Nguồn gốc
Lá cờ Phật giáo đã được chấp thuận bởi Hội nghị Liên hữu Phật giáo Thế Giới, tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Colombo Tích Lan, từ ngày 26/05/1950 đến ngày 07/06/1950. Lá cờ 5 sắc là tượng trưng cho Ngũ căn Ngũ lực. Ngũ căn gồm có: tín, tấn, niệm, định, huệ. Còn Ngũ lực chỉ là tăng sức cho ngũ căn thêm lực dụng mạnh mẽ.
Năm sắc theo chiều dọc lá cờ: xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, tượng trưng cho hào quang chư Phật. Năm sắc theo chiều ngang là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang chư Phật. Ý nghĩa của mỗi màu sắc có sự phân biệt khác nhau.
Màu xanh đậm tượng trưng cho Ðịnh căn, màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt.
Màu vàng lợt tượng trưng cho Niệm căn vì có Chính Niệm mới sinh Ðịnh và phát Huệ.
Màu đỏ tượng trưng cho Tinh tấn căn bởi có Tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh.
Màu trắng tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển và có tín căn là có nhân duyên với chư Phật và nguồn gốc sinh ra muôn hạnh lành.
Màu da cam tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sinh.
Màu tổng hợp tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới.

Lá cờ Phật giáo
Sự thay đổi không rõ nguyên nhân
Trong khoảng thời gian đi phật sự tại một số tỉnh như Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng tôi có thấy một số ngôi chùa treo những lá cờ Phật giáo mà màu sắc lại khác biệt so với là cờ chung của Phật giáo thế giới, cụ thể như màu da cam bị thay thế bằng màu xanh nõn chuối.

Lá cờ Phật giáo với sự thay đổi màu sắc
Lá cờ trên được treo tại đầu con đường dẫn vào một ngôi chùa ở thị trấn huyện Tiên Lãng - Hải Phòng. Là người con Phật mỗi khi đi qua nơi có cắm những lá cờ có sự sai biệt đó tôi lại thấy như thiếu cái gì đó, hay chính xác là mất đi cái bản sắc trí tuệ của người con học Phật.
Treo ngược cờ
Một vấn đề đi kèm theo nữa đó là cách treo có đúng hay không? Màu xanh đậm phải được treo lên trên vì đó tượng trưng cho sự rộng lớn và sáng suốt của nhà Phật. Vậy mà tại một số nơi có treo những lá cờ “ngược” một cách rất tự nhiên, và một hàng cờ có cái xuôi cái ngược, về mặt thẩm mĩ đã là không được, huống chi đây là hình ảnh đại diện cho một tôn giáo.

Một lá cờ Phật giáo bị treo ngược
Cứ có là treo mà không hiểu thế nào là đúng, nếu như không chỉnh lại cho chính xác thì lâu dần lá cờ của Phật giáo Việt Nam sẽ “ngược” so với lá cờ chung của cộng đồng Phật giáo thế giới. Giả sử các tu sĩ hay cư sĩ của các nước có Phật giáo đến với Việt Nam mà thấy hình ảnh lá cờ bị treo ngược hay là bị thay đổi màu sắc thì họ sẽ nghĩ sao?
Thiết nghĩ các chùa khi treo cờ phải thật sự nghiêm túc, ngay cả một số chùa mà cũng không phân biệt được cách treo cờ đúng - sai thì quả thật vấn đề đã trở nên đáng báo động.