chiếm Kalinga xong rồi ăn năn và theo đạo thì chẳng hợp lý.4
Dưới đây là đôi dòng ‘tiểu sử’ vua Asoka, theo Charles Allen (1940–2020), một vị học giả khác người Anh.[5]
Tài liệu Pali nói rằng sau đại hội Phật giáo lần 3 ở Pataliputra do hòa thượng Moggaliputtatissa (c 327–247 BCE) điều hành, vị này liền gởi 9 cái ‘missionary’ đi truyền bá Phật giáo ở 9 nơi như hình 1.[6]
Hình 1. Ānandajoti Bhikkhu. (7)
Hình 1 cho thấy 9 nơi đó thì 7 nơi ở trong đất Maurya, 1 nơi kế bên là cù-lao Sri Lanka, và 1 nơi ở tuốt bên Đông Nam Á kêu bằng Suvannabhumi, mà phần đông học giả cho là vùng Bago–Mawlamyine ở Miến Điện ngày nay.6 Dù vậy, Suvannabhumi có thể là một nơi ở Bengal mà nhà sư Huyền Trang (602–664) người Tàu, khi thỉnh kinh bên Ấn, gọi là ‘Ka-lo-na-su-fa-la-na’ (Karnasuvarna), và cũng có thể là một nơi khác kêu bằng Hiranyavaha bên bờ phải sông Son, một nhánh của sông Hằng ở miền trung Ấn Độ.[8]
Người Mon ở Miến Điện từng ‘claim’ Suvannabhumi là vùng Thaton của họ, nhưng một vị học giả người Miến Điện cho rằng 9 nơi mà hòa thượng Moggaliputtatissa gởi ‘missionary’ tới đó thì không có Suvannabhumi, và, theo dữ liệu khảo-cổ-học, Phật giáo mới nảy nở ở Miến Điện trong những thế kỷ 1–10 thôi.[9]
Người Thái cũng ‘claim’ Suvannabhumi là một nơi ngay giữa xứ của họ ngày nay, gần Nakorn Pratom, cách Bangkok 50 cây số về phía tây.[10] Vua xứ Thái còn lấy tên Suvarṇabhūmi (tiếng Sanskrit, tức là Suvannabhumi trong tiếng Pali) đặt cho cái phi trường lớn nhứt bên đó, khai trương năm 2006.
Thực ra, chưa ai tìm thấy bất cứ tài liệu gì ở Đông Nam Á từ trước năm 1000 còn để lại, ghi trên giấy hoặc khắc trên đá, nhắc tới một nơi nào rõ ràng ở vùng này kêu bằng Suvannabhumi mà có ‘missionary’ tới truyền bá Phật giáo hồi thời Asoka, như tài liệu Pali đã ghi.[11]
Bởi vậy, đặt tên Suvarṇabhūmi cho một cái phi trường bên Thái, chẳng qua là ‘ý tưởng chánh trị’ (agenda) của người Thái mà thôi.11
Bên ta có một vị cho rằng Phật giáo đã truyền tới vương quốc Funan ‘dưới thời vua Asoka’ và vùng đất từ Óc Eo tới Nha Trang lúc đó cũng ‘thuộc về’ Funan,[12] song le, trước công nguyên chưa có ‘vương quốc Funan’ nào hết.
Tóm lại, chẳng có bất cứ bằng chứng gì rằng hồi thời Asoka Phật giáo đã truyền tới bất cứ nơi nào ở xứ ta ngày nay hết.
1.2 Phật giáo truyền theo đường biển khi nào
Một ‘truyện kiếp trước’ (purvayoga) ở Gandhari (Ấn Độ) kể rằng đức Phật từng là một người đi buôn trên biển; đàng khác, trong nhóm 12 cái ‘Phật điện’ nổi tiếng đục trong đá ở Aurangabad (Ấn Độ) hồi thế kỷ 6–7, thì điện số 7 có tạc hình Aṣṭamahābhaya Avalokiteśvara (Quan Âm) với 8 mối nguy mà vị bồ-tát này sẽ cứu cho thương nhơn khỏi bị mất mạng: thú điên, rắn độc, thú dữ, ma quỷ, bị người bắt, bị người giết, lửa thiêu, đắm tàu.[13]
Cao tăng truyện cho biết một số vị tăng đáp tàu buôn theo đường biển đi/về giữa Ấn với Tàu:
Hình 2. Lộ trình của Pháp Hiển.[14]
Có 3 điều giúp cho việc giao thương đường biển giữa Ấn với Đông Nam Á và Đông Á.[15]
Dù vậy, đi biển thời đó (tàu buồm) dễ bị đắm và lâu lâu mới có một chuyến chớ chẳng phải đều đều mỗi tuần một chuyến như mấy hãng CMA-CGM của Pháp hoặc Maersk của Đan Mạch ngày nay. Ta thấy các vị tăng đi 6 chuyến nêu bên trên thì có 3 chuyến gặp nạn khiến họ phải cầu cứu Quan Âm; riêng Pháp Hiển, trên đường về, gặp mưa to gió lớn, nhóm người Brahmin đi tàu sợ đắm đã toan thảy ông với mớ kinh Phật của ông xuống một cái cù-lao, may nhờ một người hành khách đem tên của vua Tàu ra dọa rằng ‘nị coi chừng bị đứt cái đầu nha’ nên họ mới thôi.[16]
Di tích khảo-cổ-học của giao thương đường biển ở Đông Nam Á thì nhiều lắm, độc giả coi thêm trên ‘internet’.
