Các vũ công trong những bộ trang phục bằng lụa sáng màu và những chiếc mũ nổi bật biểu diễn đánh trống và nhạc sáo là một phần của lễ hội được tổ chức ở một ngôi làng miền núi để kỷ niệm 1000 năm ngày sinh của thánh Phật Naropa.
Vị thánh và học giả người Ấn Độ này được nhiều tín đồ chào đón để gây dựng một truyền thống phong phú của triết học Phật giáo ở thế kỉ 11.
Các vũ công biểu diễn trong Lễ hội Naropa ở làng Hemis trên Himalaya. (Nguồn: AFP)
Chỉ được tổ chức 12 năm một lần, Lễ hội Naropa thu hút một số lượng lớn Phật tử, đặc biệt là những người từ dòng truyền thừa Drukpa – những người tu tập một cách truyền thống ở Ladakh và Bhutan.
Trong số những người tham dự lễ hội kéo dài một tuần ở làng Hemis này có diễn viên Malaysia gốc Hoa nổi tiếng Dương Tử Quỳnh.
Ấn Độ nổi tiếng với rất nhiều lễ hội tôn giáo – bao gồm cả cuộc hành hương Kumbh Mela của những người Hindu giáo cứ 12 năm tổ chức một lần – trong đó một số lượng lớn các tín đồ tôn giáo đã tập trung tại những con sông và đền chùa linh thiêng trong những cảnh tượng hỗn loạn và nhiệt độ cao cháy da.
Các tu sĩ Phật giáo tham gia cầu nguyện trong Lễ hội Naropa, thường được gọi là “Kumbh Mela của dãy Himalaya”. (Nguồn: AFP)
Ngược lại, Lễ hội Naropa được tổ chức ở ngôi làng thanh bình trên Himalaya – nơi có một cung điện và tu viện, nằm cách thị trấn chính của khu vực, Leh, khoảng 45km.
Một điểm nhấn của lễ hội kéo dài cả tuần này được bắt đầu hôm thứ sáu, ngày 16/9/2016, đó là lễ hội đã trưng bày sáu bộ đồ trang trí bằng xương linh thiêng – được xem là của Naropa – trong một buổi lễ ngoài trời kéo dài 1 giờ đồng hồ.
Các diễn viên đợi đến lượt biểu diễn trong Lễ hội Naropa ở Tu viện Hemis. (Nguồn: AFP)
Lãnh đạo tinh thần của dòng Drukpa, Pháp vương Gyalwang Drukpa, đã tiết lộ về những bộ đồ trang trí này – bao gồm một vương miện, hoa tai và một chiếc vòng cổ – với rất nhiều các tu sĩ mặc áo choàng tụng kinh và các tín đồ ngồi dưới những chiếc dù sặc sỡ sắc màu để thực hiện các lời cầu nguyện.
“Tôi đến từ miền nam Ấn Độ. Giờ tôi đã đặt chân đến đây để chiêm ngưỡng lễ hội này… Có rất nhiều người đến đây bằng máy bay từ bắc Ấn và từ nhiều quốc gia khác”, Sonam Phuntsok, một nhà sư đến từ thành phố miền nam Ấn Độ, Bangalore, phát biểu với AFP.
“Đây là một nơi rất đẹp. Thời tiết ở đây thật tuyệt. Rất nhiều người đã đến đây, tôi rất hạnh phúc”.
Một điểm nổi bật khác của lễ hội là căng ra một tấm thảm thêu bằng lụa khổng lồ vị thánh bảo trợ của Tây Tạng, Padmasambhava. Tấm thảm thổ cẩm, được gọi là “thangka” ở Tây Tạng, được trưng bày lần cuối cùng cách đây 12 năm, năm 2004.