Chuyện hy hữu, Văn miếu mà lại có sắc phong!
Bộ ba miếu của tỉnh Khánh Hòa trên bản đồ phủ Diên Khánh, vẽ thời Đồng Khánh (1886-1888)
Ở Việt Nam ngay cả Văn miếu[1] Quốc tử giám ở Hà Nội hoặc ở Huế cũng không có sắc phong huống chi Văn miếu cấp tỉnh, huyện! Nhưng hiện nay ở Văn miếu Diên Khánh thuộc tỉnh Khánh Hòa đang lưu giữ 34 sắc phong. Các sắc phong này không phải phong cho Khổng tử hoặc các tiên nho, tiên hiền mà phong cho 11 vị thần.
Lý do nào mà Văn miếu Diên Khánh lại lưu giữ 34 sắc phong như vậy? Tháng giêng nhuận năm Quý Hợi (1803)vua Gia Long “sai các dinh, trấn đều lập nhà văn miếu, mỗi miếu đặt 2 người điển hiệu, lễ sinh và miếu phu đều 30 người”[2]. Do đó Văn miếu dinh Bình Hòa cũng được lập trong năm này tại làng Phú Lộc về phía tây bắc thành Diên Khánh (năm 1803 đổi dinh Bình Khang thành dinh Bình Hòa, năm 1808 đổi dinh Bình Hòa thành trấn Bình Hòa, năm 1832 đổi trấn Bình Hòa thành tỉnh Khánh Hòa). Việc dựng Văn miếu trấn Bình Hòa năm 1803 chỉ là sự tiếp nối của việc di dời Văn miếu từ lỵ sở cũ sang lỵ sở mới(Năm 1802 lỵ sở dinh Bình Khang được di dời từ Ninh Hòa vào thành Diên Khánh. Trước đó Văn miếu dinh Bình Khang dựng tại xã Phước An[sau đổi thành Phước Lý, nay thuộc xã Ninh Bình], huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí soạn xong năm 1805 ghi: Trên đường thiên lý từ bắc vào nam sau khi đến trạm Toàn Thạnh cũ [sau đổi thành trạm Hòa Mỹ, nay thuộc làng Mỹ Hiệp, Ninh Hòa]“Qua hướng tây 80 tầm là nơi lỵ sở dinh ký lục của tiền triều, đi 191 tầm đến miếu Văn Thánh cũ. Nay miếu đã được chuyển đến thờ tại thành Diên Khánh”[…tây biên bát thập tầm, tiền triều ký lục dinh tại thử, nhất bách cửu thập nhất tầm chí cựu Văn Thánh miếu. Kim miếu di kiến tại Diên Khánh thành phụng tự)[3]. Sự kiện di kiến miếu Văn Thánh vào lỵ sở mới cũng được ghi lại trong tờ cựu khế bằng chữ Hán làm ngày mùng 5 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) có dấu triện của cai tổng và lý trưởng sở tại: “…cựu hữu Văn miếu thiết lập tại thử. Thượng thượng niên phụng di miếu vũ hồi tỉnh sùng tự, kỳ Gò Miếu lưu vi hoang nhàn. Tư bổn huyện cử nhân, tú tài thừa tỉnh chương trùng tu miếu vũ tại Gò Miếu cựu chỉ” (…xưa có Văn miếu thiết lập tại đây. Năm xưa vâng lệnh di dời Văn miếu về tỉnh thờ tự, nên Gò Miếu trở nên hoang nhàn. Nay cử nhân, tú tài trong huyện thừa lệnh của tỉnh trùng tu miếu vũ tại nền cũ Gò Miếu).Năm 1844 Văn chỉ huyện Tân Định được cất trên nền cũ Văn Thánh miếu dinh Bình Khang. Do địa danh Tân Định không còn tồn tại nên đổi thành Văn chỉ Ninh Hòa. (Hiện tờ cựu khế được Ban Quản lý Văn chỉ Ninh Hòa lưu giữ).
