Sự tinh tế, được thể hiện trong từng món ăn được chế biến công phu qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị những người nội trợ trong gia đình đã tạo nên nét văn hoá ẩm thực ngày tết đậm đà hương vị quê hương, để rồi mỗi khi đi xa hay sống ở nơi quê nhà, nhắc đến ẩm thực ngày tết mỗi chúng ta đều cảm thấy nao lòng.
Ngày tết là dịp gia đình sum họp nhưng cũng là dịp để hướng về nguồn cội. Bởi vậy dù bận rộn đến đâu thì mấy ngày tết mọi công việc đều được các gia đình tạm gác lại để chuẩn bị vui tết đón xuân. Trong không khí đầm ấm, cùng với hoa tươi, bánh kẹo thì mâm cơm ngày tết được các gia đình đặc biệt coi trọng. Chẳng phải những món ngon vật lạ mà đều là những món truyền thống.
Sự kết hợp các món ăn lại với nhau một cách hòa hợp trong thời tiết se lạnh đã tạo nên một mâm cỗ Tết đặc sắc rất riêng của người Việt Nam nói chung và người miền Bắc nói riêng. Điều đặc biệt hơn Tết là dịp để những người mẹ, người vợ hiền, dâu thảo dồn hết cái tâm của mình với người thân thông qua những món ăn mang hương vị quê hương.
Sau ngày 23 tháng chạp cúng ông Công, ông Táo, bắt đầu từ ngày 27, 28 tết, thì dường như mọi gia đình đều đã sửa soạn bàn thờ tổ tiên, cùng với đó là chuẩn bị nguyên liệu gạo nếp, thịt, lá dong để gói bánh chưng. Trước đây nhà nào cũng tự gói, nhiều thì gói vài ba chục chiếc để ăn trong suốt những ngày tết, nhà ít thì cũng phải hàng chục chiếc. Bây giờ dịch vụ phát triển cùng với thời gian eo hẹp vì công việc, do vậy nhiều gia đình không còn tự gói mà đặt mua ở những cơ sở gói bánh chưng tết.
Bao đời nay, với người dân Việt Nam, bánh chưng là đặc trưng của ngày Tết cổ truyền. Truyền thuyết và ý nghĩa của loại bánh này thì chắc ai cũng biết: “Gạo là thức ăn nuôi sống người, gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng cho Trời Đất. Lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Ý nghĩa này và các nguyên liệu để làm ra nó thấm đượm sự tinh tế, sâu sắc của tâm hồn Việt. Điều đáng nói là với những nguyên liệu làm nên chiếc bánh chưng đều do chính người nông dân làm ra như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong và các gia vị khác. Khi được kết hợp với nhau tạo thành thứ bánh vừa ngon lại có giá trị dinh dưỡng cao. Cùng với bánh chưng thì trước tết nhà nào cũng chuẩn bị một lọ dưa hành muối. Nhiều người vẫn quan niệm: có bánh chưng, có dưa hành, thịt mỡ mới gọi là tết. Tết xưa với người miền Bắc không thể thiếu: Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ- cây nêu - tràng pháo - bánh chưng xanh. Chính những thứ giản dị mộc mạc đó đã làm nên nét độc đáo trong kho tàng ẩm thực ngày tết ở Việt Nam.
Tết nguyên đán là cái tết to nhất trong năm. So với những tết khác như tết nguyên tiêu, tết đoan ngọ, tết trung thu, tết ông táo, thì tết nguyên đán đánh dấu thời khắc giao hòa của đất trời. Chính vì thế mà dù đủ đầy hay còn khó khăn thì gia đình nào cũng lo tươm tất cho mấy ngày tết và mỗi dịp hoa đào nở, lòng người cũng được rộng mở hơn, người ta tự thưởng cho mình sự tự do, thoải mái hơn trong mấy ngày tết. Mâm cơm ngày tết vì thế cũng đủ đầy hơn, bên cạnh bánh chưng bao giờ cũng có thịt gà, đĩa giò, bát nấu, trước là thắp hương tổ tiên, sau là cháu con cùng hưởng. Sự sum vầy đoàn tụ bên mâm cơm gia đình ngày tết như sợi dây kết nối tình cảm yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
Qua những món ăn ẩm thực ngày tết, càng thấy hết sự tinh tuý trong cách chọn lựa các món ăn của người dân Việt Nam, vừa dân dã mộc mạc lại chứa đựng tâm hồn, cốt cách, hoà đồng của dân tộc Việt. Với mỗi người dân Việt Nam, thì tết đến xuân về là thời điểm thiêng liêng nhất đánh dấu cho sự khởi đầu của một năm mới. Tết còn là sự đoàn tụ hướng về tổ tiên, bên mâm cơm gia đình, mọi người cùng nhau nhìn lại những chuyện đã qua, hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới và nhắc nhở cháu con phải sống có đạo lý, biết gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.