Ðức Ðạt Lai Lạt Ma mới đây tuyên bố với một tờ báo Ðức rằng ngài có thể sẽ là người lãnh đạo tinh thần Tây Tạng cuối cùng, chấm dứt truyền thống kéo dài đã mấy thế kỷ qua từ quê hương ở dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Phát biểu của ngài với tờ báo Welt am Sonntag cũng giống như điều ngài từng nói rằng “cơ chế Ðạt Lai Lạt Ma đã hoàn tất nhiệm vụ của mình,” nhưng lần này lại còn rõ ràng hơn.
|
“Chúng ta có Ðạt Lai Lạt Ma từ gần năm thế kỷ nay. Vị Ðạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 này hiện rất được quần chúng mến chuộng. Vậy thì chúng ta hãy chấm dứt với Ðạt Lai Lạt Ma được mến chuộng này,” ngài nói.
“Nếu một Ðạt Lai Lạt Ma yếu kém khác xuất hiện, thì điều này sẽ làm xấu hổ cơ chế Ðạt Lai Lạt Ma,” ngài nói thêm với tiếng cười, theo một bản dịch từ tiếng Anh của cuộc phỏng vấn.
Ngài cũng nói, “Phật Giáo Tây Tạng không tùy thuộc vào một cá nhân. Chúng ta có một hệ thống tổ chức rất tốt đẹp, với các nhà sư được huấn luyện kỹ càng và nhiều học giả giỏi giang.”
Trung Quốc đã cai trị Tây Tạng từ năm 1951 tới nay, một năm sau khi tràn vào nơi này, và Ðức Ðạt Lai Lạt Ma phải ra đi lưu vong tại Ấn Ðộ sau cuộc nổi dậy chống Trung Quốc bất thành vào năm 1959.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2011, nay không còn giữ những trách vụ có tính cách chính trị và nâng cao vai trò thủ tướng của chính phủ lưu vong cho cộng đồng người Tây Tạng trên thế giới.
Tuy nhiên ngài vẫn là người được dân chúng, cả ở trong và ngoài Tây Tạng, sùng kính và là khuôn mặt nổi tiếng nhất của phong trào đòi độc lập cho Tây Tạng.
Khi được hỏi là ngài sẽ còn hoạt động bao lâu nữa, vị Ðạt Lai Lạt Ma 79 tuổi này cho hay: “Các bác sĩ bảo tôi có thể sống tới 100 tuổi. Nhưng trong các giấc mơ, tôi thấy mình sống tới năm 113 tuổi.”
“Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng tôi sẽ trở lại thế giới này khi mà sự đau khổ vẫn còn. Tôi không nói rằng trong cùng một thể xác, nhưng với cùng một tinh thần và linh hồn.”
Trả lời câu hỏi là ngài có nghĩ sẽ có thể trở về Tây Tạng hay không, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói: “Có chứ, tôi chắc chắn điều này. Trung Quốc không còn có thể tự cô lập, họ phải theo đường hướng của thế giới để tiến tới một xã hội dân chủ.”
(V.Giang)