Đầu năm 1948 với chính sách “tiêu thổ kháng chiến” nên Việt Minh đã phóng hỏa thiêu hủy Văn miếu Khánh Hòa. Từ đó cho đến năm 1958 đất đai trong khu vực Văn miếu Khánh Hòa trở thành công thổ của làng Phú Lộc.
Năm 1958 các cụ trong Hội Khổng học Diên Khánh muốn di dời Văn chỉ huyện Phước Điền từ Gò Sòng (Sùng Cương), làng Phước Tuy, xã Diên Phước về cất trên nền cũ bỏ hoang của Văn miếu Khánh Hòa. Sau khi bàn bạc với Quận trưởng Quận Diên Khánh[4] Trần Bá Lộc và bô lão làng Phú Lộc, các bô lão làng Phú Lộc đồng ý chuyển giao toàn bộ diện tích đất khu vực Văn miếu Khánh Hòa để di dời Văn chỉ Phước Điền về cất trên nền cũ Văn miếu Khánh Hòa. Năm 1959 việc di dời hoàn tất. (Sau khi di dời xong, nhận thấy địa danh Phước Điền không còn sử dụng nữa, nên Hội Khổng học đổi tên từ Văn chỉ Phước Điền thành Văn miếu Diên Khánh).
Đổi lại Văn miếu Diên Khánh phải lo phụng thủ hương khói khám thờ miếu Hội Đồng tỉnh Khánh Hòa cùng cất giữ 34 sắc phong. Theo Đại Nam nhất thống chí, Miếu Hội Đồng tỉnh Khánh Hòa được xây dựng năm Gia Long thứ 15 (1816) tại làng Phú Lộc[5], phía đông Văn miếu Khánh Hòa khoảng 200 mét đường chim bay. Sau năm 1945 chế độ phong kiến cáo chung, không ai quản lý miếu cho nên miếu Hội Đồng xuống cấp, cho nên sau năm 1954 các bô lão trong làng Phú Lộc quyết định triệt hạ miếu Hội Đồng để xây dựng trường Tiểu học (nay là khu vực Trường Tiểu học Thị trấn 2 Diên Khánh). Bắt đầu từ năm 1959 các bài vị cũng như toàn bộ sắc phong được các bô lão làng Phú Lộc phụng thủ hương khói chuyển giao cho Văn miếu Diên Khánh.
Hiện nay ở hữu vu Văn miếu Diên Khánh có 3 khám thờ, khám thờ đầu tiên ngoài cùng là khám thờ của miếu Hội Đồng chuyển giao cho Văn miếu Diên Khánh hương khói. Trong khám thờ có 8 bài vị được xếp làm 2 hàng: Hàng đầu 4 bài vị tính từ phải sang trái: Bài vị 1: Tiên sư Thổ công Táo quân Trụ trạch chư thần liệt vị/ Bài vị 2: Trung đẳng âm thần liệt vị/ Bài vị 3:Thượng đẳng âm thần liệt vị/ Bài vị 4: Hạ đẳng âm thần liệt vị.
Hàng phía sau có 4 bài vị tính từ phải sang trái: Bài vị 1: Đương cảnh Thổ Địa Long thần Hà Bá Thủy Quan chư thần liệt vị/ Bài vị 2: Trung đẳng dương thần liệt vị/ Bài vị 3: Thượng đẳng dương thần liệt vị/ Bài vị 4: Hạ đẳng dương thần liệt vị.
Mặt trước hai bên khám có 2 vế đối chữ Hán: “Hội âm dương nhi hợp tự/ Đồng nhật nguyệt dĩ tịnh minh” (Hội âm dương mà thờ chung/ Cùng nhật nguyệt đều chiếu sáng).
