Bước vào phần thẩm vấn, tôi hỏi nguyên đơn, người phụ nữ: Bà kiện ai? Kiện về việc gì?
Không ngần ngại, nguyên đơn trả lời một hơi thật dài như đã chuẩn bị sẳn câu chuyện từ trước: Tôi kiện ông này, nó là con ruột của tôi, nó đẩy tôi ra đường vì cho rằng ngôi nhà mà tôi đang ở là của nó. Nhưng thực ra, nhà này của vợ chồng tôi được thừa kế từ cha mẹ chồng để lại cho vợ chồng tôi. Vốn cha chồng tôi mất sớm, có để di chúc lại cho mẹ chồng tôi được thừa hưởng. Tôi về làm dâu nhà này và ở cùng với chồng và bà má chồng, sau đó tôi sinh ra nó, được không lâu thì mẹ chồng tôi mất, gần đây thì chồng tôi cũng qua đời vì một tai nạn, ngày nay nó có vợ rồi thì nó lại đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi phải kiện nó vì tôi biết rằng tôi có phần sở hữu phần nửa căn nhà này, phần còn lại phần nửa căn nhà là của hai vợ chồng thì tôi và nó được hưởng chung, nghĩa là tôi có tới ba phần tư căn nhà, còn nó chỉ có một phần. Xin quan tòa công nhận quyền sở hữu của tôi để tôi bán căn nhà này đi hòng tôi mua được căn nhà khác cho mình để có nơi cư ngụ đến cuối đời.
Tôi hỏi bị đơn, là người con: Có đúng như lời nguyên đơn vừa trình bày không?
Người thanh niên bị đơn, là con ruột của nguyên đơn trả lời: Đúng!
- Tại sao anh lại đuổi mẹ anh ra khỏi nhà trong khi anh chỉ được thừa kế một phần nhỏ quyền sở hữu trong căn nhà này?
- Xin tòa hãy hỏi bà ấy, tại sao bà ấy lại đuổi bà nội của tôi là mẹ chồng của bà ấy ra khỏi nhà, trong khi bà nội tôi đã già gần trăm tuổi, còn mẹ tôi chỉ là một người con dâu?
- Tòa không hỏi người khác, tòa đang thẩm vấn anh!
- Tôi có tờ di chúc của bà nội tôi để lại cho tôi căn nhà này, là khi nào bà nội qua đời thì quyền sở hữu căn nhà này sẽ để lại cho tôi. Như vậy thì mẹ tôi có còn quyền lợi gì trong căn nhà này nữa!
Người đàn bà nguyên đơn gào lên: Tôi đề nghị tòa đừng nghe những gì con tôi nói. Tôi chẳng có gì sai cả, chẳng qua bà mẹ chồng già cả trở tính khó khăn. Nhưng nó là con cái thì không được bất hiếu với cha mẹ ruột của mình.
Lúc này bị đơn, người thanh niên ấy xin được phép nói, không phải với Hội đồng xét xử mà như muốn nói với mẹ của mình: Mẹ à! Mẹ đừng giáo dục người khác dù là con của mình hai chữ hiếu thảo khi bản thân mẹ bất hiếu với bà nội. Mẹ hãy để tòa phân xử theo pháp luật thay vì mẹ lên án con cái trước chốn công đường.
Về mặt đạo đức thì Hội đồng xét xử chúng tôi không thể chấp nhận thái độ bất hiếu của người con, nhưng về mặt pháp luật thì anh ta phải được thắng kiện nhờ vào bản di chúc hợp lệ. Nguyên do sâu xa để có bản di chúc ấy có thể do thái độ bất hiếu không phải của người con mà từ trước đó của người mẹ.
Sau phiên tòa ấy, nguyên đơn là người mẹ không kháng cáo dù bị thất kiện. Nhưng thật lạ, sau này tôi được biết người mẹ ấy lại về ở với con trai và con dâu của mình là bị đơn trong vụ án trong cũng ngôi nhà này, vì anh ta không muốn nhìn thấy cảnh mẹ của mình ngủ vật vờ bên góc chợ trước mắt người qua kẻ lại.