Ở vùng đất miền bắc Việt Nam (越南) ngày nay, từ thời Hán (漢) đã đặt ra quận Giao Chỉ [Giao Chỉ quận (交趾郡)] và Giao châu (交州), đến thời Đường (唐) lại đặt ra An Nam đô hộ phủ (安南都護府). Do đó người thời Đường (唐)-Tống (宋) về sau sau dùng tên gọi Giao Chỉ (交趾), Giao châu (交州) hoặc An Nam (安南) để chỉ vùng đất miền bắc Việt Nam ngày nay. Từ thời xưa đã có sự đi lại giữa người dân miền bắc Việt Nam với vùng đất Trung Quốc (中國) ngày nay, sau quá trình nội thuộc từ thời Hán (漢) đến thời Nam bắc triều (南北朝), giao thông giữa đất Giao Chỉ với nội địa Trung Quốc ngày càng phát triển thuận lợi, chủ yếu là lấy đường biển làm đường chính, tác dụng chính là sử dụng trong chiến tranh và mua bán. Qua đó thúc đẩy kinh tế-văn hóa của hai nước được phát triển, vùng đất Giao Chỉ cũng trở thành cửa ngõ giao thông giữa Trung Quốc với các nước ven biển phía nam.
Giao thông giữa hai nước Trung-Việt đã bắt đầu từ thời xa xưa.
– Sách vở Trung Quốc ghi chép các vị đế vương Ngũ Đế (五帝) thời xưa đã từng “đi về phía nam vỗ về Giao Chỉ”, hay như sách Thượng thư đại truyện (尚書大傳) có chép “Phía nam đất Giao Chỉ có nước Việt Thường (越裳), Châu Công (周公) nhiếp chính được sáu năm, đặt lễ làm nhạc, thiên hạ hòa bình, người nước Việt Thường bèn qua quan Tam tượng mà dâng chim trĩ trắng.” Có thể thấy từ rất lâu rồi đã có sự qua lại giữa Giao Chỉ và Trung Nguyên. Nhưng vì từ Giao Chỉ ở trên là chỉ phương nam nói chung, không phải là chỉ vùng đất xác định, vả lại ghi chép ở trên phần lớn là truyền thuyết, do đó không phải là lời đáng tin.
– Thủy kinh chú (水經注) dẫn Giao châu ngoại vực ký (交州外域記) chép “Giao Chỉ ngày xưa chưa có quận huyện, đất đai có ruộng Lạc điền (雒田), ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, người dân làm ăn ở ruộng ấy, nhân đó gọi là người Lạc dân (雒民), đặt ra Lạc vương (雒王)-Lạc hầu (雒侯) làm chủ các quận huyện. Ở huyện phần nhiều có Lạc tướng (雒將), Lạc tướng đeo ấn đồng dây thao xanh. Sau con vua Thục [Thục vương tử (蜀王子)] đem ba vạn lính đến đánh Lạc vương-Lạc hầu, chinh phục các Lạc tướng. Con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương (安陽王). Sau vua nước Nam Việt (南越) là Úy Đà (尉佗) dấy binh đánh An Dương Vương.” Lời chép này nói từ trước thời Hán đã có giao thông từ miền tây nam Trung Quốc đến miền bắc Việt Nam. Nhà sử học là Mông Văn Thông (蒙文通) chỉ ra con đường đi về phía nam của con vua Thục là qua Mao Ngưu đạo (旄牛道) [thuộc huyện Hán Nguyên (漢源) tỉnh Tứ Xuyên (四川) ngày nay] đến Tủy châu (雟州) [thuộc huyện Tây Xương (西昌) tỉnh Tứ Xuyên ngày nay], vượt sông Kim Sa [Kim Sa giang (金沙江)] đi về phía nam đến Diêu châu (姚州) [thuộc huyện Diêu An (姚安) tỉnh Vân Nam (雲南) ngày nay], lại men sông Bộc [Bộc thủy (濮水)]-sông Lao [Lao thủy (勞水)] [tức sông Lễ Xã {Lễ Xã giang (禮社江)}, thượng du của sông Hồng (紅河) nước Việt Nam] mà đi vào đất Giao Chỉ. Các sách Quảng châu ký (廣州記)-Nam Việt chí (南越志)-Cựu Đường thư (舊唐書)-Thái Bình hoàn vũ ký (太平寰宇記) đều có chép về sự tích An Dương Vương. Do đó chuyện An Dương Vương đi về phía nam đến ở Giao Chỉ là mở đầu cho giao thông về quân sự-chính trị của hai nước Trung-Việt thời xưa.
