Hành hương ngày tết gần như là một chuyện phải làm của người Phật tử. Chỉ nói riêng về miền nam quận Cam thì trong vòng ba tuần lễ đầu của tháng giêng, trung bình một chùa có hai xe bus, sẽ có khoảng 100 chuyến xe chở Phật tử đi cầu nguyện. Đi xa về phía bắc là Phật Học Viện Quốc Tế, chùa Việt Nam. Trở về phía nam là Như Lai Thiền Tự, Đại Đăng, Lộc Uyển. Ra biển là chùa Phật Tổ, Trường Đê Thánh Tự, Phước Lộc Thọ. Lên núi là Thích Ca Thiền Viện. Vĩ đại là Chân Nguyên. Nối liền hai thế hệ là Trung Tâm Quảng Đức. Chỉ thờ duy nhứt Phật A Di Đà nơi chánh điện dĩ nhiên là chùa A Di Đà!
Còn tại trung tâm quận Cam thì chùa nhiều như số cát sông Hằng.
Mỗi chùa một vẻ, một lời dạy dỗ ân cần, một tràng cầu nguyện thành tâm, một chuỗi hứa hẹn sắt son, một thoáng ăn năn tàm quý, một lòng cảm tạ đậm sâu.
Nhân quả thay nhau ẩn hiện!
Tôi theo Sư Bà Như Ngọc, chùa A Di Đà đi hành hương năm Bính Thân.
Đường đi hơi dài. Xa lộ 5 rồi 55 rồi 91 rồi 15 rồi exit rồi 18... Đồng cỏ vàng cháy, núi đá chập chùng, nhà cửa vắng vẻ. Sư Bà ơi, chúng ta đi hành hương hay đi tham quan sa mạc Sahara vậy? Sư Bà thản nhiên đáp:
- Gần tới chùa Thiên Ân rồi!
- Dạ, thầy nào trụ trì ở đây vậy Sư Bà?
- Thầy Ân Giáo
- Thầy Ân Giáo là thầy nào mà tụi con chưa từng nghe tên vậy Sư Bà?
- Thầy Ân Giáo hoặc là Thầy Ân Giao vì người Mỹ không phát âm được dấu sắc.
- Tên của Thầy có dấu sắc hay không thì ăn thua gì tới người Mỹ?
- Vì Thầy là một người Mỹ trắng trăm phần trăm và là một tu sĩ Phật giáo cũng trăm phần trăm.
Đến lúc nầy thì chúng tôi xôn xao, tò mò. Té ra chúng tôi lặn lội đến nơi đèo heo hút gió nầy để viếng thăm một ngôi chùa nằm chơ vơ giữa đồng không mông quạnh do một nhà sư Mỹ trụ trì.
À Sư Bà ơi, tại sao chúng ta không cúng tiền cho chùa Việt Nam do thầy Việt Nam điều hành để Phật giáo Việt Nam được phát triển? Người Mỹ giàu quá, dù cho có tu thì cũng còn giàu hơn người mình... (ai biết đâu rằng điều nầy quá sai). Một loạt Việt Nam-Mỹ rồi Mỹ-ViệtNam vang dội trong đầu tôi. Tâm tôi đang ở địa ngục vì cô Phật tử đang tiến dần về ghế ngồi của tôi để quyên tiền cúng dường. To be or not to be! Hay nói theo tiếng mít là “To cho or not to cho?” Tôi móc túi mà tâm bất định.
Xe bus quẹo vô cổng chùa. Đây là một khoảnh đất rộng độ một mẫu hay nói thoải mái là hai mẫu, sỏi đá, khô cằn. Qua khỏi cổng độ 50 feet, về phía tay mặt là tượng Phật Bà Quan Âm từ bi trắng toát, chắc hẳn được thỉnh về từ núi Non Nước, Đà Nẵng. Phía trái là một thiền đường rộng khoảng 20x20 feet để các Thầy và Phật tử thiền định.
Cách một khoảng sân là chánh điện giản dị, trần tục. Không mái ngói cong, không chạm trổ rồng phượng, không nhang khói thịnh vượng, không hoa quả xum xuê.
Trong khi các Phật tử thành kính quì lạy trước Phật Bà hoặc đi vòng quanh thì tôi tò mò bước về phía chánh điện. Một vị sư người Mỹ trẻ tuổi cho chúng tôi biết là thời kinh sẽ chấm dứt soon và xin chúng tôi đứng chờ ngoài cửa.
Tôi ghé mắt nhìn qua cửa sổ. Một thầy Mỹ đang thỉnh mõ và ba hàng Phật tử đang ngồi trên ghế, một số ít ngồi dưới đất, rầm rì tụng kinh. Đức Phật ngồi đó, không ràng buộc, không rực rỡ. Bàn trái cây với hai bình hoa, hai trái dưa hấu, không xum xê hoa lá nhưng đầy vẻ thanh tịnh, dịu dàng.
