Trong số ba tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên ra đời vào cuối thế kỷ thứ 19, Gia Định Báo và Thông loại khóa trình được nói đến nhiều, còn Nam Kỳ ít được biết đến hơn. Đã thế, trong những điều ít ỏi được viết ra đó lại có một vài điều còn chưa được thống nhất. Lý do, có phần như Trần Nhật Vy nói là “Nam Kỳ cũng là tờ báo tiếng Việt “bí mật” nhất cho tới nay. Bí mật bởi vì tờ báo này chưa tìm thấy trong nhiều tàng thư trên thế giới và những bản còn lưu lại trong nước cũng rất hiếm” (Trần Nhật Vy, Trương Minh Ký-Nhà văn, nhà báo Quốc ngữ chưa được vinh danh, Xưa và Nay, số 502, tháng 12 năm 2018).
Thật vậy, Nam Kỳ từng được coi là tờ báo bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp, ra đời vào năm 1883, như Huỳnh Văn Tòng viết[1]. Nhưng ngày nay đã có đủ bằng chứng để khẳng định rằng Nam Kỳ xuất hiện vào năm 1897 với số đầu tiên phát hành ngày 21/10/1897 và chỉ được in bằng chữ Quốc Ngữ. Báo Nam Kỳ bằng chữ Quốc Ngữ tồn tại trong 4 năm (từ 21/10/1897 đến 29/3/1900) với tất cả 125 số. Còn báo Nam Kỳ in bằng chữ Pháp là một tờ báo riêng có tên Le Nam-kỳ xuất bản từ tháng 7/1899-1901 với tất cả 96 số.
Tuy nhiên, về chủ bút của báo Nam Kỳ, hiện vẫn còn có hai ý kiến khác nhau. Nguyễn Văn Trung, trong “Lục châu học”, viết: “Tờ báo do Schreiner chủ trương, bỏ tiền ra in”[2] và Nguyễn Vy Khanh, trong bài viết “Lịch sử báo chí thời kỳ đầu” cũng viết rằng “Nam Kỳ là tờ báo viết bằng chữ quốc-ngữ. Giám đốc (directeur) là ông A. Schreiner”[3]. Riêng Trần Nhật Vy mặc dù viết rằng “Nam Kỳ là tờ báo tư nhân, do ông A. Schreiner, một doanh nhân, làm chủ” song khẳng định rằng Trương Minh Ký là chủ bút của báo Nam Kỳ, như sau: “Nếu 16 năm làm chủ bút Gia Định Báo ông (tức Trương Minh Ký-VXQ) đã gieo mầm cho văn học Việt, thì chỉ ba năm sau cùng (1897-1900) làm chủ bút tờ Nam Kỳ, ông thể hiện rõ tài năng trong nghề báo” và “…Để làm được tất cả những điều này, chủ bút Trương Minh Ký với bút danh Mai Nham đã phải mất rất nhiều công sức viết, dịch và lựa chọn các tin bài đưa lên mặt báo.”[4]
Vậy, thực sự ai là chủ bút của báo Nam Kỳ, A. Schreiner hay Trương Minh Ký?
Dưới đây chúng tôi xin cung cấp những bằng chứng có được qua tìm hiểu 122 trên tổng số 125 số báo phát hành vào thứ năm hàng tuần trong gần 4 năm của báo Nam Kỳ, và cứ liệu từ một số nguồn khác, nhằm góp phần trả lời cho câu hỏi đó.