Từ thời Hán đến thời Nam bắc triều, giao thông giữa Giao Chỉ với nội địa Trung Quốc đã phát triển, có sử sách ghi chép kỹ hơn.
1. Giao thông đường biển
– Năm Kiến Vũ (建武) thứ mười tám [năm 40], vua Quang Vũ Đế (光武帝) sai bọn Phục ba tướng quân (伏波將軍) là Mã Viện (馬援) đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Trưng Trắc (徵側) ở Giao Chỉ, sau khi đến quận Hợp Phố (合浦), Mã Viện “bèn men bờ biển mà đi” (theo Hậu Hán thư Mã Viện liệt truyện). Con đường men bờ biển là đi qua các trấn Đại Quan Cảng [Đại Quan Cảng trấn (大觀港鎮)], trấn Tê Ngưu Cước [Tê Ngưu Cước trấn (犀牛腳鎮)], trấn Long Môn Cảng [Long Môn Cảng trấn (龍門港鎮)], sau mới đi vào Giao Chỉ.
– Đến thời Tam quốc (三國)-Lưỡng Tấn (兩晉)-Nam bắc triều (南北朝), đường biển từ nội địa Trung Quốc vào Giao Chỉ vẫn là đường đi chủ yếu. Sử cũ ghi chép Hứa Tĩnh (許靖) từ đất Ngô (吳) vào Giao châu phải “bơi vượt biển xanh” (theo Tam quốc chí Hứa Tĩnh truyện). Lữ Đại (呂岱) “ngày đêm vượt biển“ đến đánh Giao Chỉ (theo Tam quốc chí Lữ Đại truyện). Vào lúc Đào Hoàng (陶璜) đoạt lấy Giao châu cũng “đi theo đường biển, ra chỗ không ngờ, đi tắt đến Giao Chỉ” (theo Tấn thư Đào Hoàng liệt truyện). Trương Dung (張融) đến nhậm chức Lệnh huyện Phong Khê (封溪) quận Giao Chỉ thuộc Giao châu cũng “vượt biển đến Giao châu” (theo Nam Tề thư Trương Dung liệt truyện).
2. Giao thông đường bộ
– Sách sử không ghi chép rõ ràng con đường bộ mà Mã Viện đi đánh Giao Chỉ, nhưng dựa vào một số di tích lịch sử, chúng ta có thể suy đoán được sơ qua con đường ấy. Dựa theo khảo cổ, mộ táng thời Tây Hán (西漢) ở đất Lĩnh Nam tiếp giáp Giao Chỉ chủ yếu tập trung ở các vùng Quế Lâm (桂林)、(梧州), Ngọc Lâm (玉林), Khâm Châu (欽州), tức là nơi người dân tập trung đông đúc, giao thông đi lại tương đối phát triển, do đó Mã Viện tiến quân từ phía bắc xuống Lĩnh Nam tất phải đi qua chỗ ấy trước khi vào Giao Chỉ. Sử cũ chép “quân đến Hợp Phố thì Đoàn Chí bệnh chết, hạ chiếu cho Mã Viện kiêm luôn cánh quân ấy, bèn men bờ biển mà tiến, theo triền núi mở đường hơn một nghìn dặm thì đến Lãng Bạc.” (theo Hậu Hán thư Mã Viện liệt truyện), tức quân Hán từ quận Hợp Phố cùng lúc tiến vào Giao Chỉ bằng đường biển và đường bộ. Thủy kinh chú (水經注) cũng chép “vào lúc ấy Tây Thục (西蜀) đem binh cùng đem binh đi đánh bọn Trưng Trắc”, Tây Thục là chỉ vùng phía tây của Tứ Xuyên ngày nay, là chỗ của người Khương (羌), đất ấy kề đất Vân