“Trong đạo Phật, Đức Phật Thích Ca đã từng dạy: Hãy sống trân trọng tất cả mọi loài! Ngài không chỉ dạy hãy trân trọng loài người, mà ngài dạy hãy trân trọng tất cả mọi loài, từ tất cả các loài động vật cho đến môi trường thiên thiên”.
Trên đây là chia sẻ của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa trong tọa đàm “Thiên nhiên, con người: Một thế giới” diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chiều 22/9.
Ô nhiễm từ tâm
Bảo vệ môi trường sống trên trái đất đã và đang bị ô nhiễm là một vấn đề cấp bách đối với bất kì quốc gia nào.
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp an sinh của cộng đồng. Hiện tượng trái đất nóng lên một cách bất thường, băng ở hai cực tan nhanh, nước biển xâm lấn, sa mạc hóa... cho đến những thiên tai như giông bão, lở núi, lũ quét, lũ bùn, hạn hán là những mối nguy hại vô cùng to lớn với con người, để lại hậu quả khôn lường về của cải và tính mạng.
Đâu là nguyên nhân của những thảm họa này? Trước thực tế đáng sợ đó, nhân loại phải làm gì để bảo vệ môi trường và cứu lấy chính mình?
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là bậc lãnh đạo tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa thuộc Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa, có lịch sử khởi nguồn cách đây 1.000 năm từ Ấn Độ.
Ngài được người dân các quốc gia vùng Himalaya tôn kính là hiện thân của Đức Phật Quan Âm trở lại nhân gian để phổ độ chúng sinh. Đây là lần thứ 7 Đức Pháp Vương viếng thăm Việt Nam kể từ năm 2007.
Theo Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, căn nguyên ô nhiễm thực chất không nằm ở bên ngoài mà chính là sự ô nhiễm từ bên trong - trong tâm hồn của mỗi con người. Do tâm ô nhiễm dẫn đến sự ô nhiễm của môi trường.
Tuy nói rằng có tình thương yêu đối với thiên nhiên nhưng con người đối xử với thiên nhiên không đồng nhất với lời nói.
“Khi chúng ta không có tình thương đối với muôn loài, đương nhiên chúng ta sẽ phá hoại tất cả môi trường xung quanh của chúng ta”, Đức Pháp Vương chia sẻ.
Đức Phật Thích Ca đã từng dạy đệ tử của ngài, đặc biệt là những Phật tử xuất gia là không được phép chặt cây, nhổ cỏ, không được đào đất để thể hiện tình yêu thương, lòng từ bi của đệ tử Đức Phật ban trải đến thiên nhiên. Nhưng con người, lại sẵn sàng tàn phá thiên nhiên, nhất là việc chặt cây, phá rừng.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khuyến cáo: “Lẽ ra, cây cối cần được trân trọng, cần được bảo vệ vì chúng ta cần phải hiểu rằng rừng cây không phải chỉ cho thế hệ chúng ta mà sẽ mang đến sự an bình, mang đến sức khỏe cho các thế hệ tương lai của chúng ta.
Thế nhưng, vì những lợi ích cá nhân, chúng ta sẵn sàng chặt cây, phá rừng”.
Hãy sống trân trọng tất cả mọi loài
Đến Việt Nam lần này đúng vào Ngày Hòa bình Thế giới (21/9), song Đức Pháp Vương cũng được phản ánh ngay thông tin sập nhà trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) diễn ra vào chiều 22/9 và tin tức về lũ lụt, thiên tai cùng nhiều thảm họa vô cùng đáng tiếc khác trong nước.
Vì vậy, thông điệp mà Đức Pháp Vương gửi đến chúng ta là: Sống hòa thuận, thân thiện với môi trường để bảo vệ môi trường vì lợi ích của cộng đồng, vì lợi ích của tất cả nhân dân.
“Trân trọng có nghĩa là chúng ta học cách sống biết quý trọng và tràn đầy tình thương yêu. Nếu chúng ta không trân trọng thì cuộc sống của chúng ta không có hạnh phúc. Đôi khi chúng ta nói rằng chúng ta thương yêu nhưng chúng ta không biết trân trọng.
Chẳng hạn, chúng ta nói yêu thiên nhiên, yêu môi trường, yêu cây cối nhưng chúng ta đã không biết trân trọng môi trường, trân trọng thiên nhiên, trân trọng cây cối. Hay chúng ta nói yêu vợ/chồng của mình nhưng chúng ta chưa chắc đã trân trọng vợ/chồng của mình”.
Đức Pháp Vương cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu so với những thính giả bên dưới đang nghe ngài thuyết giảng thì họ có nhiều trải nghiệm hơn ngài về khía cạnh nói rằng yêu vợ yêu chồng mà thiếu sự trân trọng đối với vợ/chồng của mình.
“Do chúng ta biết trân trọng nên chúng ta sẽ không phá hủy, chúng ta sẽ để cho tất cả những gì mình yêu quý có được sự tự do, có được sự sống mà nó đang có.
Giống như chúng ta yêu quý rừng cây hãy để cho rừng cây được sống như nó đang hiện diện. Hãy để cho mọi loài cùng được sống và có quyền được sống giống như chúng ta.
Đức Pháp Vương được vinh danh là nhà hoạt động thiện hạnh và môi trường quốc tế qua các giải thưởng cao quý như cúp “Anh hùng Xanh”, giải “Thành tựu trọn đời” của Chính phủ Ấn Độ, danh hiệu “Bậc Bảo hộ vùng Himalaya” từ Liên minh Quốc tế Bảo vệ nguồn nước, Kỷ niệm chương “Vì Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” của Liên Hiệp Quốc. |
Bởi vậy, tôi nghĩ rằng tình thương yêu và sự trân trọng chúng ta cần sống với nhau rất cởi mở, chân thành và thân thiện, đó chính là điều căn bản mà tôi nghĩ rằng giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm”.
Về giải pháp, theo Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, đó chính là chúng ta tập học, hiểu một cách có trí tuệ, một cách có hiểu biết mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên và cuộc sống để chúng ta trân trọng hơn và sống bảo vệ môi trường hơn.
Được biết, ngoài cuộc tọa đàm “Thiên nhiên, con người: Một thế giới”, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ Truyền thừa Drukpa còn tham gia nhiều hoạt động khác. Đó là: Pháp Hội Đại Bi Quan Âm, khai đàn ngày 25/9 và tạ đàn ngày 25/10 tại đại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Phật tử cả nước có thể tham gia trì tụng tích lũy công đức, trải nghiệm lợi ích ý nghĩa nhiệm màu của Chân ngôn Quan Âm, cùng cầu nguyện cho gia đình, đất nước được hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng. Đại lễ Gia trì Cát tường thù thắng An vị Tượng Phật và Xá lợi Phật, tại đại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Đại Pháp hội Mandala cầu nguyện Quốc thái dân an, tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương. Đại lễ cầu siêu tại đại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), chùa Vĩnh Nghiêm (TP. Sài gòn) |