Có khi nào bạn bị tấn công bởi một tình cảm mãnh liệt như giận dữ, lo sợ, yêu thương, hờn giận, ngạc nhiên, xấu hổ... không? Nó giống như một quả bom nằm ẩn sâu trong tiềm thức và bỗng nhiên ai đó hoặc một hình ảnh nào đó hoặc một lời nói nào đó vô tình châm ngòi và nó bùng lên, không kiểm soát được, không che đậy được.
Ngày hôm đó tôi đứng ngoài cửa sổ nhìn vào chánh điện, hình như có cái gì đó trong tôi hiện ra mơ hồ không nắm bắt được nhưng lại rõ ràng chiếu rọi như ánh sáng mặt trời. Nó không có gai nhọn nhưng làm cho tim tôi nhói đau và nước mắt lặng lẽ rơi mặn miệng.
Tôi chợt nhận biết tâm tôi bần tiện quá. Tôi đi chùa mà lòng đóng kín, chút cúng dường cũng muốn quay lại cho người Việt. Tôi dùng động từ yêu nước, danh từ đồng hương để biện hộ cho sự kỳ thị ích kỷ của tôi. Trong kia một nhóm người ngoại quốc mà từ mấy thế kỷ nay họ không biết tóc đức Phật lại quăn cuộn tròn, tai thòng dài gần tới vai và khi ngồi thì lòng bàn chân và bàn tay đều ngửa lên trời. Vậy mà nay, những con người cao cao tại thượng đã từng đưa tay ra cho chúng ta, những kẻ thân sơ thất sở, nắm lấy trong cơn đau khổ tột cùng lại chọn cách hiện ra với chúng ta như tình huynh đệ, sẵn sàng cạo đầu trọc lóc, sẵn sàng từ bỏ những miếng thịt vàng rượm thơm ngon, sẵn sàng đánh giá màu da vàng của chúng ta cũng rạng ngời như màu da trắng của họ, sẵn sàng tìm học một giáo lý khác với nền giáo dục gia đình mấy trăm năm xưa cũ, sẵn sàng ngồi thiền định dưới ánh mắt từ bi của chư Phật, sẵn sàng tin vào luật Nhân Quả tuần hoàn.
Tôi tự hỏi nếu cuộc thế xoay vần, không phải họ giúp chúng ta mà là chúng ta giúp họ thì sao? Và vì thế mà tôi khóc. Xấu hổ cho tấm lòng nhỏ mọn của mình. Ăn năn vì lòng từ bi bị gói chặt trong cái ngã đáng ghét.
Mười phút sau, thời kinh chấm dứt. Chúng tôi được mời vào trong, trang nghiêm quì trước bàn thờ. Sư Bà Như Ngọc giới thiệu sơ qua tiểu sử của Thầy và chúng tôi cùng tụng một đoạn kinh ngắn bằng tiếng Việt. Sau đó Sư Bà kêu tôi lên nói một vài lời.
Bạn ơi, bạn hãy giúp tôi đi. Nói gì trước một tu sĩ Phật giáo người Mỹ và một nhóm Phật tử tóc vàng mắt xanh? Họ đã theo đạo Phật có nghĩa là họ đã thấu hiểu tường tận giáo lý của Ngài chớ chẳng phải như tôi theo vì truyền thống gia đình. Huênh hoang trước mặt họ là một trò cười nhục quốc thể. Thôi thì tôi xin thành thật nói ra những cảm nghĩ của tôi trong lúc đó, những tình cảm đời thường đã làm mắt tôi cay xè ướt át. Tôi xin mạn phép dịch lại những lời tôi nói ngày hôm đó, có gì sai trái xin bạn thông cảm nha.
Thầy ơi, khi con đi chùa con quen thấy tóc đen, mũi xẹp, da vàng, mắt nâu. Ngày hôm nay đi chùa con được thấy tóc silver, tóc blond và ngay cả tóc purple. Con thấy mũi cao, da trắng, mắt xanh... Ngày chúng con rời khỏi Việt Nam, bốn mươi năm về trước, chúng con mất tuổi thơ, mất kỷ niệm, mất cha mẹ, mất bạn bè, mất quê hương và mất luôn cả tôn giáo (đến đây tôi nghẹn ngào mếu máo và tất cả các bạn hành hương đều chảy nước mắt theo)...Có nhiều chuyện chúng con không tìm lại được như dòng sông nhỏ hiền hòa, như hàng me mướt lá dịu dàng, như mái chùa ẩn hiện trong lũy tre xanh... Nhưng có nhiều chuyện chúng con cũng không ngờ lại có thể thấy được như sự hiện diện của Thầy và các Phật tử Mỹ tại thiền đường nầy ngày hôm nay.
Chúng con không tưởng tượng được là chúng con không những có thể thực hành đạo Phật nơi xứ Mỹ nầy mà còn thấy đạo Phật được truyền bá và thâm nhập vào dân chúng địa phương. Sự đóng góp của Thầy cho Phật giáo, chúng con chỉ biết quì xuống và dâng lên Thầy một lạy (Tôi và tất cả đoàn đồng quì xuống kính Thầy một lạy)”.