Nam, do đó quân Tây Thục đã đi qua Vân Nam mà vào Giao Chỉ. Bấy giờ các bộ tộc bản địa là bọn Đống Tàm (棟蠶) ở quận Ích Châu [Ích Châu quận (益州郡)] cũng nổi lên chống nhà Hán, “Thái thú Ích Châu là Phồn Thắng (繁勝) đánh dẹp được, phải lui về giữ huyện Chu Đề (朱提)” (theo Hậu Hán thư Tây nam di liệt truyện). Thủy kinh chú cũng chép “Năm Kiến Vũ thứ mười chín, Phục ba tướng quân là Mã Viện dâng sớ nói từ huyện Mi Linh (麊泠) qua huyện Bôn Cổ (賁古) để đánh quận Ích Châu, thần đem hơn một vạn người Lạc Việt (駱越), trong đó có hơn nghìn lính quen thạo chiến đấu, mang theo cung tên tẩm thuốc độc sắc bén, bắn nhiều phát thì tên bay như mưa, kẻ trúng tên chắc chết. Thần cho rằng đem quân theo đường ấy là tiện nhất, đi theo con sông ấy, hành quân được nhanh chóng.” Sách này còn chép “Huyện Tiến Tang (進桑) là sở trị của Nam bộ đô úy (南部都尉) quận Tường Kha (牂柯), trên sông ở huyện ấy có ải, gọi là ải Tiến Tang [Tiến Tang quan (進桑關). Cho nên Mã Viện mới dâng sớ “Từ đường sông Mi Linh đi qua huyện Tiến Tang thì đến huyện Bôn Cổ của quận Ích Châu, vận chuyển thuận lợi, là con đường mà binh xa phải đi qua. Từ huyện Tây Tùy (西隨) đến quận Giao Chỉ, núi non hiểm trở, gồm cả đường sông dài ba nghìn dặm.” Xét rằng huyện Mi Linh là một dải các tỉnh Phú Thọ (富壽)-Vĩnh Phúc (永福) nước Việt Nam ngày nay, huyện Bôn Cổ là một dải các huyện (蒙自)-Cá Cựu (個舊)-Nguyên Dương (元陽) tỉnh Vân Nam ngày nay, huyện Tiến Tang là một dải các huyện Hà Khẩu (河口)-Mã Quan (馬關)-Văn Sơn (文山) tỉnh Vân Nam ngày nay, huyện Tây Tùy là một dải các huyện Man Hao (蠻耗)-Bình Biên (屏邊)-Kim Bình (金平) tỉnh Vân Nam ngày nay. Sông Mi Linh tức phụ lưu của sông Hồng là sông Thao. Con đường này là ngược sông Thao ở Việt Nam lên đến huyện Hà Khẩu, đến một dải các huyện Man Hao-Bình Biên tỉnh Vân Nam rồi đi bộ đến một dải các huyện Mông Tự-Cá Cựu, rồi lên đến vùng Điền Trì (滇池).
– Vào thời Tam quốc, Lưu Ba sau khi đến Giao Chỉ, bàn luận không hợp ý với Thái thú Giao Chỉ, bèn theo đường qua quận Tường Kha để đến đất Thục. Người nước Thục đánh quận Ích Châu, tiện tay vỗ về Giao châu, nhân đó sai Thái thú Kiến Ninh (建甯) là Lý Khôi (李恢) từ xa lĩnh chức Giao châu thứ sử (交州刺史). Quận Kiến Ninh trị ở huyện Vị (味) tức huyện Khúc Tịnh (曲靖) tỉnh Vân Nam ngày nay, tức nói Thái thú Kiến Ninh ở huyện Vị kiêm lĩnh từ xa đối với Giao châu, vì hai nơi này gần nhau, giao thông cũng thuận lợi.
