Thủ đô Viêng Chăn và cố đô Luông Phra-băng đều nằm bên bờ và được nuôi dưỡng bởi dòng sông này. Bằng cách nào, những bộ tộc Lào xưa lại xây dựng được một thủ đô và cố đô với những kiến trúc chùa tháp kỳ vĩ như thế? Đặc biệt Luông Phra-băng, cố đô xưa vẫn mê hoặc người đến như câu hỏi từ chính sử sách Lào, bằng cách nào các vua chúa của Lào ngày đó lại dời đô được về Viêng Chăn nhanh như vậy dù cách Luông Phra-băng hơn 400km, trong khi không có đường giao thông và phải vượt qua trùng trùng đồi núi.
Kỳ 1: Cái nôi của một nền văn hóa
Từ Luông Phra-băng tới Viêng Chăn
Theo sử sách của dân tộc Lào ghi lại thì cuộc dời kinh đô lịch sử của các vua Lào từ Luông Phra-băng về Viêng Chăn diễn ra vào năm 1560, tức cách nay đã hơn 4 thế kỷ. Chính sử của Lào cũng ghi rằng, vị vua ngày đó quyết định dời đô tên là Xê-tha-thi-lát, bởi một lý do là chiến tranh xảy ra liên miên. Vương triều Lan Xạng do vua Xê-tha-thi-lát trị vì phải căng mình chống lại sự nổi lên và chống đối của nhiều bộ tộc.
Lý do gì vua trị vì lại quyết định dời đô, sử sách Lào không giải thích rõ. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Văn-pênh Phay-a-mát, Chánh văn phòng Đài Truyền hình Quốc gia Lào, một người từng có nhiều năm học ở Việt Nam và nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ cũng không giải thích thấu nguyên nhân. Nếu xét về vị trí địa lý, quân sự, kinh tế… của thời đó thì Viêng Chăn khó có thể nói là hơn Luông Phra-băng. Hai địa điểm này đều nằm bên dòng sông Mê Công, đều được dòng sông mẹ ban tặng những điều tốt đẹp. Thậm chí khi đó, Viêng Chăn thực tế nằm gần Xiêm (Thái Lan) và Cam-pu-chia hơn nên đã bị những nước này thôn tính. Cũng theo ông Văn-pênh, có thể nói rằng, cuộc dời đô thời đó đến nay vẫn là một “bài toán khó” đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Lào.
![]() |
Du lịch cưỡi voi trong rừng là một nét độc đáo ở Luông Phra-bang. Ảnh: Hà My. |
Từ thủ đô Viêng Chăn đi cố đô Luông Phra-băng có đường hàng không. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định đi bằng đường bộ, để cảm nhận rõ hơn sự kỳ vĩ của đất nước Triệu Voi. Quãng đường bộ này dài hơn 400km và cũng là tuyến đường huyết mạch nối từ Trung đến Bắc Lào, được gọi là Quốc lộ 13 Bắc. Ở Lào vẫn chưa có đường cao tốc. Trên suốt hành trình dài này, phần lớn là phải vượt qua đèo núi lên xuống liên tục, khá giống với đường đi Tây Bắc của Việt Nam đoạn từ Lào Cai sang Lai Châu qua Quốc lộ 4D. Cảnh vật hai bên đường đẹp với những cánh rừng còn khá nguyên sơ, có những đoạn vượt lên đến đỉnh núi, mây mù ùa cả vào xe. Nhiều nhất hai bên đường là những cây gỗ tếch thẳng đứng-loại gỗ nhẹ nhưng cứng và chịu nước tốt. Nghe nói rằng, đây chính là loại gỗ dùng để làm báng súng quân dụng. Người Lào gọi cây gỗ này là Khạ-nhung. Với hệ thống núi đồi trùng trùng điệp điệp, vượt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia liên tục ấy, hơn 400 năm trước, nơi đây chưa có đường. Vậy bằng cách nào cả vương triều vua Xê-tha-thi-lát đã di chuyển về Viêng Chăn được? Cũng không ai rõ họ đi theo con đường nào.