Miếu Hội Đồng khi chưa triệt hạ gồm ba gian hai chái. Gian chính giữa đặt bài vị “Thượng đẳng dương thần liệt vị”. Gian bên tả đặt 2 bài vị “Trung đẳng dương thần liệt vị” và “Hạ đẳng dương thần liệt vị”. Gian bên hữu đặt 3 bài vị “Thượng đẳng âm thần liệt vị”, “Trung đẳng âm thần liệt vị”, “Hạ đẳng âm thần liệt vị”. Gian chính giữa và gian bên hữu được che một tấm màn ngăn cách âm và dương. Chái bên đông đặt bài vị “Đương Cảnh Thổ Địa Long Thần Hà Bá Thủy Quan chư thần liệt vị”. Chái bên tây đặt bài vị “Tiên sư Thổ công Táo Quân Trụ Trạch chư thần liệt vị”[6]
Khám thờ các bài vị ở miếu Hội đồng tỉnh Khánh Hòa, hiện đang phụng thủ tại hữu vu Văn miếu Diên Khánh.
hai cặp câu đối ở miếu Thành Hoàng còn sót lại sau khi bị Việt Minh “tiêu thổ kháng chiến”. Hiện dựng ở vách tường phía bắc của hữu vu Văn miếu Diên Khánh
Miếu Hội Đồng chỉ có 31 sắc phong
Nhiều người nhầm tưởng là 34 sắc phong đang lưu giữ tại Văn miếu Diên Khánh đều là của miếu Hội Đồng, nhưng sự thật ở miếu Hội Đồng Khánh Hòa chỉ có 31 sắc phong ban cho 11 vị thần, còn lại 3 sắc phong không phải của miếu Hội Đồng. Mỗi vị thần được cấp 3 sắc phong cùng 3 thời điểm như nhau: Minh Mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật (24/9/Nhâm Ngọ[1822]); Thiệu Trị tam niên, bát nguyệt, thập tam nhật(13/8/Quý Mão[1843]); Thiệu Trị tam niên, cửu nguyệt, thập nhất nhật(11/9/Quý Mão[1843])
Chỉ duy nhất Đương Cảnh Thành hoàng chi thần thờ ở miếu Hội Đồng có một sắc phong vào năm Minh Mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật (24/9/Nhâm Ngọ[1822]) mà thôi.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu 3 đạo sắc phong cho Thiên Y A Na tại miếu Hội Đồng Khánh Hòa để tham khảo.(Các sắc phong còn lại được cấp cùng thời điểm cũng có công thức chung như ba sắc phong được giới thiệu, chỉ khác danh hiệu thần và các mỹ tự được gia phong và gia tặng mà thôi)
Sắc 1: “Sắc Thiên Y A Na Diễn Phi, hộ quốc tý dân, hiển hữu công đức, tiền kinh bao tặng, liệt tại tự điển. Phụng ngã Thế Tổ Cao hoàng đế, thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân. Tứ kim, quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu, khả gia phong Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm Thượng đẳng thần, nhưng chuẩn liệt tự tại Bình Hòa trấn, Hội Đồng miếu. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc.
Minh mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật.
Tạm dịch: “ Sắc cho Thiên Y A Na Diễn Phi, giúp nước che dân, tỏ rõ công đức, trước đã được khen tặng, xếp vào điển thờ. Vâng mệnh Thế Tổ Cao hoàng đế của ta, thống nhất bờ cõi, phước bao trùm đến thần và người. Nay, trẫm rạng nối nghiệp lớn, xa nghĩ đến ơn thần, nên long trọng gia phong Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm Thượng đẳng thần, vẫn chuẩn cho thờ tự tại miếu Hội Đồng, trấn Bình Hòa. Mong thần hãy giúp đỡ và bảo vệ dân chúng của ta. Cho nên có sắc mệnh này! Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 3”
Sắc 2: “Sắc Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tiết mông ban cấp tặng sắc, chuẩn hứa phụng sự. Minh Mạng nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh Tổ Nhân hoàng đế, ngũ tuần đại khánh tiết, khâm phụng bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Thượng đẳng thần, nhưng chuẩn Khánh Hòa tỉnh, Hội Đồng miếu y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Thiệu Trị tam niên, bát nguyệt, thập tam nhật.