– Sau khi nhà Tấn (晉) diệt nước Thục, lấy Nam Trung giám quân (南中監軍) là Hoắc Dặc (霍弋) cũng từ xa lĩnh chức Giao châu thứ sử. Thời trước, bọn Hứa Tĩnh (許靖) từ Giao châu đi vào đất Thục có thể cũng đi theo con đường ấy. Thời nhà Tấn, quan lại quận Giao Chỉ phản nước Ngô (吳), sai sứ sang vùng Nam Trung (南中) xin nội phụ nhà Tấn, do đó tướng nhà Tấn là Hoắc Dặc sai bọn Thoán Cốc (爨谷)-Đổng Nguyên (董元) đem bộ khúc “từ đất Thục đến Giao Chỉ” (theo Tấn thư Đào Hoàng liệt truyện). Có thể thấy đường đi từ Giao Chỉ đến đất Thục phải qua quận Tường Kha, cho nên Thục đô phú (蜀都賦) của Tả Tư (左思) chép “Phía trước nhảy qua Kiền-Tường, men theo Giao Chỉ, đường đi dài đến hơn năm nghìn dặm, núi đồi trập trùng, khe suối nhiễu quanh, gò đống lởm chởm, vách đá chạm mây.” Người thời Tấn là Đào Hoàng (陶璜) từng làm Giao châu thứ sử dâng sớ nói “Quận Hưng Cổ (興古) [trị ở huyện Nghiễn Sơn (硯山) tỉnh Vân Nam ngày nay] của Ninh châu (甯州) nằm ở miền thượng lưu, cách quận Giao Chỉ một nghìn sáu trăm dặm, thủy lục đều thông, giữ gìn với nhau.” Quận Hưng Cổ là chia đất quận Tường Kha mà lập nên.
3. Đặc điểm của giao thông giữa nội địa Trung Quốc với Giao Chỉ trước thời Đường
– Tuyến đường giao thông còn sơ sài, chưa rõ số đo dặm đường và lịch trình. Một phần vì niên đại xa xưa, sử sách ít ghi chép, một phần vì phương tiện kỹ thuật còn thô sơ. Ví dụ con đường Mã Viện đi vào Giao Chỉ chỉ có thể dựa vào một số đoạn ghi chép vắn tắt trong sách sử và truyền thuyết để suy đoán sơ lược mà thôi.
– Giao thông chủ yếu là qua đường thủy. Đường thủy bao gồm đường sông và đường biển. Vì phương tiện kỹ thuật thời xưa lạc hậu, người dân phần nhiều phải dựa vào điều kiện tự nhiên, men theo các dòng sông và biển lớn để tiện cho việc giao thông. Miền nam mưa nhiều, sông hồ chằng chịt, dễ dùng thuyền để đi lại. Cho nên giao thông đường thủy tiện lợi hơn cả. Sau này giao thông giữa nội địa Trung Quốc với Giao Chỉ lấy đường biển làm chủ yếu. Vì từ thời Tam quốc trải qua thời Lưỡng Tấn và Nam bắc triều, chính quyền Trung Quốc thống trị Giao Chỉ đều đóng đô ở miền cửa sông ven biển như thành Kiến Nghiệp (建業) [thuộc thành Nam Kinh (南京) ngày nay], ngoài ra dùng đường biển để giao thông còn tránh được sự gây nhiễu của các bộ tộc bản địa ở nội địa ở đất Lĩnh Nam. Bấy giờ, các bộ tộc nội địa Lí (俚)-Lão (獠) còn chiếm giữ nhiều nơi, lại cũng hay nổi loạn, cho nên quan lại và quân đội của chính quyền Trung Nguyên không dễ đi qua đấy bằng đường bộ và đường sông ở nội địa.
– Quận Hợp Phố (合浦) [vùng giao giới giữa Lưỡng Quảng (兩廣) và Giao Chỉ ngày nay] là cửa ngõ từ nội địa Trung Quốc để đi vào Giao Chỉ. Quận Hợp Phố từ thời Hán là một trong các cảng biển chủ yếu của con đường tơ lụa trên biển. Quận Hợp Phố liền kề đất Giao Chỉ, hướng ra biển lớn, có cảng biển tự nhiên thuận lợi, từ đây đi thuyền vượt biển sang Giao Chỉ rất tiện lợi. Cũng từ đây lên sông Tây Giang (西江) và Linh Cừ (靈渠) để vào nội địa Trung Quốc cũng rất thuận tiện. Do đó từ thời Hán đã đặt cửa ải ở đây.
