Sen Dolta cũng là dịp để phật tử Khơ-me thể hiện sự kính trọng đối với các nhà sư, vị À cha (người có uy tín, hiểu biết lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán trong cộng đồng).
Về ý nghĩa, lễ Sen Dolta của đồng bào Khơ-me Nam Bộ có nhiều nét tương đồng với lễ Vu lan của người Kinh. Sen Dolta, tiếng Khơ-me là cúng ông bà, diễn ra trong 3 ngày 29, 30-8 và 1-9 âm lịch hằng năm (Sen Dolta năm nay diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13-10).
Theo thống kê của ngành chức năng, Phật giáo Nam tông Khơ-me hiện có khoảng 1,5 triệu tín đồ, gần 10 nghìn vị sư, sinh hoạt tại 454 ngôi chùa trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố phía Nam; trong đó tập trung chủ yếu ở 9 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang. Trong những ngày này, khắp các phum, sóc của đồng bào Khơ-me, đến đâu người ta cũng dễ dàng cảm nhận được không khí sum vầy, đầm ấm, vừa trang nghiêm lại vừa rộn ràng của lễ hội.
Vừa rồi, tôi có dịp ghé thăm gia đình anh Sơn Cường ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Cách đây hơn 10 năm, khi tôi còn công tác tại một đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng, Sơn Cường chơi rất thân với một số chiến sĩ trong đại đội tôi. Lần ấy, cũng trong dịp lễ Sen Dolta, chúng tôi được Cường mời về nhà. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến lòng hiếu khách của người Khơ-me. Chúng tôi được Cường dẫn đi khắp xóm giới thiệu, và dĩ nhiên, vào nhà nào cũng uống ít nhất vài ly rượu. Đêm tháng 8 trời tối mịt, chúng tôi bước đi liêu xiêu trên con đường đất về nhà Cường, nhạc ngũ âm từ ngôi chùa trong phum vọng vang réo rắt. Trên con đường quê ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp từng tốp thanh niên Khơ-me rủ nhau đến chùa, xem hát Dù kê, tiếng con gái cười rúc rích sau mỗi lần vấp chân chực ngã.
Gặp lại Cường, càng vui hơn khi biết anh từ một nông dân Khơ-me nghèo, thiếu đất sản xuất đã trở nên khá giả nhờ nghề chăn nuôi bò sữa. Đàn bò 5 con của Cường hiện đem lại thu nhập cho gia đình hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Ông Lâm Xưng, Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết, trên địa bàn xã có gần 90% dân số là người Khơ-me. Được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nên bộ mặt nông thôn của xã có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ Khơ-me nghèo còn được hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất; con em đồng bào Khơ-me được miễn giảm học phí, ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Nhờ áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả, phần lớn hộ Khơ-me có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đã thoát nghèo bền vững, nhiều người vươn lên làm giàu. Những năm qua đồng bào Khơ-me địa phương luôn chào đón các dịp lễ, Tết cổ truyền với niềm vui tươi, phấn khởi. Trước đây lễ Sen Dolta kéo dài tới nửa tháng, nay bà con Khơ-me đã ý thức được rằng lễ hội kéo dài như vậy là không hay, vui thì cũng vui nhưng vừa lãng phí lại vừa dễ phát sinh nhiều tệ nạn, ảnh hưởng đến trật tự phum, sóc.
Sơn Cường tâm sự: "Bây giờ cuộc sống cũng tạm ổn rồi, lễ cúng ông bà mình phải chuẩn bị cho đàng hoàng, tươm tất". Cường kể, năm nào cũng vậy, trước ngày lễ mấy hôm, anh và người thân trong gia đình tập trung dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mua sắm lễ vật dâng lên bàn thờ phật tại nhà. Giường thờ cùng những vật dụng cần thiết như quần áo mới, chiếu, gối, chăn, màn cũng đã chuẩn bị đầy đủ.
Sáng 11-10, chúng tôi nán lại nhà cụ Sơn Ngọc Sáng (85 tuổi, người có uy tín trong cộng đồng người Khơ-me ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) để xem nghi thức rước ông bà, mời vong linh ông bà về cùng con cháu. Mâm cơm được bày lên giường thờ, có đủ rượu, thịt, bánh trái. Lầm rầm đọc kinh cầu nguyện xong, cụ Sáng lấy thức ăn mỗi thứ một ít mang ra đặt xung quanh nhà, chúng tôi ngầm hiểu đây là phần dành cho các vong hồn cô đơn, không còn con cháu và cả những Khmốt, Pret (ma, quỷ đói khát). Cụ Sáng bảo, buổi chiều sẽ là nghi thức cúng mời vong hồn ông bà lên chùa, để nghe các nhà sư thuyết pháp và cầu kinh siêu độ. Cũng như hầu hết các lễ cổ truyền khác của người Khơ-me, phần nghi thức quan trọng nhất của lễ Sen Dolta sẽ diễn ra tại chùa.
Tại chùa Pô Thi Som Rôn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), chúng tôi được nghe Hòa thượng Đào Như, Trưởng ban trị sự Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ, trụ trì chùa, giảng giải: "Với đồng bào Khơ-me, tất cả tro cốt của người đã khuất đều được gửi lại chùa, nên lễ cúng chính của Sen Dolta cũng được tổ chức tại chùa. Ở đây, các nhà sư và phật tử sẽ tụng kinh cầu nguyện cho vong hồn người đã khuất. Theo phong tục, cúng chính xong, phật tử thực hiện nghi thức rước vong hồn ông bà về nhà. Vong hồn ở lại chứng kiến cuộc sống của con cháu, dân làng cho đến lúc làm lễ cúng tiễn vào ngày hôm sau. Sau các lễ cúng đón, cúng chính và cúng tiễn là phần "hội" của phật tử, bà con trong các phum, sóc. Tại chùa thì tổ chức các trò chơi dân gian, hát Dù kê, Rô băm, biểu diễn nhạc ngũ âm. Ở từng gia đình, người ta mời nhau đến viếng thăm, chúc tụng, vui chơi, thắt chặt thêm các mối quan hệ".
Lễ Sen Dolta là một trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đặc sắc của đồng bào dân tộc Khơ-me