Việc thiếu người kế nhiệm cũng khiến nhiều ngôi chùa do gia đình quản lý phải rơi vào tình trạng khó khăn. Hiện tại, đã có hơn 2000 ngôi chùa phải ngưng tất cả các hoạt động tôn giáo với lý do không có sư trụ trì. Và con số này được dự đoán sẽ tăng lên trong vài năm tới.
Khi tìm hiểu về vai trò của Phật giáo trong bối cảnh xã hội Nhật Bản, Ian Reader, một giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại đại học Lancaster, Anh đã phát biểu rằng Phật giáo tại Nhật Bản chỉ phục vụ cho nhu cầu của người chết. Thay vì cung cấp cho người dân những bài học tâm linh, thì những nhà sư Nhật Bản lại quá chú tâm vào các nghi thức tang lễ và tưởng niệm. Điều này đã làm cho hình ảnh Phật giáo xấu đi trong mắt xã hội Nhật Bản.
Đa số người dân tại Nhật Bản không theo một tôn giáo riêng biệt, họ có thể vừa là cư sĩ Phật giáo nhưng cũng vừa theo đạo Shinto (Thần Đạo). 80% dân số Nhật Bản làm đám cưới tại đền thờ đạo Shinto hoặc nhà thờ Tin lành. Tuy nhiên, khi nói đến đám tang người ta lại tìm đến những ngôi chùa Phật giáo. Và dĩ nhiên, chi phí cho một “Tang lễ Phật giáo” là khá tốn kém. Chính vì vậy nhiều người nói rằng, tại Nhật Bản có hai việc rất đắt đỏ đó là mua một căn nhà và chết.
Một số những tu sĩ trẻ đang nỗ lực khôi phục lại vị trí của Phật giáo trong lòng mọi người. Họ cố gắng tìm ra những phương pháp mới để tiếp cận với người dân. Họ mở các quán cà phê tại chùa để mọi người có cơ hội bàn luận về Phật giáo với nhau. Mọi người có thể vừa uống nước vừa trò chuyện với các tu sĩ. Nhưng điều này dường như không thể giúp được nhiều cho sự suy yếu của Phật giáo. Bởi vì vấn đề lớn nhất ở đây chính là truyền thống đang tự chết dần đi.