Tạm dịch: “Sắc cho Hồng Huệ[7] Phổ Tế Linh Cảm Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần, giúp nước che dân, linh ứng từ lâu, đã từng được ban cấp tặng sắc, chuẩn cho phụng tự. Năm Minh Mạng thứ 21, vào dịp Thánh tổ Nhân hoàng đế của ta mừng thọ ngũ tuần, đã vâng kính chiếu báu ơn sâu, lễ lớn thăng trật. Nay trẫm cả nhận mệnh lớn, xa nghĩ đến ơn thần, nên gia tặng Hồng Huệ Phổ Tế linh Cảm Diệu Thông Thượng đẳng thần, nhưng vẫn chuẩn cho miếu Hội Đồng, tỉnh Khánh Hòa phụng thờ như cũ. Mong rằng thần hãy giúp đỡ và bảo vệ dân ta. Kính thay! Ngày 13 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 3.
Sắc 3: “Sắc Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tiết mông ban cấp tặng sắc, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Thượng đẳng thần, nhưng chuẩn Khánh Hòa tỉnh, Hội Đồng miếu, y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Thiệu Trị tam niên, cửu nguyệt, nhị thập nhất nhật.
Tạm dịch: “Sắc cho Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần, giúp nước che dân, linh ứng tè lâu, đã được ban cấp tặng sắc chuẩn cho phụng thờ. Nay trẫm cả nhận mệnh lớn, xa nghĩ đến ơn thần, gia tặng thêm Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Thượng đẳng thần, vẫn chuẩn cho miếu Hội Đồng, tỉnh Khánh Hòa, phụng thờ như cũ. Mong rằng thần hãy giúp và bảo vệ dân ta. Kính thay! Ngày 21 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 3.
Sắc Thiên Y A Na (ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt).
Sắc Thanh Linh Thuần Đức (ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt)
Sắc Thái Giám Bạch Mã( ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên, ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt)
Sắc Long Vương( ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái; sắc Thiệu trị tam niên cửu nguyệt)
Sắc Cao Các( ảnh trên: sắc Minh mạng tam niên; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt)
Sắc Nam hải Cự Tộc Ngọc Lân (ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt)
Sắc Đại Càn (ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt)
Sắc Hà Bá (ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt)
Sắc Chúa Thiết thần nữ(ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt)
sắc Dương Oa thần nữ (ảnh trên: sắc Minh Mạng tam niên; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt; ảnh dưới trái: sắc Thiệu Trị tam niên cửu nguyệt). Lưu ý: Ba sắc này bị mối mọt làm hư hại từ 1-2 dòng đầu của sắc phong
Sắc Thành hoàng ở miếu Hội đồng (ở miếu Hội đồng chỉ có duy nhất một sắc thời Minh Mạng tam niên mà thôi)
Sắc Thành hoàng cấp cho miếu Thành hoàng( ảnh trên: sắc Thiệu Trị nhị niên, bát nguyệt sơ thất nhật; ảnh dưới phải: sắc Thiệu Trị nhị niên, cửu nguyệt sơ cửu nhật; ảnh dưới trái: sắc Tự Đức tam niên, sơ tam nhật)
Danh hiệu và mỹ tự được gia phong của 11 vị thần thờ ở miếu Hội Đồng
-Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi được vua Minh Mạng gia phong mỹ tự Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm TĐT/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông TĐT/ Gia tặng lần 2: Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng TĐT.
-Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh nương được vua Minh Mạng gia phong: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Tứ Vị TĐT/ Gia tặng lần 2: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Tứ Vị TĐT.
– Thanh Linh Thuần Đức được vua Minh Mạng gia phong Hồng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng TĐT/ Vua Thiệu trị gia tặng lần 1: Hồng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Chiếu Cách TĐT/ Gia tặng lần 2: Hồng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Chiếu Cách Lệ Anh TĐT.
– Cao Các được vua Minh Mạng gia phong Hồng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu TĐT/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Hồng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phù Hựu TĐT/ Gia tặng lần 2: Hồng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phù Hựu Trạc Dương TĐT.