Còn tên của Trương Minh Ký và bút danh Mai Nham chỉ gặp ghi dưới các bài viết giống như các tác giả khác, như trong 3 số ở screenshot (trang sau)
Phải công nhận rằng Trương Minh Ký là tác giả đóng góp nhiều bài nhất (cả sáng tác và dịch thuật) cho báo Nam Kỳ. Trong 122 số Nam Kỳ mà chúng tôi đọc được, tên Trương Minh Ký xuất hiện trong 9 số (dưới 2 bài dịch, 2 mẩu truyện và 13 bài thơ ngắn), còn bút danh Mai Nham xuất hiện trong 49 số (dưới 41 bài thơ và 2 truyện). Như vậy ông có tên trong tất cả 58/122 số của báo Nam Kỳ mà chúng tôi đọc được. Xếp sau ông là Sĩ thảo Nguyễn Trung Tín có bài trong 18 số (với 19 bài) và Duật Văn, trong 14 số (với 16 bài).
“Tại Saigon, ngày 18 novembre 1898. Kính ông đặng rõ, coi Nam-Kỳ, số 56, thì tôi thầm tưởng cũng như ông. Song tôi chắc có người không biết đọc tiếng Phansa (francais), thì đọc mấy tên riêng ra khác giọng. Nên đề theo chữ Francais mà âm thêm quấc-ngữ cho hương chức không biết đọc tiếng, thì sẵn có âm một bên đó, cứ đó mà đọc theo. Như Asie (A-zi), Espagne (Ét-pa-nhờ), Indes (Ăn-đờ), Etatsunis (Ê-ta-zu-ni), vân vân. Ấy là tiện việc cho người không biết đọc theo tiếng Francais, mà biết đọc quấc-ngữ, khỏi chạy đi mượn con nít trong các trường, hoặc phải đi hỏi thầy giáo trường tổng, mất công khó lòng lắm, vì có kẻ không quen không biết ai biết tiếng Francais mà hỏi. Nay kính, Mai Nham.”
Có lẽ còn nhiều quới viên coi nhựt báo ta, cũng tưởng như ông Mai Nham vậy, và nói người bàn đều đó là nhằm lý. Song le phen nầy vô phước quá, và ta cũng phiền lắm, vì phải nói nghịch lại các lời ông Mai Nham nói đó… Cách nói các tiếng, chẳng khi nào mà học không thầy cho được” (tr. 994).
Còn từ các số 118-124 có “Cáo Bạch” nói về việc thanh toán tiền đặt mua báo còn thiếu và thừa của chủ bút, đồng thời bày tỏ: “Ta ước ao cho Quí-Hữu tính toán như vậy, bởi vì khi ta về bên nước Langsa mà trở lại xứ nầy, ta sẽ in thứ nhựt-trình có hình, giá nó sẽ mắt hơn một chút, bề lớn rộng nó sẽ khác hơn nhựt-trình Nam-Kỳ ta in lúc nầy, lại dầu mà ta làm nó, thì có khi không phải một mình ta làm chủ nó trọn.”
Còn số cuối cùng, 125 (ra ngày 29/3/1900) có bài “Lời cùng Quí-Hữu coi nhựt trình ta” của A. Schreiner cùng với một bài thơ, lời lẽ rất thống thiết, phía cuối bài thơ ghi là “Bổn quán cẩn tự” (xem screenshot).
(Bài thơ trong screenshot tiếp như dưới đây):
Cầu cho huynh đệ an-ninh
Trẻ già đều hưởng thái bình thọ xương
Bao nài ngàn dặm xông sương
Chín chiều ruột thắt nhớ thương bạn vàng.
Mấy lời tự giã lên đàng
Trăm năm tạ dạ vài hàng kỉnh tin.
Họa nguyên vận:
Bốn phương thiên-hạ thấy trùng trùng
Thương mến cũng vì một chữ trung
Người cách mặc dầu lòng chẳng cách
Ya hoài tình hiệp thỉ cùng chung.
Bổn quán cẩn tự.”
Những dữ liệu trên đây trích xuất ra từ các số Nam Kỳ cho thấy Trương Minh Ký chỉ là người cộng t́ác tích cực và có nhiều bài viết nhất cho Nam Kỳ, chứ không phải là chủ bút của tờ báo, như Trần Nhật Vy khẳng định. Có lẽ vì chữ tiếng Pháp “directeur” trên măng sét của báo nên Nguyễn Văn Trung cũng như Nguyễn Vy Khanh cho rằng A. Schneirer là chỉ là “chủ báo”, “giám đốc” chứ không nói đến ông là chủ bút.