Sau khi Vương triều Lan Xạng bất ổn, sự tách ra, nhập vào của các bộ tộc, trong đó sự cát cứ địa phương đã hình thành. Năm 1707, Vương triều Lan Xạng tan rã, Luông Phra-băng trở thành thủ đô của Vương quốc Luông Phra-băng độc lập, tồn tại song song với vương triều mới ở Viêng Chăn. Khi Pháp sáp nhập các bộ tộc Lào, Pháp công nhận Luông Phra-băng là nơi cư trú của hoàng gia Lào. Năm 1945, Lào tuyên bố độc lập và chọn Luông Phra-băng là thủ đô. Giai đoạn 1945-1975, đất nước Lào cũng trải qua các giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ cùng Việt Nam. Luông Phra-băng giữ vai trò là thủ đô cho đến năm 1975.
Khám phá cố đô
Trong số các thành phố cổ xưa còn tồn tại đến ngày nay, một trong những điểm đáng đến nhất trên thế giới được nhiều tổ chức văn hóa, tạp chí du lịch bình chọn phải nhắc đến Luông Phra-băng. Từ nhiều năm nay, Luông Phra-băng luôn duy trì lượng khách du lịch quốc tế đến đây cao hơn dân số của tỉnh. Tính từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2015, đã có hơn 500 nghìn lượt khách quốc tế đến đây trong khi dân số của tỉnh chỉ hơn 400 nghìn người, riêng dân số nội đô thành phố Luông Phra-băng chỉ là 22.000 người. Anh Bô-vít, một du khách đến từ Ô-xtrây-li-a cho biết: Anh đến Luông Phra-băng du lịch lần thứ hai cùng với vợ. Sở dĩ, anh thích nơi đây bởi thành phố này vẫn giữ được những nét cổ xưa hiếm có, cố đô gần như vẫn còn nguyên vẹn. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng rất ngạc nhiên khi nhận định rằng, ở đây, người dân bình thường cũng biết làm du lịch. Những người đang phục vụ ở các nhà hàng nhưng cũng sẵn sàng dừng công việc để múa Lăm-vông với du khách.
Vượt qua 328 bậc đá cao được xây kiên cố dưới những tán cây cổ thụ, chúng tôi lên được đến đỉnh núi Phô-xi (Phousi). Trên đỉnh núi này có ngôi chùa cổ kính là một điểm rất linh thiêng, nơi tương truyền rằng Phật đã ở đó. Đây cũng là một trong những đỉnh núi cao nhất nằm giữa thành phố Luông Phra-băng. Từ đây, ngắm nhìn toàn thành phố cổ kính nằm giữa hai dòng sông Mê Công và Nậm Khàn, bao bọc là các dãy núi. Đó thực sự là nơi có vị trí thuận lợi về giao thông nhưng cũng là điểm tựa quan trọng cho hệ thống tường thành thế trận bảo vệ hoàng cung mà các vua chúa xưa đã chọn.
![]() |
Chùa Xiêng-thoong, ngôi chùa nổi tiếng ở cố đô Luông Phra-bang. Ảnh: Hà My. |
Mê Công và Nậm Khàn là hai con sông, là thành lũy khó có thể vượt qua để quốc gia Luông Phra-băng cổ xưa ngăn kẻ thù đánh phá. Hai dòng sông cũng bồi đắp phù sa, dẫn nước cho những cánh đồng lúa trù phú. Ở Lào, việc trồng lúa chủ yếu chỉ làm một vụ. Người dân rất tôn trọng tự nhiên nên có thể giữa những thửa ruộng có những cây cổ thụ vươn cao. Những cây cổ thụ cứ tồn tại thế cùng năm tháng đến khi nào tự chết chứ người dân không chặt bỏ đi. Tương tự như vậy, dòng Mê Công bao đời vẫn cung cấp cá tôm cho cả thành phố. Ngay cả những con suối nhỏ đổ nước ra dòng Mê Công cũng nhiều cá tôm. Người dân đánh lưới, cất vó chỉ lấy cá to, cá nhỏ thả trở lại dòng sông... Nét đẹp ấy đã góp phần quan trọng để các dòng sông ở đất nước Triệu Voi đến nay vẫn còn nhiều cá.