-Long Vương được vua Minh Mạng gia phong Dương Trạch Hợp Hóa TrĐT/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Dương Trạch Hợp Hóa Hiển Linh TrĐT/ Gia tặng lần 2: Dương Trạch Hợp Hóa hiển Linh Trợ Thuận TrĐT
– Hà Bá được vua Minh Mạng gia phong Hoằng Ân Quảng Trạch TrĐT/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Hoằng Ân Quảng Trạch Hoằng Bác TrĐT/ Gia tặng lần 2: Hoằng Ân Quảng Trạch Hoằng Bác Trừng Tĩnh TrĐT
– Dương Oa thần nữ được vua Minh Mạng gia phong Ôn Đức Quảng Hựu TrĐT/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Ôn Đức Quảng Hựu Gia Trợ TrĐT/ Gia tặng lần 2: Ôn Đức Quảng Hựu Gia Trợ Linh Thông TrĐT
– Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân được vua Minh Mạng gia phong Từ Tế chi thần/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Từ Tế Chương Linh chi thần/ Gia tặng lần 2: Từ Tế Chương Linh Trợ Tín chi thần
– Chúa Thiết thần nữ được vua Minh Mạng gia phong Kiên Trinh chi thần/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Kiên trinh Thục Luyện chi thần/ Gia tặng lần 2: Kiên Trinh Thục Luyện Cương Giới chi thần.
– Thái Giám Bạch Mã được vua Minh Mạng gia phong Lợi Vật chi thần/ Vua Thiệu Trị gia tặng lần 1: Lợi Vật Kiện Thuận chi thần/ Gia tặng lần 2: Lợi Vật Kiện Thuận Hòa Nhu chi thần
– Đương Cảnh Thành Hoàng được vua Minh Mạng gia phong Quảng Hậu chi thần[8]
Công thức viết sắc phong cho miếu Hội Đồng và miếu Thành Hoàng cũng khác. Mở đầu sắc phong bên miếu Hội Đồng là chữ “Sắc” kế đến là danh hiệu và mỹ tự của vị thần được gia phong và gia tặng lần trước, gần cuối sắc phong ghi mỹ tự được gia phong hoặc gia tặng cho vị thần trong lần đang được phong cùng địa điểm thờ tự là Bình Hòa trấn, Hội Đồng miếu (sắc Minh Mạng); Khánh Hòa tỉnh, Hội Đồng miếu(sắc Thiệu Trị).
Sắc phong bên miếu Thành Hoàng cũng mở đầu bằng chữ “Sắc” kế đến là “ Khánh Hòa tỉnh” rồi mới đến danh hiệu và mỹ tự được gia phong và gia tặng lần trước, gần cuối sắc ghi mỹ tự được gia tặng cho vị thần trong lần đang được phong.
Sắc phong cho thần Đương Cảnh Thành Hoàng
Trong 34 sắc phong lưu giữ tại Văn miếu Diên Khánh có 4 sắc phong cho thần Đương Cảnh Thành Hoàng và trong 4 sắc phong ấy chỉ có 1 sắc phong Minh Mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật cấp cho Miếu Hội Đồng, còn lại 3 sắc phong là cấp cho miếu Thành Hoàng tỉnh Khánh Hòa vào các thời điểm: Thiệu Trị nhị niên, bát nguyệt, sơ thất nhật (7/8/Nhâm Dần[1842]; Thiệu Trị nhị niên, cửu nguyệt, sơ cửu nhật (9/9/Nhâm Dần[1842];Tự Đức tam niên, thất nguyệt, sơ tam nhật (3/7/Canh Tuất[1850]).
Chú ý là hai sắc phong cho miếu Thành Hoàng được cấp vào năm Thiệu Trị nhị niên (1842)chứ không phải Thiệu Trị tam niên (1843)!
Đương Cảnh Thành Hoàng đã được vua Minh Mạng gia phong mỹ tự: Quảng Hậu vào năm Nhâm Ngọ(1822), vua Thiệu Trị gia tặng lần 1 thêm 1 mỹ tự: Quảng Hậu Chính Trực, gia tặng lần 2 thêm 1 mỹ tự: Quảng Hậu Chính Trực Trạc Linh. Vua Tự Đức gia tặng thêm 1 mỹ tự: Quảng Hậu Chính Trực Trạc Linh Tĩnh Hậu Trung đẳng thần. Kể từ năm Tự Đức thứ 3(1850), Đương Cảnh Thành Hoàng cấp tỉnh mới được nâng từ Hạ đẳng thần lên Trung đẳng thần.