Tóm lại, sớm lắm cũng phải tới đầu thế kỷ 4 mới có tàu lớn qua lại trên biển giữa Ấn với Tàu, ngang Đông Nam Á, để cho các vị tăng yên tâm đi về giữa những nơi đó mà truyền pháp, học pháp.
1.3 Phật giáo truyền theo đường biển tới đâu
Giao thương có giúp cho việc truyền bá Phật giáo, nhưng Phật pháp không phải là món hàng để giao thương. Trên đường giao thương, các nhà sư sẽ gặp đủ hạng người, nhưng họ truyền pháp cho những ai muốn học pháp mà thôi, và đây thường là bậc vua chúa hiểu nhiều biết rộng; bởi vậy trong số người đầu tiên bên ngoài Ấn Độ mà ‘ngấm’ được lời Phật, chính là hai vì vua: Menander I ở Yavana (165/155–130 BCE) và Devanampiya Tissa ở Sri Lanka (247–207 BCE), chưa kể hai mẹ con nhà vua xứ Java được Guṇavarman truyền pháp. Đó là 3 thí dụ cho thấy Phật giáo truyền bá như sau:
nhà sư → vua chúa → dân gian.[17]
Nói nôm na, vua chúa cũng như một cái ‘gear’ phải có nó thì bánh xe ‘Phật pháp’ mới xoay. Điều đó ám chỉ rằng Phật giáo dễ truyền tới những nơi đã có vua chúa mà khó truyền tới những nơi chưa có vua chúa. Ta nghĩ coi. Nếu chẳng nhờ Tôn Quyền vua xứ Ngô am hiểu và bảo trợ thì nhà sư Khang Tăng Hội làm sao hoằng pháp ở xứ đó? Nếu chẳng nhờ Tống Văn Đế am hiểu và cho người mướn tàu qua Java mời đón thì nhà sư Guṇavarman làm sao truyền đạo bên Tàu?
Lâu nay học giới người Việt tưởng rằng Phật giáo truyền bá như sau:
nhà sư → dân gian
và tin rằng hễ có các nhà sư X, Y, Z tới miền bắc xứ ta ở lại truyền đạo thì [vậy là đủ để cho] dân ta theo đạo liền một khi. Trái lại, tôi cho rằng:
Nhờ giao thương đường biển, từ thế kỷ 4, Phật giáo Ấn Độ đã truyền tới nhiều vương quốc ở Đông Nam Á nhưng không truyền tới miền bắc xứ ta, nơi mà lúc đó vẫn chưa có vua cho tới thế kỷ 10.
Thực ra, giới khảo-cổ-học đã tìm thấy di tích của Phật giáo từ bên Tàu truyền sang miền bắc xứ ta (coi thêm mục 2) chớ chưa tìm thấy bất cứ di tích nào của Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang miền bắc xứ ta.
Hình 3 là những vương quốc ở Đông Nam Á trước thế kỷ 14, mà Phật giáo từ Ấn Độ đã truyền tới đó theo đường biển và để lại nhiều di tích.[18]
Hình 3. John Guy.18
2. Phật giáo bên Tàu truyền sang miền bắc nước ta
Năm 2012, gần di tích Luy Lâu (Bắc Ninh), dân làng tình cờ tìm thấy hai cổ vật là bia đá và liễn đá, trên bia ghi ‘minh văn’ có nghĩa như sau.[19]
— trích —
Bài minh tháp xá-lợi
Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ nguyên niên (601) nhằm năm Tân Dậu, tháng 10, ngày sóc Tân Hợi, ngày 15 Ất Sửu. Vì sinh linh u hiển của tất cả các cõi pháp giới, Hoàng đế [tức Tùy Văn Đế] kính cẩn kiến tạo linh tháp, phụng an xá-lợi tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu, nguyện cho: Đức Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử, các vương tử vương tôn, cùng quan viên nội ngoại, đến cả kẻ thứ dân, lục đạo tam đồ, nhân, phi nhân, đời đời kiếp kiếp được gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn thoát ly khổ đau, cùng đạt quả phúc. Sắc chỉ sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy là Khương Huy đưa xá-lợi đến đây xây tháp.
— hết trích —
Trước đó, năm 1985, ở di tích tháp Nhạn (Nghệ An), người ta tìm thấy viên gạch đúc năm 632, trào Đường Thái Tông (598–649), và một hộp bằng vàng đựng xá-lị.[20]
Những hiện vật đó cho biết điều chi?