Luông Phra-băng là một trong những thành phố bảo tồn tốt các di tích cổ, đặc biệt là hệ thống cung điện, chùa tháp với nhiều chi tiết bằng vàng ròng còn được lưu giữ. Đứng trước những đền chùa, hoàng cung xưa ở đây, chúng ta không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ bởi sự kỳ vĩ của hệ thống kiến trúc của người xưa. Đây cũng là thành phố lâu đời nhất ở Lào, được thành lập cách nay khoảng 1.200 năm. Trong hoàng cung, những chiếc trống đồng khá giống với các trống đồng của văn hóa Đông Sơn, Ngọc Lũ của Việt Nam nhưng niên đại thì không bằng các trống đồng được tìm thấy ở Việt Nam. Trống đồng có nhiều niên đại khác nhau, các nét họa tiết hoa văn, tín ngưỡng thì cũng tương tự của người Việt cổ, dùng trong các lễ hội, cầu mây, cầu mưa thuận gió hòa. Đây là những chiếc trống được tìm thấy ở miền Bắc Lào.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc đặc biệt ấy, năm 1995, UNESCO đã công nhận cố đô Luông Phra-băng là di sản văn hóa thế giới. Nó thực sự là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá thành phố này. Luông Phra-băng mê hoặc mọi người với nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, hàng chục ngôi chùa với các nét riêng độc đáo. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất đó là chùa Xiêng-thoong. Với người dân Lào, đến được chùa Xiêng-thoong là một điều rất thiêng liêng trong đời. Đó là một ngôi chùa kỳ vĩ nằm ngay cạnh dòng Mê Công. Chùa chính là một kiến trúc có hệ thống mái tầng lớp chồng lên nhau rất đặc biệt. Anh Văn-pênh hướng dẫn cho chúng tôi thực hiện một nghi lễ riêng có ở đây, đó là nghi lễ nâng Phật. Ai thực hiện nghi lễ này phải thực sự thành tâm, loại bỏ tất cả những suy nghĩ trần tục, nghĩ về cuộc đời là sự thanh thản rồi mới có thể thực hiện lễ nâng Phật. Phải những người khỏe mạnh, có sức vóc mới đủ sức nâng được Phật 3 lần, cao quá đầu. Những ai không đủ sức nâng Phật nhưng thực sự thành tâm thì vẫn được ghi nhận.
Từ Khách sạn Hoa Ban, khách sạn do người Việt Nam làm chủ, nằm ở trung tâm thành phố, sáng sớm chúng tôi được ngắm toàn cảnh Luông Phra-băng trước ánh bình minh, cảm nhận một cuộc sống hoàn toàn khác. Lúc ấy, thành phố bỏ lại tất cả sự ồn ào thường nhật. Thay vào đó, du khách được chứng kiến những đoàn nhà sư, khoác áo cà sa đi khất thực buổi sáng. Khất thực là một phương thức tu hành không thể thiếu của dòng phát Phật nơi đây, nó mang ý nghĩa sâu sắc nuôi sống bản thân và mang ý di dưỡng tinh thần.
Nếu như Lào là một trong những đất nước xứ sở của Phật giáo, với 90% dân số theo đạo Phật thì Luông Phra-băng được coi là thủ phủ của đất Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào từ thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Đất nước Lào có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ. Đó là đất nước mà tỷ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới.
-------------
Kỳ 2: “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”