Năm Gia Long thứ 8 (1809)dựng miếu Đô Thành Hoàng ở bên hữu trong kinh thành Huế, chính giữa đặt một án phụng thờ Thành Hoàng ở kinh đô, hai chái bên đông, bên tây đều đặt 5 án thờ phụ, phụng thờ Thành Hoàng các tỉnh[9]. Như vậy kể từ năm 1809 Thành Hoàng các tỉnh đem về thờ phụ ở kinh đô.
Tháng 9 năm Kỷ Hợi (1839) bộ Lễ tâu lên với vua Minh Mạng: “Khi mới khôi phục nước nhà, đã dựng miếu thờ Thành hoàng, lại dựng thêm hai nhà tòng tự. Nhà bên tả thờ các vị thần Thành hoàng các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam. Nhà bên hữu thờ các vị thần Thành hoàng từ Hà Tĩnh trở ra Bắc. Các tỉnh có riêng miếu Hội đồng, phụng thờ các vị thần kỳ, mà không đặt riêng miếu thờ thần Thành hoàng bản hạt. Ôi! Thần Thành hoàng trừ tai ngăn hoạn, thật là công đức với dân. Các nơi sở tại đặt nhà thờ riêng là lễ vậy. Xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bản cảnh Thành hoàng ở trong miếu Hội đồng. Bàn thờ các vị thần kỳ đem đặt ở hai gian bên tả bên hữu. Khắc lại cái biển treo trong miếu làm miếu Thành hoàng. Các bài vị tòng tự trong miếu thờ Thành hoàng ở kinh đô đều đem rước ra đốt cháy”. Vua cho lời tâu ấy là phải[10]. Như vậy vua Minh Mạng đồng ý là Thành hoàng của tỉnh nào đem về tỉnh ấy phụng thờ và đổi miếu Hội đồng thành miếu Thành hoàng.
Thiệu Trị năm đầu (1841) xuống dụ: “Từ trước đến giờ thần vị Thành Hoàng các trực tỉnh, từng được phụ thờ ở miếu Đô Thành Hoàng tại kinh thành. Năm trước bộ Lễ nghị xin cho các hạt làm thần bài, bày thờ ở miếu Hội Đồng thuộc hạt mình, rồi đổi gọi miếu Hội Đồng là miếu Thành Hoàng…”. Vua Thiệu Trị không đồng ý đổi tên miếu Hội Đồng thành miếu Thành Hoàng nên có thông dụ cho các trực tỉnh được dựng miếu riêng thờ Thành Hoàng ở nơi gần tỉnh, thành, doanh để làm chỗ tôn thờ; còn miếu Hội Đồng cũ, vẫn cho phụng thờ theo như trước, không nên thay đổi[11]
Do lệnh của vua Thiệu Trị ban năm 1841, cho nên vào năm này miếu Thành Hoàng tỉnh Khánh Hòa cũng được dựng tại làng Phú Lộc, trên đỉnh một ngọn núi nhỏ cao khoảng 20 mét, chu vi khoảng 400 mét đột khởi giữa đồng bằng, dân địa phương gọi là núi Sơn Lâm cách Văn miếu Khánh Hòa khoảng 100 mét đường chim bay về phía đông bắc[12].
Làng Phú Lộc đường vinh hạnh dựng bộ 3 miếu của tỉnh là Văn miếu, miếu Hội Đồng, miếu Thành Hoàng. Bộ 3 miếu ấy giống như một hình tam giác, cạnh đáy là Văn miếu và miếu Hội Đồng (nằm sát bờ sông Cái Nha Trang) mà đỉnh tam giác là miếu Thành Hoàng nằm trên đỉnh núi Phú Lộc. Bộ 3 miếu ấy đều quay mặt về hướng nam.
