Giáo pháp nhà Phật là Chánh pháp mà đức Phật Thích Ca dùng để hoằng hóa chúng sinh. Giáo pháp này khế cơ khế lý cho từng căn trí ở mỗi chúng sinh, nên có thể đúng với người này mà không đúng với người kia. Do đó, chúng ta nên lưu ý trong việc phán đoán về quan điểm tư tưởng của một hành giả.
Ví như tôi, tôi có thể tạm hiểu Chánh pháp nhà Phật như sau:
Chánh pháp (正法; P: Saddhamma; S: Saddharma; E: True doctrine), với:
- [Chánh 正 = Chân chánh 真正: Là chân thực và đúng đắn] =/= [Tà 邪 = Vọng tà 妄邪: Là giả ảo sai lầm].
- Pháp 法: Là đạo lý.
Theo đó:
Chánh pháp nhà Phật là đạo lý chân thực đúng đắn, là chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi.
Tà pháp (邪法; P: Adhamma, Uddhamma; S: Adharma, Uddharma; E: Faulse doctrine) là đạo lý lệch lạc bất chính, không hợp với chân lý Duyên khởi và đạo đức Duyên khởi.
Chánh pháp là phương tiện cho hành giả tu học Phật, là chân lý Duyên khởi (= Vô ngã + Vô thường) và đạo đức Duyên khởi, giải thoát mọi cố chấp-dính mắc-trói buộc. Cụ thể thực hành chánh pháp là nghĩ suy (Ý) hợp với chánh pháp, nói năng (Khẩu) hợp với chánh pháp, và hành động (Thân) hợp với chánh pháp.
Trong kinh Trung bộ, số 22, bài kinh “Ví dụ con rắn” (hay kinh Trung A Hàm, bài kinh Ngũ Hạ Phần Kiết, 205) có nội dung và ảnh dụ chiếc bè, cho thấy hiểu giáo pháp một cách sai lạc, hành giả có thể đi vào cố chấp, từ cố chấp hành giả đi sâu vào sai lầm, gây đau khổ cho mình và cho người:
“ - Này các Tỳ-kheo, ví như có người đang đi trên con đường lớn dài, đến một vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Người đó tự suy nghĩ : ‘Đây là vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Nay ta hãy thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá, cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn’. Chư Tỳ-kheo, rồi người đó thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá cột lại thành chiếc bè, và nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, người đó suy nghĩ: ‘Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn’. Chư Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Chư Tỳ-kheo, nếu người đó làm như vậy, thì có làm đúng với sở dụng của chiếc bè chăng?
- Bạch Thế Tôn, không.
- Chư Tỳ-kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Ở đây, chư Tỳ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: ‘Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta. Nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân đã vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất khô, hay nhận chìm xuống nước, và đi đến chỗ nào ta muốn’. Chư Tỳ-kheo, làm như vậy, người đó làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. Cũng vậy, này chư Tỳ-kheo, giáo pháp Ta thuyết như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ-kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè... Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”.
Trong Kinh Kim Cương, đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo các ông nên biết, Như lai nói pháp ví như chiếc bè, Chánh pháp còn nên xả, huống là phi pháp * Nhữ đẳng Tỳ-kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp * 汝等比丘, 知我說法, 如筏喻者, 法尚應捨, 何況非法”
Thiền sư Đạo Xuyên sống vào thời kỳ Nam Tống Trung Quốc, tác giả của quyển Xuyên Lão Kim Cang Kinh Chú, đã nói: “Chánh nhân thuyết Tà pháp, Tà pháp tất qui chánh - Tà nhân thuyết Chánh pháp, Chánh pháp tất qui tà * Người chánh nói pháp tà, tà pháp trở về chánh - Người tà nói pháp chánh, pháp chánh trở thành tà”.
Hiện nay, Chánh pháp có 2 ý:
1. Chánh pháp hàm ý là chân lý thì hành giả không phải hộ trì, mà chính chánh pháp hộ trì hành giả (ý chính).
2. Chánh pháp hàm ý là kinh điển hay Giáo hội thì hành giả cần hộ trì (ý phụ).
Huy Thái