Tuy nhiên, từ năm 1977 nhà ngôn ngữ học Mỹ, John DeFrancis (1911-2009) đã viết trong sách “Colonialism and Language Policy in Vietnam” rằng: “Một trong những biểu hiện thú vị nhất được thực hiện với Alfred Schreiner, chủ sở hữu và chủ bút của báo Nam Kỳ bằng chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp – One of the most interesting presentation was made by Alfred Schreiner, editor and owner of the French and Quoc Ngư journal Nam Ky.”[6] Le Nam-Kỳ là tờ báo bằng chữ Pháp, xuất bản từ tháng 7/1899 đến 1901 đình bản. Trong thời gian tồn tại 2 năm, báo ra được tất cả 96 số.
Người viết bài này chỉ có một điều băn khoăn nhỏ: Alfred Schreiner là một người Pháp, liệu tiếng Việt của ông có đủ tốt để làm chủ bút một tờ báo Quốc Ngữ không? Nhưng điều băn khoăn này có thể lý giải được, khi ta đọc được lời tiết lộ của ông trong “Cáo Bạch” in từ số 118-124: “Sau hết, ta cũng xin cho ngọc hữu rõ sự nầy: như ta ở xứ Nam-Kỳ đã đặng mười lăm năm mà nay ta về nước Langsa thì là bởi chuyện gia đạo ta. Ta sẽ mau trở lại xứ này, cùng ra sức làm tờ giao kèo với một sở nhựt trình lớn bên nước Langsa đặng có hình tốt và rẻ tiền mà in trong nhựt trình quấc-ngữ sẽ bày”. Trong dữ liệu các tác giả của Thư viện Quốc gia Pháp về Alfred Schreiner, có viết: “Note: A aussi écrit en vietnamien (Cũng viết bằng tiếng việt)”[7]
Như vậy, từ tất cả những dữ liệu trên đây, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng Alfred Schreiner vừa là chủ sở hữu vừa là chủ bút của tờ báo chữ Quốc Ngữ Nam Kỳ và báo Le Nam-Kỳ.
Về thân thế và sự nghiệp của chủ bút Alfred Schreiner, chúng tôi sẽ giới thiệu trong một bài khác.
Chú thích
[1] Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam (từ khởi thủy đến năm 1945), Đại học bán công thành phố Hồ Chí Minh, 1994. Tr. 30
[2] Nguyễn Văn Trung, Lục Châu học (http://nguyenvantrung.free.fr/lucchauhoc/)
[3] http://www.namkyluctinh.com/a-tgtpham/nvkhanh/nvkhanh-LichSuBaoChiThoiDau.pdf
[4] https://tuoitre.vn/truong-minh-ky-nha-van-viet-chu-quoc-ngu-dau-tien-20190429123903436.htm. Trong bài viết này tác giả có một khẳng định thiếu chính xác, khi cho rằng Trương Minh Ký dịch truyện ngàn lẻ một đêm và in năm 1897 trong báo Nam Kỳ. Song, truyện “Chuyện Ali-Baba hay là Chuyện Bốn Mươi Ăn-Cướp” đăng trong 15 số (từ số 30 đến số 44) năm 1898 chứ không phải năm 1897.
[5] Félix François Faure (1841-1899), Tổng thống Pháp từ 1895-1899, mất ngày 16/2/1899.
[6] John deFrancis, Colonialism and the language policy in Vietnam, Walter de Gruyter GmbH & Co KG, 1977, tr.171
[7] (https://data.bnf.fr/fr/12426452/alfred_schreiner/)
Võ Xuân Quế
Hình ảnh thêm về Ai là chủ bút báo Quốc ngữ có tên Nam-Kỳ?