Theo sử sách truyền lại, các vị hoàng đế Trung hoa khi qua đời thường lui lại đến tháng 7 mới cho an táng, vì tháng 7 là tháng thân – tháng “thượng đắc thiên thời, hạ đắc địa lợi”. Điều này cho thấy tháng 7 là tháng may mắn, không hề có ý nghĩa đen đủi.
Vào cuối đời nhà Nguyên đầu đời nhà Minh, quân sư Lưu Bá Ôn đã hiến kế cho đức vua, cho người loan tin trong dân rằng “tháng 7 là tháng ma quỷ trời sẽ gieo thảm họa xuống trần gian”.
Quan niệm “tháng cô hồn” đã lưu truyền vài trăm năm, cho đến nay vẫn có rất nhiều người tin vào điều đó trong khi thực chất đây chỉ là kế sách ích kỉ muốn độc chiếm những ngày tháng may mắn của Chu Nguyên Chương.
Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, còn ở Việt Nam thời gian này kéo dài nguyên một tháng, không ấn định riêng ngày nào.
Theo cố nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan, việc xui xẻo, vận hạn hay không là do tâm lý của con người mà ra, chứ không thể đổ lỗi cho tháng 7 cô hồn.
Tháng cô hồn có thể là “kế sách mị dân” của Chu Nguyên Chương.
Giải thích về việc người dân thường "kiêng" làm việc lớn trong tháng 7 âm lịch, nhà phong thủy học Nguyễn Cung Hà (Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa Á Đông) nói: Sở dĩ người dân kiêng tháng 7 âm lịch không làm nhà, động thổ là bởi tháng 7 là tháng Ngâu mưa nhiều nên những việc như: động thổ làm nhà, đổ mái, đi du lịch, khai trương, cưới hỏi... khiến gia chủ rất vất vả.
Mưa nhiều cũng khiến tiến độ xây dựng và chất lượng công trình bị ảnh hưởng nên mọi người tránh động thổ xây nhà vào tháng 7 này. Lâu dần trở thành thói quen trong dân gian. Nhưng mỗi vùng có một điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau nên nhiều nơi có điều kiện họ vẫn làm.
Trong văn hóa Phật giáo, ngày rằm tháng 7 là ngày lễ Vu lan, dịp để con cháu báo hiếu cha mẹ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Lễ Vu lan gắn với tích về ngài Mục Kiền Liên, một đại đệ tử của Đức Phật.
Khi còn sống, mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên chẳng những không tin Tam bảo, lại còn hủy báng, phá hoại Tam bảo... cho nên sau khi chết, bà liền bị đọa vào địa ngục.
Khi Tôn giả Mục Liên chứng quả vị A La Hán, đắc được lục thông, ngài quan sát khắp các cõi giới để tìm mẹ và thấy bà đã bị đọa vào địa ngục, cơm cũng không có mà ăn, Tôn giả liền đi xin một bát cơm để mang đến cho mẹ. Vào đến địa ngục, Tôn giả dâng bát cơm, nào ngờ cơm vừa đưa đến miệng thì liền hóa thành lửa, không thể ăn được.
Tôn giả Mục Kiền Liên tuy là thần thông đệ nhất, nhưng cũng không làm được gì, đành đến gặp Đức Phật.
Phật bảo: “Vì mẹ của ông hủy báng Tam bảo, tội nghiệp quá nặng; bây giờ sức của một mình ông không thể nào giải cứu được. Muốn cứu mẹ thì vào ngày rằm tháng bảy, là ngày chư Phật hoan hỷ, ông thiết trai cúng dường Tam bảo, mẹ của ông sẽ lìa khổ được vui”.
Như vậy, rằm tháng 7 là dịp để người còn sống cúng tế, hướng về người đã khuất, với quan niệm mọi vong linh đều được cầu siêu thoát, đều được cúng tế, quan tâm.