Ai học Phật có lẽ không lạ câu chuyện nổi tiếng sau: Người cho rằng trong ly nước có sự sống nên cẩn trọng kẻo phạm tội sát sanh, có nhiều sinh thể trong đấy, chúng nhỏ hơn ngưỡng mắt thường có thể quan sát. Chuyện này có từ cổ đại, xa lắc nghìn năm thời điểm con người phát minh ra kính lúp hay hiển vi, cũng như khoa học về sinh thể xuất hiện, tức sinh học. Khả năng quán sát phi thường của Phật là như thế.
Thực ra, học thuyết của Ngài đề cập nhiều đến những nội dung không dễ thấy hay không thể thấy bằng mắt thường, không chỉ duy sinh thể trong ly nước. Khi Phật đề cập đến các cõi, các thế giới, niết bàn...đều ngoài sự thấy biết thông thường, bất khả tư nghị là vậy. Và “lời Phật khó nghe” cũng từ đó.
Khi nói A cụ thể trước mặt, có kích thước, màu sắc, đặc điểm nhất định, dễ tường, vì trực quan sinh động: một cái ly, quyển vở, bát, ô tô.... Nhưng khi nói đến đối tượng B nào đấy trừu tượng hay không thể thấy, thực gian nan cho cả người nói và người nghe. Trong khoa học thế gian, vật lý đề cập hạt, sóng...vô cùng phức tạp về học thuật cho dù hạt hay sóng tồn tại khách quan. Ngày nay, chúng ta dù không thấy, môi trường không gian chằng chịt các làn sóng điện, và từ.
Một người khoẻ mạnh bình thường, nhãn lực đạt 10/ 10 vẫn chỉ có ngưỡng quan sát giới hạn. Kỹ thuật phát triển trang bị cho con người ống nhòm, kính hiển vi, các thiết bị đo....làm tăng vọt khả năng nhận biết của mắt và các giác quan, nhưng thời cổ đại chuyện đó không có.
Bằng khả năng logich của não bộ, quá trình nghiên cứu, các nhà thiên văn học tiên phong đã nghiên cứu vũ trụ qua các kính thiên văn thô sơ, nỗ lực tiếp cận chân lý có khi mơ hồ, vậy mà đã hình dung chính xác, vẽ ra hệ mặt trời, không gian vũ trụ, cơ chế vận hành các hành tinh hầu như y chang những gì khoa học hiện đại đã xác tín sau này. Điều đó là gì? Vĩ đại.
Bạn có đọc Giuyn véc -nơ của Pháp chưa, và dòng văn học giả tưởng. Nhà văn Giuyn véc -nơ, qua một loạt tác phẩm bất hủ đã nói đến những gì thời đại của ông hãy còn xa lạ và sốc ở chỗ sau này khoa học kỹ thuật lại cho thấy óc tưởng tượng của ông ..y chang thực tế phát minh có sau, tức ông có lượng tri thức khoa học sâu sắc. Như ông viết “ Hai vạn dặm dưới đáy biển” về chiếc tiềm thủy đỉnh trứ danh cùng thuyền trưởng Nam- Mộ. Sau này tàu ngầm cũng hoạt động như thế, theo các nguyên lý thủy động học, khi lặn, nổi, hành trình... Giuyn véc -nơ viết về những gì đương thời thiên hạ không nhìn thấy. Thiên tài ở chỗ đó.
Từ chỗ nhận biết chữ cái i, tờ, ráp vần, viết câu, học trò rồi sinh viên chạm dần vào khối lượng kiến thức nếu không học, không nỗ lực tư duy khoa học sẽ không nhìn thấy: sinh học, vật lý, hoá học, tin học, toán..... Một người mù nhưng nếu học tốt sẽ “ thấy” nhiều hơn hẳn một người sáng mắt nhưng thiếu học, sự “ thấy” theo nghĩa rộng.
Quay lại chuyện nổi tiếng về ly nước và sự sống vô hình, trí huệ Phật mênh mông, đi trước thế gian. Không chỉ trong ly nước, khi đề cập vong, thần thông, tha lực....đều không thấy được theo cách thông thường.
Ngày nay, sinh học đã phát hiện đời sống phong phú của thế giới vi -rút, vi khuẩn, nấm...ở các môi trường, ngay trong cơ thể người, trong thức ăn hay nước uống. Các sinh thể ấy cực kỳ nhỏ và chỉ có thể quan sát qua công cụ hiển vi. Vậy mà ngành vi- rút học đã mô tả, nhận dạng, định danh, nắm cơ chế sinh tồn...của các vi rút, phục vụ y khoa điều trị hay ngành dược khoa điều chế dược phẩm.
Vi -rút Corona ban đầu, các chủng mới phát tác dịch bệnh và biến thể sau, đều được khoa học ngày đêm nghiên cứu ở các trung tâm hiện đại nhất để phục vụ điều chế vắc -xin, thuốc, công tác kiểm soát, nỗ lực chấm dứt đại dịch. Toàn bộ hoạt động khẩn trương ấy không phải ai cũng biết đến hay hiểu. Các nhà khoa học làm việc với đối tượng vô hình dưới mắt thường.
Các làn sóng dịch, sự biến đổi virut âm thầm hoành hành khắp các châu lục, vô hình. Người ta dùng khẩu trang, sát khuẩn, tẩy trùng môi trường để đối phó sự dịch chuyển vô hình kia của vi rut. Vi- rut vô hình nhưng tổn thất nó gây ra hữu hình, mất mát sinh mạng và....
Những ai ôm quan niệm “ nghe không tin, thấy mới tin” bối rối vì Covid-19 vô hình. Những người dù không thấy nhưng nhờ học vấn hiểu vấn đề tốt hơn nhiều, họ phòng dịch hiệu quả hơn.
Đạo Phật giáo huấn về nhiều điều không nhìn thấy, nhưng có thực: nhân quả, nghiệp báo, duyên sanh, chiêu cảm, cảnh giới, niết bàn.... Người tu, tu đến độ cần thiết và giác đủ, sẽ chạm vào chân lý Đức Phật đã giáo huấn. Nói về Đạo, người tu thấy, người phàm lại không. Như hạt ngọc đầy bụi, lau đến đâu sáng đến đấy, phủ đầy chỉ thấy bụi, không thấy ngọc. Ngọc đây là Đạo....
Từ nghìn năm trước Phật đã nói về vi -rut trong ly nước, như vậy...
Nguyễn Thành Công