Sự kiện dựng miếu Thành Hoàng được ghi trong cặp câu đối còn sót lại sau khi miếu Thành Hoàng được “tiêu thổ kháng chiến”: “Thiệu Trị Tân Sửu chi sơ phụng thiết chuyên từ vu Phú Lộc lãnh/ Minh Mạng Nhâm Ngọ nhi hậu tiết mông gia tặng Quảng Hậu thần” (Tân Sửu Thiệu Trị năm đầu[1841]vâng mệnh xây dựng đền riêng[chuyên từ] ở đỉnh núi Phú Lộc/ Nhâm Ngọ Minh Mạng về sau[1822] ban ơn gia tặng cho thần mỹ tự Quảng Hậu)
Miếu Thành Hoàng là một tòa 3 gian, lòng xà 5 thước 8 tấc, chấn tâm 7 thước 2 tấc, cột cái dài 9 thước 5 tấc, ngang 6 tấc lợp ngói, mặt tả, mặt hữu và mặt sau xây tường gạch, biển ngạch khắc chữ “Thành Hoàng miếu”, mặt quay về hướng nam[13]
Năm 1946 quân đội Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam và đã dùng miếu Thành Hoàng làm nơi trú quân. Khoảng năm 1950 với chính sách tiêu thổ kháng chiến, nên Việt Minh cho thiêu hủy miếu Thành Hoàng. Do sắc phong được cất giữ nơi khác nên không bị thiêu hủy. Các bô lão làng Phú Lộc mới đem 3 sắc phong nhập chung với miếu Hội Đồng.
Miếu Thành Hoàng sau khi “tiêu thổ kháng chiến” còn sót lại 2 cặp câu đối có nét chữ giống nhau và không có lạc khoản. Trước khi Văn miếu Diên Khánh trùng tu năm 2009 thì cặp câu đối “Thưởng phạt toàn do chính trực thi hà tất giai tiền khấu thủ/Thị phi bất xuất thông minh giám cự dung ám lý khi tâm” (Thưởng phạt tất cả do chính trực thi hành, cần gì phải khấu đầu trước thềm/ Phải trái không ngoài thông minh xem xét, há sao ngầm bên trong mà dối lòng)treo hai bên khám thờ Khổng tử ở chánh điện. Cặp câu đối “Thiệu Trị Tân Sửu chi sơ…/ Minh Mạng Nhâm Ngọ nhi hậu…” treo 2 bên vách ở bái đường nơi để chuông trống. Sau khi trùng tu Văn miếu Diên Khánh, xây lại tả vu, hữu vu cho nên khám thờ miếu Hội Đồng đem ra hữu vu và 2 cặp câu đối không được treo lên mà dựng dựa vào vách.
Văn miếu Diên Khánh với việc bảo quản sắc phong.
Từ khi Văn miếu Diên Khánh nhận phụng thủ 34 sắc phong từ các bô lão làng Phú Lộc vào năm 1959 thì hằng năm cứ đến ngày 18 tháng 4 âm lịch là ngày Thánh húy (ngày mất) của Khổng tử và ngày 27 tháng 8 âm lịch là ngày Thánh đản (ngày sinh) của Khổng tử đều có “khai sắc” để xem số sắc phong có mất mát hư hại gì không, sau đó bỏ thêm long não vào hòm sắc để trừ mối mọt. Sau ngày 30/4/1975 chính sách tôn giáo tín ngưỡng chưa rõ ràng, cho nên việc cúng tế ở Văn miếu Diên Khánh không công khai như xưa và cúng tế âm thầm, nhanh chóng, không chuông trống, nên việc “khai sắc” cũng bỏ qua. Đến Năm 1999 việc cúng tế đi vào quy củ theo quy định của Nhà nước, nên có “khai sắc”. Trước đây sắc của vị thần nào thì cuộn riêng làm một cuộn và để chung trong một hòm sắc, cho nên khi mối mọt xâm hại thì cuộn sắc ấy đều bị liên hệ. Khi “khai sắc” thì các sắc phong cho Đại Càn, Cao Các, Long Vương bị mối mọt làm hư hại phần rìa trên bên tay phải của sắc, rất may là không bị ảnh hưởng đến phần chữ viết. Riêng sắc Dương Oa thần nữ bị mối mọt làm mất đi khoảng 1-2 dòng chữ đầu của 3 sắc phong. Sắc Minh Mạng tam niên, cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật chỉ còn lại từ dòng “công đức tiền kinh bao tặng liệt tại tự điển…”; Sắc Thiệu Trị tam niên bát nguyệt, thập tam nhật còn lại từ dòng: “Thánh tổ Nhân hoàng đế ngũ tuần đại khánh tiết khâm phụng…”; Sắc Thiệu Trị tam niên, cửu nguyệt, nhị thập nhất nhật còn lại từ dòng: “tặng sắc chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim phi ưng…”