Độc giả ắt còn nhớ, ở truyện ‘Khang Tăng Hội’, vị tăng này nói với Tôn Quyền rằng xứ Ngô chưa có Phật pháp vì chưa có xá-lị.[21] Theo đó, ta hiểu bài minh văn trên bia đá Luy Lâu muốn nói rằng: Tùy Văn Đế gởi xá-lị sang tặng cho Giao châu, là bởi nhà vua biết Giao châu chưa có Phật pháp và muốn giúp cho Giao châu có Phật pháp.
Chẳng những xá-lị, mà cái ‘missionary’ của vua Tùy ắt còn đem theo kinh Phật, vân vân.
Vậy ta có thể cho rằng:
Bia đá ở Luy Lâu và hộp đựng xá-lị ở tháp Nhạn là bằng chứng cho thấy Phật giáo bên Tàu đã chánh thức truyền sang miền bắc xứ ta từ thời trào Tùy Văn Đế (541–604).
Trước đó, Luy Lâu có lẽ đã tiếp nhận Phật giáo bên Tàu truyền sang, hồi thời trào Lương, khi Phật giáo hưng thạnh, nửa sau thế kỷ 6.
Nói thêm, chùa tháp xứ ta trước thế kỷ 10 thì thiếu dữ liệu khảo-cổ-học,[22] nên ta chẳng biết là thực ra đã có cái nào hay chăng. Nhưng các vương quốc ở Đông Nam Á mà Phật giáo Ấn Độ đã truyền tới, thì có nhiều tháp (stupa) lắm.
3. Kết luận
Hình 4 cho thấy:
Hình 4.[23]
[1] Mrittunjoy Guha Majumdar (2020) What is the story behind emperor Ashoka’s conversion to Buddhism? https://www.youthkiawaaz.com/
[2] Ankita Roy. Typographical investigation of Mauryan Brahmi – Origin, evolution & role in development of Indic and Southeast Asian scripts. Conference: TypoDay 2021.
[3] John S. Strong (1983) The legend of King Asoka.
[4] Divyesh Vinukumar Mirajkar. The myth of Ashoka. International Journal of Law Management & Humanities, vol 6 iss 1 (2023).
[5] Charles Allen (2012) Ashoka: The search for India’s lost emperor.
[6] Vincent A. Smith (1920) Asoka the Buddhist emperor of India.
[7] Ānandajoti Bhikkhu (2013) Maps of ancient Buddhist India.
[8] https://www.palikanon.com/english/pali_names/s/suvannabhuumi.htm
[9] Ko Ko Naing. Historical setting of Buddhism in Myanmar. University of Mandalay, Research Journal, vol.11, 2020.
[10] Pinraj Khanjanusthiti (1996) Buddhist architecture: meaning and conservation in the context of Thailand.
[11] Nicolas Revire. Facts and fiction: the myth of Suvaṇṇabhūmi through the Thai and Burmese looking glass. Trans -Regional and -National Studies of Southeast Asia vol 6, no 2 (July) 2018.
[12] https://thuvienhoasen.org/a32487/dat-phat-phu-nam
[13] Osmund Bopearachchi. Indian ocean trade through Buddhist iconographies. In The maritime silk road: global connectivities, regional nodes, localities, ed Franck Billé, Sanjyot Mehendale and James W. Lankton (2022).
[14] Tansen Sen. The travel records of Chinese pilgrims Faxian, Xuanzang, and Yijing. Education about Asia, vol 11, no 3, 2006.
[15] Haiyan Hu-von Hinüber (2019) The venturesome seafaring between India and China attempted by Indian monks during the 4th and 5th century.
[16] Vikas K. Verma. Monks, merchants and maritime travels: revisiting Faxian’s sea voyage from India to China. South Asian History, Culture and Archaeology, vol 3, no 2, 2023.
[17] J. G. de Casparis (1995) Expansion of Buddhism into Southeast Asia (mainly before c. A.D. 1000). https://en.unesco.org/silkroad/knowledge-bank/expansion-buddhism-southeast-asia
[18] John Guy (2014) Lost kingdoms: Hindu-Buddhist sculpture of early Southeast Asia.
[19] Nguyễn Văn Đoàn, Lê Văn Chiến (2023) Vài nét về trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Bắc Ninh).
[20] Thành Duy (2021) Bảo vật quốc gia và mong mỏi ở Tháp Nhạn. https://baonghean.vn/bao-vat-quoc-gia-va-mong-moi-o-thap-nhan-10229767.html
[21] https://nghiencuulichsu.com/2024/08/04/nghien-cuu-phat-giao-lay-truyen-lam-su/
[22] Tống Trung Tín. Phác dựng đôi nét về lịch sử và giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử. Kỷ yếu hội thảo khoa học ‘Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng’ (2023).
[23] Encyclopedia of Buddhism, vol I, ed Robert E. Buswell, Jr. (2004)