Vở cải lương “Vua Phật” sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm 707 năm ngày nhập niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1/11 âm lịch năm 2015); thông tin này vừa được ban tổ chức thông báo tại buổi lễ khởi công vở cải lương “Vua Phật” vừa diễn ra tại chùa Yên Phú, xã Yên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội
“Vua Phật” là tác phẩm sân khấu ca ngợi công đức vị “Vua đời- Vua đạo” Trần Nhân Tông. Ngài là con trưởng đức vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu, từ nhỏ đã thông minh, hiếu học, thông tỏ đạo Phật. Năm 16 tuổi, Trần Nhân Tông được lập làm Thái tử, 21 tuổi lên ngôi Hoàng đế. Mặc dù bận việc nước, nhưng Hoàng đế Trần Nhân Tông luôn quan tâm đến đạo Phật và học thiền. Sau 2 lần đánh tan quân xâm lược, giữ yên bờ cõi đất nước, năm 1293, Hoàng đế trao ngôi lại cho con trai là Trần Anh Tông. Tháng 10 âm lịch năm 1299, Hoàng đế xuất gia, tìm con đường giúp dân giúp nước qua tu đạo theo phương châm “Dựng đạo, tạo đời”. Hoàng đế đã lên núi Yên Tử tu hành, rồi lập ra Thiền phái Trúc Lâm để phù hợp điều kiện tu hành của người Việt. Từ năm 1304, Hoàng đế đi khắp nơi dạy dân tu hành thập thiện, mở rộng bang giao với các nước lân cận. Ngày 1/11 âm lịch năm 1308, Ngài viên tịch, thọ 51 tuổi, tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Trần Nhân Tông được người đời tôn là vị “Vua đời- Vua đạo”, một nhân cách sáng ngời, trí đức siêu quần đã để lại sự nghiệp vĩ đại trong cả đời và đạo
Ê kíp sáng tạo của vở diễn có sự góp mặt của nhiều tác giả, đạo diễn nghệ sĩ nổi tiếng như: Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, NSƯT Bùi Trung Kiên, nghệ sĩ Minh Hải và Quang Khải (vai Trần Nhân Tông)...
Theo đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, khi xây dựng vở diễn, đặc biệt khi xây dựng hình tượng nhân vật Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ê kíp đã tôn trọng tất cả những dữ kiện lịch sử mà tác phẩm “Vua Phật” đã thể hiện; chỉ được hư cấu một vài chi tiết rất nhỏ để hấp dẫn người xem và giúp người xem cảm nhận được đây là một tác phẩm nghệ thuật.
“Vở cải lương như nhắc lại những giá trị lịch sử của đất nước, lịch sử Phật giáo của Việt Nam để người dân có thể hiểu thêm và tự hào. Xây dựng hình ảnh về Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu sẽ là một sự khó khăn, và phải cần phải có sự đầu tư rất công phu. Tuy nhiên, tôi tin tưởng với kịch bản văn học của TS Bùi Đức Dược, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Phật giáo, vở cải lương sẽ đáp ứng được đúng tinh thần về một vị Phật- vị Vua trong lòng người dân Việt Nam”, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định.
Vở kịch sẽ được tổng duyệt vào cuối tháng 9 và được biểu diễn phục vụ vào ngày Giỗ Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sau đó sẽ được biểu diễn tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo và ở khắp các địa phương trong cả nước.
Dự kiến vở cải lương "Vua Phật" sẽ tổng duyệt vào cuối tháng 9-2015 và biểu diễn lần đầu tiên vào Ngày Giỗ Đức Phật Hoàng 1-11-2015 (âm lịch), sau đó sẽ được tổ chức biểu diễn tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo, các đình, chùa, địa phương trên cả nước.