– Giao thông chủ yếu là mục đích chính trị và quân sự. Từ thời Hán, Tam quốc, Lưỡng Tấn và Nam bắc triều, các chính quyền Trung Nguyên tranh chiếm Giao Chỉ rất gay gắt, cho nên giao thông có tác dụng rất quan trọng. Trong đó quận Hợp Phố là cửa ngõ giao thông then chốt, các cuộc hành quân từ Trung Nguyên vào Giao Chỉ đều phải đi qua đấy. Ví như thời Hán có Mã Viện đánh Trưng Trắc, thời Tam quốc có bọn Lữ Đại (呂岱) đánh Sĩ Huy (士徽), thời Tấn có bọn Đào Hoàng (陶璜) tranh chiếm Giao châu, sau có bọn Lư Tuần (盧循) rút chạy vào Giao châu. Thời Lương (梁) có bọn Tôn Quýnh (孫冏) đánh Lý Bôn (李賁)…
4. Trao đổi giữa nội địa Trung Quốc với Giao Chỉ
– Qua giao thông giữa hai nước đã xúc tiến sự phát triển văn hóa-kinh tế. Cuối thời Hán, đất Trung Nguyên rối loạn, rất nhiều người dân di dời sang miền nam, nhưng so với miền Kinh châu (荊州) và Dương châu (揚州) thì người dân đến Giao châu không nhiều. Vì đường đi xa xôi và gian khổ, phần lớn là quan lại kẻ sĩ mới có điều kiện thuận lợi để đi xa đến Giao Chỉ. Trong số đó có những kẻ sĩ như bọn Hứa Từ (許慈), Hứa Tĩnh (許靖), Trình Bỉnh (程秉), Tiết Tổng (薛綜), Lưu Hy (劉熙), Mâu Tử (牟子), là bọn có tri thức phong phú, ở Giao châu đều được tin dùng, truyền bá văn hóa Trung Hoa vào Giao Chỉ.
– Trao đổi phương tiện kỹ thuật và sản vật giữa hai nước. Giao Chỉ sản vật phong phú, quan lại ở đây đều tiến cống về Trung Nguyên các đồ như sừng tê, ngà voi, vàng, san hô, đồi mồi, trái cây… Các kỹ thuật trồng trọt, kiến trúc của Trung Nguyên cũng được truyền bá vào Giao Chỉ như Thái thú Cửu Chân (九真) là Nhâm Diên (任延) dạy dân phương pháp trồng cấy bằng trâu bò thay cho lối đốt cỏ làm ruộng, Mã Viện đắp thành quách vét mương rãnh ở Giao Chỉ…
– Giao Chỉ trở thành cửa ngõ trao đổi giữa Trung Nguyên với các nước ven biển phía nam. Vì địa lý kề biển và giáp với các nước phía nam nên Giao Chỉ thành trạm dừng chân quan trọng của các người các nước ấy trước khi vào Trung Quốc. Từ thời Hán nhiều nhà buôn và đạo sỹ Ấn Độ và Tây Á đã đi qua đây, có người còn ở lại Giao Chỉ. Ví như năm Hoàng Vũ (黃武) thứ năm, nhà buôn nước Đại Tần (大秦) [thuộc vùng Tây Á ngày nay) là Tần Luận (秦論) đến Giao Chỉ, Thái thú Giao Chỉ là Ngô Mạo (吳邈) sai người hộ tống đến thành Kiến Nghiệp của nước Ngô. Cao tăng truyện (高僧傳) chép “Tổ tiên của Khang Tăng Hội (康僧會) là người nước Khang Cư (康居) [thuộc vùng Trung Á ngày nay) ở nước Thiên Trúc (天竺), nhân đi buôn đến ở Giao Chỉ.” Giao châu nhờ đó mà tiếp thu Phật giáo (佛教) qua ngả phương nam từ sớm.
Tác giả: Trương Kim Liên (張金蓮)
Hiệu đính và phiên dịch: Tích Dã (辟野)