Trong lần đi điền dã tại làng Phong Thạnh xã Ninh Lộc, Thị xã Ninh Hòa tôi được xem ảnh các sắc phong của đình làng Phong Thạnh, trong đó có các sắc phong cho Dương Oa thần nữ được cấp cùng thời điểm với miếu Hội Đồng. So sánh với nhau thì sắc Minh Mạng tam niên ở miếu Hội Đồng mất một dòng chữ: “Sắc Dương Oa thần nữ chi thần, hộ quốc tý dân, hiển hữu…”; Sắc Thiệu Trị tam niên, bát nguyệt mất 2 dòng chữ: “Sắc Ôn Đức Quảng Hựu Dương Oa thần nữ Trung đẳng thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp”; Sắc Thiệu Trị tam niên, cửu nguyệt mất 2 dòng chữ: “Sắc Ôn Đức Quảng Hựu Gia Trợ Dương Oa thần nữ Trung đẳng thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp”
Hiện nay Văn miếu Diên Khánh đang phụng thủ 34 sắc phong và đây là đơn vị thờ tự lưu giữ số lượng sắc phong nhiều nhất và vào hàng lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Các cơ quan văn hóa hữu trách nên có kế hoạch hướng dẫn Văn miếu Diên Khánh bảo quản số sắc phong ấy một cách khoa học hơn.
Chú thích
[1]- Văn miếu có phải là miếu văn học, văn chương? Khai Nguyên năm thứ 27 (739-Kỷ Mão) Đường Huyền Tông có chiếu truy thụy Khổng tử là Văn Tuyên Vương, do đó nơi thờ tự Khổng tử gọi là Văn Tuyên Vương miếu, gọi tắt là Văn miếu.
[2]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.546
[3]- Văn hóa Tùng thư, Đại Nam nhất thống chí Quyển 10&11 Tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Nha Văn hóa- Bộ Giáo dục Việt Nam cộng Hòa 1964, tr.95
– Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, tr.48. Chữ Hán tr. 1681-(9b)
[4]- Trước năm 1975 dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa gọi đơn vị huyện như hiện nay là “quận”
[5]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr. 117
[6]- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, tr.510
[7]- Do kỵ húy miếu hiệu Thánh tổ Nhân hoàng đế của vua Minh Mạng, nên mỹ tự Hồng Nhân Phổ Tế đổi thành Hồng Huệ Phổ Tế. Đến thời Tự Đức do kỵ húy chữ “Hồng” nên mỹ tự đổi thành Hoằng Huệ Phổ Tế.
[8]- Danh hiệu thần là tên thường gọi. Ví dụ Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi là danh hiệu của thần. Hồng Nhân Phổ Tế là mỹ tự được ban.Mỗi mỹ tự gồm có 2 chữ. Ví dụ: Hồng Nhân/Phổ Tế/Linh Cảm/Diệu Thông/Mặc Tướng/Trang Huy. Ban lần đầu gọi là “gia phong”, ban những lần kế tiếp gọi là “gia tặng”. TĐT là viết tắt Thượng đẳng thần. TrĐT là viết tắt Trung đẳng thần. Chi thần là Hạ đẳng thần.
[9][11]- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, tr. 507, 508
– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập VI, Nxb Giáo dục, tr. 173
[10] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu tập II, Nxb Thuận Hóa, tr.196-197
– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập V, Nxb Giáo dục, tr.567
[12]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr. 117
[13]- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 13, Nxb Thuận Hóa, tr. 93
– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 6, Nxb Giáo dục, tr. 173
Nguyễn Văn Nghệ/nghiencuulichsu
Hình ảnh thêm về Ba mươi bốn sắc phong đang lưu giữ ở Văn Miếu Diên Khánh